THEO BƯỚC CHÂN MẸ

by snDongKieu

THEO BƯỚC CHÂN MẸ

Chúa nhật tuần lễ thứ hai của tháng Năm là ngày “Hiền Mẫu” (Mother’s Day) mà nhiều dân tộc, trong đó có người Mỹ, đặc biệt dành để vinh danh người mẹ. Có một câu chuyện hay về người mẹ do Davida Dalton viết lại như sau: “Thật là một ngày bận rộn tại Costa Mesa, California. Với mười đứa con cộng với một đứa đang mang trong bụng thì mỗi ngày đối với tôi dường như bận rộn đến phát sốt. Cũng như mọi ngày, hôm nay tôi luôn quay cuồng với những công việc lặt vặt trong nhà, và nhất là cậu con trai nhỏ nhất tự dưng lại luôn bám sát theo sau chân tôi.

Cận bé tên là Len vừa mới được ba tuổi, luôn theo sát gót chân tôi bất cứ khi tôi đi đâu cũng vậy. Mỗi lần tôi phải dừng lại làm chuyện gì và khi quay lại, tôi gần như vấp ngã vì vướng vào cậu ta. Mỗi lần như vậy, tôi lại gợi ý cho cậu bé đi chơi những chỗ khác ‘vui’ hơn: ‘Sao con không ra chơi xích đu đi? …’ Nhưng lần nào cậu ta cũng nở một nụ cười rất hồn nhiên: ‘Không sao đâu mẹ à. Con vẫn thích ở đây chơi với mẹ hơn.’

Sau khi dẵm lên chân cậu ta lần thứ năm, tôi bắt đầu mất hết kiên nhẫn và bắt buộc Len ra ngoài chơi với các anh chị của cậu. Khi tôi hỏi tại sao cậu cứ bám theo gót chân tôi như vậy, cậu nhìn tôi với đôi mắt hơi ướt và nói: ‘Mẹ, cô giáo trong trường nói là con phải đi theo bước chân Chúa Giêsu. Nhưng con không tìm thấy Chúa đâu cả, nên con đi theo bước chân mẹ mà.’

Tôi ngồi xuống ôm chặt lấy Len. Nước mắt tôi trào ra vì cảm động và thương yêu cháu. Tim tôi cũng thổn thức trong lời cầu nguyện tạ ơn Chúa cho tôi nhìn ra sự ngây thơ nhưng đầy triển vọng của cậu con trai ba tuổi.”

Tông huấn về gia đình coi sứ mạng giáo dục con cái như một tác vụ trong Hội thánh: “Nhờ Bí Tích Hôn Nhân, sứ mạng giáo dục được nâng lên hàng phẩm giá và ơn gọi của một thừa tác vụ đích thực trong Hội thánh để phục vụ việc xây dựng các chi thể của Hội thánh.” Vì vậy, cha mẹ trong các gia đình Công giáo có bổn phận phải dạy dỗ con cái theo đường lối của Thiên Chúa. Chúng ta mang một trách nhiệm rất nặng có tầm ảnh hưởng quan trọng đến tương lai của con cái. Muốn giáo dục con cái, cha mẹ cũng phải tự thánh hóa bản thân, và điểm chính yếu là phải nêu gương sáng cho con cái. Cha mẹ nên tạo một bầu khí gia đình thánh thiện, lành mạnh, yêu thương, chia sẻ, và tin tưởng lẫn nhau. Bổn phận quan trọng của cha mẹ trong các gia đình Công giáo là phải hướng dẫn con cái cầu nguyện. Thói quen cầu nguyện chung mỗi tối là thói quen rất tốt mà mỗi gia đình Công giáo cần có. Không hình ảnh gì đẹp lòng Thiên Chúa bằng hình ảnh gia đình quây quần trước bàn thờ cầu nguyện.

Trong cuộc sống gia đình, để hoàn thành trách nhiệm làm cha mẹ không phải là dễ, nhưng tình yêu thương sẽ giúp chúng ta vượt qua tất cả. Chúng ta hãy chạy đến Thiên Chúa vì Ngài chính là Tình Yêu. Chúa Giêsu đã nói: “Các con hãy yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng vì bạn hữu của mình” (Ga. 15: 12-13). Chu toàn những bổn phận với chồng, với vợ, và với con cái giống như Chúa Giêsu đã hy sinh chu toàn bổn phận đối với Hội thánh. Khi yêu thương, chăm sóc, và giáo dục con cái, cả gia đình làm thành một cộng đồng hiệp thông với Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng nói: “Anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga. 14: 20).

Chúng ta cũng không quên một người Mẹ mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta: Mẹ Maria. Với vai trò làm mẹ nơi dương thế, Mẹ Maria cũng đã nuôi lớn Chúa Giêsu, Con của Mẹ, qua bao gian nan khổ cực: sinh Con giữa đồng trống trong cảnh thiếu thốn nghèo nàn, đem Con trốn chạy ra khỏi Ai Cập khi Con mình bị lính của vua Hêrôđê truy sát, luôn theo chân Con trong suốt cuộc đời truyền giáo, và cuối cùng đứng dưới chân Thập tự chứng kiến giây phút hấp hối đớn đau của Con. Mẹ đã hiệp thông với Con qua cái chết  trên đồi Calvê để cùng cứu độ nhân loại. Biết chạy đến với Mẹ trong những giây phút khó khăn gian khổ, chắc chắn chúng ta sẽ được Mẹ chở che. Thánh Bênađô thành Clairvaux (1090-1153) đã viết như sau: “Bước theo Mẹ, bạn không lạc hướng. Kêu cầu Mẹ, bạn không thất vọng. Lĩnh ý Mẹ, bạn không sai lầm. Tựa vào Mẹ, bạn không sợ ngã. Mẹ chở che, bạn không khiếp sợ. Mẹ dẫn dắt, bạn không nản lòng. Nhờ ơn Mẹ, bạn về tới bến.”

Nhân cơ hội này tác giả cũng xin mượn vài dòng nói lên công lao và sự hy sinh của người mẹ Việt Nam. Ca dao Việt Nam đã nói: “Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Đối với người Việt Nam chúng ta, sự hy sinh của người mẹ là hình ảnh của một “Hòn Vọng Phu” qua bao thăng trầm của lịch sử dân tộc. Trong những năm tháng sống trong chiến tranh hay trong hoàn cảnh vắng mặt người cha, mẹ là người lo lắng, che chở, và nuôi dạy con cái. Vai trò của người phụ nữ Việt Nam tần tảo gánh  gạo nuôi chồng và lo lắng cho đàn con được diễn tả rất hay trong bài thơ “Gánh Gạo Đưa Chồng” của Quan Thượng Thư Nguyễn Công Trứ. Ông đã mượn lời dân ca diễn tả người phụ nữ qua hình ảnh một con cò ốm yếu nhưng rất siêng năng cần mẫn:

“Con cò lặn lội bờ sông.

Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non.”

Chắc chắn chúng ta cũng không thể nào nói hết được bao gian khổ mà các người mẹ miền Nam phải hy sinh chịu đựng trong thời gian đi thăm nuôi chồng ở các trại tù “cải tạo” và trên đường vượt biển tìm tự do. Thiết tưởng tầm quan trọng và công lao của người phụ nữ Việt Nam là một điểm son đặc thù của văn hóa dân tộc. Thật là một niềm hãnh diện khi dân tộc chúng ta có được những người mẹ luôn hy sinh cho gia đình trong mọi thời đại và mọi hoàn cảnh như lời thơ của thi sĩ Hồ Dzếnh:

“Cô gái Việt Nam ơi!  Nếu chữ hy sinh có ở đời.

Tôi muốn nạm vàng muôn khổ cực.

Cho đời cô gái Việt Nam tươi.”

Bổn phận làm con cái, chúng ta hãy sống hiếu thảo như Điều răn Thứ Tư của Thiên Chúa: “Hãy thảo kính cha mẹ” để phần nào đền đáp công ơn của người. Xin Chúa luôn nâng đỡ và ban muôn ơn lành trên những người mẹ của chúng con.

Martin Nguyễn

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose