SỨC MẠNH CỦA ĐỊNH LỰC

Martin Nguyễn

by snHuyenBang

SỨC MẠNH CỦA ĐỊNH LỰC

Ông Birt Dubin đã kể lại câu chuyện về một cậu bé sống ở miền thôn quê nhỏ ở tiểu bang Kansas. Thời đó trong các lớp học còn đốt một lò sưởi chạy bằng than khá lớn. Nhiệm vụ của cậu là đi học sớm để đốt lò sưởi cho cả lớp học. Một sáng hôm đó mọi người đến lớp thì thấy từng cột khói đen bốc lên cao trên nóc nhà. Họ chạy vội vào và lôi cậu ra được bên ngoài trong tình trạng thập tử nhất sinh. Nửa thân người dưới của cậu bị cháy rất nặng. Họ đã đưa cậu vào bệnh viện gần đó. Các bác sĩ nói cho mẹ cậu hay là cơ may sống sót của cậu rất nhỏ.

Tuy thân xác rất đau đớn nhưng cậu thực sự chưa muốn chết. Cậu tự nhủ mình nhất định phải sống. Và cậu đã sống sót trước những cặp mắt kinh ngạc của các bác sĩ. Sau cơn nguy hiểm, cậu lại nghe bác sĩ nói nhỏ với mẹ cậu là những bắp thịt trên mông, đùi và chân cậu đã bị cháy nên chúng sẽ không bao giờ hoạt động lại được, và cậu sẽ phải ngồi xe lăn suốt đời. Cậu lại cương quyết trong đầu rằng cậu không muốn sống tàn tật suốt đời. Cậu nhất định phải đi lại được. Tuy nhiên hiện giờ cậu không có một cảm giác nào từ lưng trở xuống. Đôi chân khẳng khiu của cậu vẫn còn đó, nhưng chúng dường như vô dụng.

Cuối cùng cậu cũng được xuất viện. Mỗi ngày mẹ cậu xoa bóp hai chân cho cậu hàng giờ, nhưng vẫn vô hiệu. Nhưng định lực của cậu vẫn mãi mạnh mẽ. Cậu biết nhất định mình sẽ đi được. Dần dần cậu có thể ngồi dậy và ngồi trên xe lăn. Mỗi sáng mẹ cậu đẩy cậu ra vườn sau để sưởi nắng và hít thở không khí trong lành. Một sáng nọ, thay vì ngồi trên xe lăn như mọi ngày, cậu lao mình ra khỏi xe, và bị té nhào xuống đất. Nhưng cậu dùng hai tay chống mình lên, lết người và hai chân mình trên sân cỏ. Cậu ráng sức bò mỗi ngày lấy mốc là cái hàng rào quanh sân. Rồi một ngày đó, cậu vươn tay chống được lên hàng rào và đứng dậy. Rồi cậu chống tay vào hàng rào và đi quanh sân. Cậu luyện tập hăng say hết ngày này qua ngày khác đến nỗi dưới đất tạo ra một đường mòn chạy dọc theo hàng rào, tuy cậu vẫn chưa tìm được một chút cảm giác nào nơi đôi chân mình. Sau một thời gian nữa nhờ sự xoa bóp của mẹ cộng với ý chí sắt đá và những cố gắng không ngừng nghỉ của mình, cậu đứng lên được, đi nạng, tự đi được, và rồi… chạy được. Cậu có thể đi bộ đến trường, nhưng cậu thích chạy bộ nhiều hơn. Khi lên đại học cậu xin ghi danh vào đội điền kinh của trường.

Hôm đó tại quảng trường Madison ở thành phố New York có một kỳ tích xảy ra, cậu thanh niên đáng lẽ đã chết, hoặc đang ngồi xe lăn, và lẽ ra đối với cậu chạy bộ chỉ là một giấc mộng viễn vông, vâng, chính cậu bé ngày xưa đó, hiện giờ là tiến sĩ Glen Cunningham – ngày hôm đó là người phá kỷ lục thế giới trong cự ly một dặm đường.

Chúng ta thường nghe nói vượt qua đau khổ để đến vinh quang. Thế gian này con người phải chịu nhiều đau khổ, nhưng Thiên Chúa không phải là nguyên nhân của đau khổ vì Ngài là Tình Yêu. Vì yêu nên Ngài đã xếp đặt những nguyên lý của vũ trụ và tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài, ban cho con người trí thông minh và sự tự do hơn hẳn các loài thụ tạo khác. Nhưng cách thức con người sử dụng trí thông minh và sự tự do Chúa ban lại là một con dao hai lưỡi: sử dụng chúng theo theo thánh ý Chúa, theo luật luân lý của lương tâm hướng dẫn ta làm lành lánh dữ; hoặc ngược lại sử dụng chúng trái với thánh ý Chúa để làm những việc trái với luân thường đạo lý. Và rồi hậu quả của mọi hành động tốt hay xấu của mỗi người sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến môi trường hay sự an sinh của vạn vật và con người xung quanh.

Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Giêsu đã xuống thế làm người để dạy cho con người một chân lý sống là “mến Chúa và yêu người” – hãy tôn kính Thiên Chúa là chủ tể vũ trụ, và yêu mến tha nhân như chính mình. Nhưng phần đông trong số những người biết Ngài hơn 2000 năm trước qua những lời Ngài rao giảng hay qua những lần trực tiếp tiếp xúc với Ngài đã không chấp nhận Ngài, vì những lời Ngài giảng dạy đã tác động mạnh mẽ vào lương tâm bất chính và lòng kiêu ngạo, tự ái, tự tôn của họ. Họ sợ nếu sống theo lời Ngài dạy sẽ dẫn tới những sự thay đổi theo chiều hướng bất lợi cho họ. Họ sợ hy sinh, sợ nếu sống lương thiện sẽ bị thiệt thòi, phải từ bỏ những tài sản bất chính, và phải chia sẻ với những người nghèo khổ. Vì vậy, những lời giảng của Ngài tuy là cứu cánh cho rất nhiều người, nhưng cũng là những tiếng sét đánh thẳng vào tâm khảm những người bất chính và cố chấp không muốn hồi tâm. Họ đã âm mưu với chính quyền thời đó vu cáo và đóng đinh Ngài trên thập giá tại Jerusalem. Ngài đã phục sinh sau khi được mai táng trong ba ngày, và hiện ra với các môn đệ của Ngài cùng với nhiều người khác trước khi trở về với Thiên Chúa Cha.

Chúa Giêsu đã dạy rất rõ ràng: “Ai không vác thập giá mình mà theo Ta, thì không xứng với Ta. Ai giữ mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mạng sống mình vì Ta thì sẽ tìm thấy được” (Mt. 38, 39). Chính thập giá, cái chết, và sự phục sinh của Ngài đã để lại cho con người một bài học vô cùng quý giá: phải rèn luyện, trải qua nhiều thử thách, gian khổ, ngay cả chấp nhận hy sinh mới đạt được thành công, vinh quang, và chiến thắng. Cái chết của Ngài trên đồi Calve là một hy lễ hiến tế để sinh ra năng lực và niềm tin trong đau khổ. Bài học này có thể áp dụng cho mọi lãnh vực trong cuộc sống con người. Ngoài việc phải chiến đấu chống chọi với thiên nhiên (qua những thiên tai, bão lụt, mất mùa, động đất…), và với những cơn cám dỗ (tiền tài, danh vọng, rượu chè, cần sa ma túy, sắc dục…), con người còn phải chiến đấu với chính bản thân mình (chế ngự những thói tham lam, ích kỷ, trục lợi, kiêu căng, ganh tị, hèn nhát, lười biếng…). Chúng quả là những thử thách khó vượt qua thật, nhưng đã có rất nhiều người đã vượt qua đó thôi. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Có công mài sắt, có ngày lên kim.” Tiến sĩ Cunningham bằng đôi chân bị cháy xém đã phá kỷ lục thế giới môn điền kinh và rồi hai năm sau đó đoạt huy chương bạc Olympic qua bao gian khổ rèn luyện hết năm này đến năm khác. Và nhất là rất nhiều vị thánh từ một con người bình thường hay ngay cả một quá khứ tội lỗi đã rèn luyện bản thân theo con đường của Chúa mà nên thánh, như các thánh Augustino, thánh Ignacio, thánh Benardo .v.v… Các thánh tử đạo Việt Nam khi xưa cũng đã sẵn sàng chịu đau khổ và chịu chết để chứng minh một sự thật: Thiên Chúa Hằng Hữu. Và còn vô vàn các mẫu gương hy sinh can đảm của các thế hệ cha anh chúng ta mà chúng ta đã chứng kiến.

Vậy chúng ta có thể nên thánh được không? Vâng được chứ, bằng cách học nơi Chúa Giêsu là Đường, Sự Thật, và Sự Sống và can đảm, kiên trì vác Thánh giá theo chân Ngài. Chúa Giêsu nói: “Vì danh Thầy, các con sẽ bị mọi người ghen ghét, nhưng ai bền đỗ đến cùng, người ấy sẽ được cứu độ” (Mt. 16, 22).

Martin Nguyễn

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose