MÓN QUÀ GIÁNG SINH

Martin Nguyễn

by snDongKieu

MÓN QUÀ GIÁNG SINH

“Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Hằng năm cứ mỗi lần có dịp ra ngoài đường vào đầu tháng 12, nhìn lá vàng bay khi tiết thu chuyển lạnh trong tiếng nhạc Giáng Sinh, tôi lại thấy vui vui như vẫn thường trông đợi một thời điểm đẹp nhất trong năm. Đẹp phải chăng là vì đèn điện và những cây thông được trang trí khắp nơi trong thành phố, vui lại là vì không khí mua sắm tấp nập hay cảnh quây quần, sum họp, tiệc tùng… Nhưng những cảnh đẹp và thú vui này phải chăng chỉ là bề ngoài, tôi tự hỏi mình có được bình an thực sự trong tâm hồn khi đón mừng Giáng Sinh chưa? Nếu không chẳng lẽ tôi chưa có thiện tâm để nhận được sự bình an? Vậy là người thiện tâm tôi phải làm thế nào trong mùa Giáng Sinh này?

Có một câu chuyện của bà Helga Schmidt viết lại kỷ niệm vào dịp gần ngày lễ Giáng Sinh: “Còn bốn ngày nữa là lễ Giáng Sinh rồi, nhưng sao tâm hồn tôi vẫn trống vắng vì chưa tìm thấy một ý nghĩa thật sự của mùa Giáng Sinh. Tôi bước ra khỏi bãi đậu xe kín mít ở khu thương mại gần nhà để vào mua một vài món quà.  Bên trong còn đông đúc hơn nữa, hàng chục người xếp thành ba hàng dài để chờ tính tiền. Có người thì ôm đồ đạc đầy trên tay, người khác lại chất hàng vào trong những xe đẩy. Tôi tự hỏi tại sao mình lại đợi tới phút cuối mới đi mua sắm như thế này. Tay tôi cầm một danh sách tên những người bạn thân mà họ nói là không cần thiết phải mua quà cho họ, nhưng tôi biết trong lòng họ sẽ không vui khi không có quà vào ngày Giáng Sinh. Tôi vội vã bỏ vào xe những thứ mình ưng ý còn sót lại trên kệ rồi đảo mắt lựa một hàng ít người nhất, nhưng ước tính cũng phải đợi tối thiểu khoảng 20 phút mới tới phiên mình.

Ngay phía trước tôi có hai em nhỏ cũng đang xếp hàng chờ tính tiền. Cậu bé trai khoảng 5 hay 6 tuổi, còn cô bé gái thì nhỏ hơn một chút. Cậu trai mặc một chiếc áo lạnh cũ đã bạc màu, bên dưới là cái quần zean rách rưới. Chân cậu mang một đôi giày cũ lớn quá khổ. Cô bé thì trông vui vẻ hơn nhiều. Tay cô cầm một đôi giày lớn màu vàng rất dễ thương. Chắc cô bé vừa mới ăn bữa tối xong vì hai bên khoé miệng còn dính lại chút đồ ăn. Cô đang thích thú hát theo bài nhạc giáng sinh phát ra trong khu thương mại mặc dù hát còn chưa được đúng lắm. Khi bước tới quầy tính tiền, cô đặt đôi giày lên kệ rồi lấm lét nhìn anh mình. ‘Sáu đôla lẻ chín xu,’ cô tính tiền nói với hai em. Tôi thấy cậu trai để lên bàn ba đôla rồi lục tìm trong hai túi quần. Cuối cùng cậu tìm thêm được 12 xu. Cậu quay lại nói với em: ‘Anh không có đủ tiền nên mình phải bỏ đôi giày lại thôi, ngày mai anh quay lại mua cho em nhé.’ Cô bé bật khóc: ‘Nhưng mà Chúa Giêsu thích đôi giày này lắm.’ Cậu bé liền quàng tay lên vai an ủi em: ‘Thôi đừng khóc. Anh về kiếm thêm tiền rồi quay lại mua cho em.’ Tôi thấy vậy liền đưa ba đôla cho cô tính tiền vì hai em đã đứng xếp hàng khá lâu. Vả lại tôi nghĩ mình cũng nên làm một việc tốt trong dịp lễ Giáng Sinh chứ.

Cậu bé ngước nhìn tôi nói nhỏ: ‘Cám ơn cô.’ Tôi liền hỏi cậu: ‘Tại sao các cháu nói Chúa Giêsu thích đôi giày này?’ Cậu bé buồn bã giải thích: ‘Mẹ của cháu bị bệnh lâu rồi. Ba cháu nói là có lẽ mẹ cháu sẽ đi gặp Chúa Giêsu trước ngày lễ Giáng Sinh này.’ Cô bé liền nói chen vào: ‘Cháu nghe nói là con đường đi lên Trời làm toàn bằng vàng rất đẹp. Cháu nghĩ là Chúa Giêsu sẽ thích đôi giày màu vàng mẹ cháu mang vì nó rất hợp với màu vàng trên trời.’ Tôi nghẹn đắng ở cổ trong khi cô bé vẫn hồn nhiên hỏi: ‘Cô nghĩ mẹ cháu mang đôi giầy màu vàng này có đẹp không?’ Mắt đẫm lệ, tôi nhìn vào mắt của cô bé trả lời: ‘Đương nhiên là mẹ cháu sẽ rất đẹp.’

Tôi quay đi gạt nước mắt và âm thầm tạ ơn Chúa đã dạy cho tôi ý nghĩa thật sự của Giáng Sinh qua hình ảnh hai em bé tội nghiệp này.”

Chúa Giêsu dạy: “Khi các con làm gì cho một trong các anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, thì các con đã làm cho chính Ta” (Mt, 25, 40). Chúng ta có nghĩ hai em bé này là hình ảnh của Chúa Hài Đồng nghèo hèn, đơn sơ, và cần được che chở chăng? Nhìn vào hang đá Belem chúng ta thấy Chúa Hài Đồng nằm trong máng cỏ. Thiên Chúa lần này không hiện xuống với một vẻ uy nghi hùng vĩ như thường được miêu tả trong Cựu Ước, nhưng Ngài lại hiện ra với hình ảnh đơn sơ, yếu đuối; Ngài không xuất hiện trong một gia đình quý tộc vương giả, nhưng lại xuất hiện trong một gia đình nghèo hèn đầy thánh thiện. Điều này càng chứng tỏ Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô hạn. Ngài xuống thế để sống một kiếp con người nghèo khổ, sinh ra nơi chuồng thú vật rồi lớn lên âm thầm giúp đỡ cha sinh sống bằng ngề thợ mộc. Trong thời gian đi rao giảng tin mừng, Ngài cùng các môn đệ phải sống lang thang không nơi cư ngụ. Cuộc đời của Ngài cũng phải chịu biết bao cay đắng và chết tủi nhục trần truồng trên Thập giá. Vì vậy Ngài rất yêu thương những người nghèo khổ, bần cùng trong xã hội. Ngài lại càng đặc biệt yêu thương trẻ thơ hơn. Trong một lần các môn đệ ngăn không cho trẻ nhỏ đến với Ngài, Ngài đã nói: “Hãy để các trẻ nhỏ đến với Thày. Đừng ngăn cản chúng. Nước Thiên Chúa thuộc về những ai giống như chúng” (Mt 9, 14).  Chúng ta đang sống trong thời đại gọi là văn minh nhưng đáng buồn thay có biết bao trẻ em tại nhiều quốc gia trên thế giới vẫn bị hành hạ về tinh thần và thể xác, bị bán đi làm lao động hoặc làm nô lệ tình dục.

Hình ảnh gia đình Thánh Gia đã dạy cho chúng ta rằng giá trị của con người không căn cứ trên của cải vật chất hay chức vị sang hèn, mà căn cứ trên nhân phẩm, đạo đức, và tấm lòng bác ái đối với tha nhân. Ước gì dù ở trong hoàn cảnh nào đi chăng nữa, chúng ta cũng nên đem món quà tình thương và nụ cười đến cho những người xung quanh trong mùa Giáng Sinh này để nhận được món quà “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Emmanuel), vì chỉ có Chúa mới đem lại bình an thật sự.

Martin Nguyễn

Những Bài Liên Quan