ĐỨC TIN TRƯỞNG THÀNH

Martin Nguyễn

by snDongKieu

ĐỨC TIN TRƯỞNG THÀNH

Thánh Augustine có nói: “Người có đức tin tin những gì không thấy, và thành quả của đức tin là được thấy những gì mình tin.” Laverne Hall viết một câu chuyện ngắn rất hay về đức tin: “Cánh đồng của một ngôi làng nhỏ khô cằn nứt nẻ vì hạn hán quá lâu, hoa màu héo rũ vì thiếu nước. Dân làng bực bội và lo lắng, hàng ngày nhìn trời nhìn đất xem có điềm gì báo mưa hay không. Ngày qua ngày đất vẫn khô cằn và không có bóng dáng của một cơn mưa.
Cha xứ cũng cùng một tâm trạng, cha bèn hẹn dân làng tập hợp lại ở một bãi đất ở trung tâm của khu phố để làm giờ cầu nguyện vào thứ bảy tuần sau. Dân làng bảo nhau mỗi người nên mang theo một vật gì vào hôm đó hầu chứng tỏ niềm tin của mình để ñược linh ứng.
Giữa trưa thứ Bảy, hầu hết dân làng tập trung và cầu nguyện rất sốt sắng với một niềm hy vọng sáng ngời trong ánh mắt. Cha xứ rất cảm động khi nhìn thấy những đồ vật nắm chặt trong tay các giáo dân đang sốt sắng cầu nguyện: Thánh Kinh, Thánh Giá, Chuổi Mân Côi, ảnh tượng…
Khi giờ cầu nguyện chấm dứt, như một phép lạ, những hạt mưa nhỏ bắt đầu rơi. Giáo dân reo hò và họ đưa cao những đồ vật cầm trong tay để tạ ơn Thượng Đế. Trong đám đông có một biểu tượng có vẻ nổi bật hơn hết: một em bé khoảng chín tuổi tay cầm cây dù để che mưa.”
Phần lớn chúng ta vẫn thường quan niệm rằng đức tin là một vấn đề siêu hình hay một tâm thức có vẻ trừu tượng. Một số người vẫn cho rằng đức tin chỉ hoàn toàn là lý luận trên bình diện triết học xa rời thực tế. Đôi khi niềm tin lại thường hay bị “thực tế hóa”: chúng ta chỉ tin vào những gì có thể thấy được hay kiểm chứng được bằng thực nghiệm; hoặc niềm tin bị đem “nhu cầu hóa,” ví dụ như hướng dẫn trẻ em thanh thiếu niên tin vào những triết lý hay quan điểm hòng mưu cầu cho một mục đích riêng có lợi cho mình. Chúng ta thường nghe nói “seeing is believing” (thấy thì tin). Trong cuộc sống chạy theo thực tiễn ngày nay, thay vì tin trước rồi dẫn đến hiểu biết và hành động, chúng ta lại đòi hỏi phải được hiểu biết trước, được chứng minh rõ ràng, rồi mới tin. Điều này nếu đem áp dụng trong khoa học hay công nghệ thì hoàn toàn đúng, nhưng nếu cứ khăng khăng đem cái nguyên lý này vào triết học và tôn giáo thì chúng ta sẽ bị bế tắc. Thật ra những phát minh khoa học phần lớn cũng nhờ trí tưởng tượng của con người, rồi dần dà con người mới chứng minh được chúng bằng lý thuyết và thực nghiệm. Tuy nhiên không phải tất cả mọi vấn đề đều có thể được giải thích bằng khoa học hay lý luận, cũng có những sự việc (ví dụ như những “mầu nhiệm” trong Kitô giáo) chỉ có thể nhận biết khi có đức tin. Có một câu chuyện sau đây về thánh Augustine: khi Augustine đang thả bộ trên bãi biển để suy nghĩ tìm cách giải thích mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi, chợt ông nhìn thất một cậu bé đang múc nước biển đổ vào một cái lỗ nhỏ xíu, và rồi nước cứ tiếp tục trào ra, nhưng cậu bé vẫn hì hục làm công việc của mình. Ông bèn đến bắt chuyện với cậu. Cậu bé cho biết cậu muốn múc hết nước biển để đổ vào cái lỗ nhỏ này. Augustine cười và giải thích cho cậu bé là cậu đang làm làm một chuyện vô ích, vì làm sao mà múc hết nước biển đổ vào cái lỗ nhỏ xíu như vậy được; và rồi thánh nhân chợt hiểu ra chính mình cũng đang làm cái chuyện “công dã tràng” đó khi tìm cách giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa chính là “Chân, Thiện, Mỹ” vượt xa trí tưởng tượng và sự hiểu biết của con người. Vì vậy, chẳng có gì ngạc nhiên khi có nhiều việc Ngài làm chúng ta không thể hiểu được. “Ý tưởng ta chẳng phải ý tưởng các ngươi, đường lối các ngươi chẳng phải đường lối ta. Vì trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối ta cao hơn đường lối các ngươi, ý tưởng ta cao hơn ý tưởng các ngươi cũng bấy nhiêu” (Isaia 55, 9).
Câu chuyện của nhà văn Laverne Hall ở trên đây lại cho chúng ta thấy một đức tin thật đơn sơ của cậu bé chín tuổi. Hẳn là cậu chưa hiểu được như người lớn những lý luận cao siêu về đức tin, nhưng cậu chỉ nghe bố mẹ nói là cả làng đang cầu xin Chúa cho mưa xuống nếu không sẽ bị thiếu lương thực trầm trọng; và rồi trong khi mọi người mang theo những tín vật chứng tỏ lòng đạo đức của mình, thì cậu thủ sẵn cây dù vì tin rằng Chúa sẽ cho trời đổ mưa: một hành động thật thực tế và dễ thương làm sao! Đức tin của chúng ta có được mạnh mẽ như thế chăng? Hay giống như tông đồ Tôma đòi được xem thấy dấu đinh và được đặt tay vào cạnh sườn của Chúa Giêsu để tin Ngài đã sống lại từ cõi chết?
Đức tin như một hạt giống gieo vào lòng đất, nếu có nước và chất xúc tác làm cho đất phì nhiêu màu mỡ, hạt giống sẽ lớn lên mạnh mẽ, đâm rễ sâu vào lòng đất, và luôn đứng vững qua những lần mưa gió bão táp. Đức tin muốn vững mạnh cũng cần phải được củng cố và nuôi dưỡng liên tục. Trưởng thành về thể xác đòi hỏi chúng ta cũng phải trưởng thành cả về tâm linh.
Củng cố đức tin trong thời đại hiện nay thật không phải dễ, khi mà con người càng ngày càng bận rộn với rất nhiều phương tiện và nhu cầu của cuộc sống khiến cho đầu óc không lúc nào được nghỉ ngơi để có dịp tĩnh tâm cầu nguyện. Hơn nữa, những cám dỗ và gương xấu quanh ta như lối sống buông thả, thói ham danh lợi, tiền bạc, chức quyền khiến người ta làm những chuyện trái với luân thường đạo lý. Nhìn thấy những người sống quanh ta có “hàng động đi ngược với lời nói” khiến chúng ta mất niềm tin vào cuộc sống. Nếu chúng ta chỉ sống đức tin theo kiểu giữ đạo trên “căn bản” đi dự lễ mỗi tuần một lần vào chúa nhật là xong nhiệm vụ, thì chúng ta rất dễ dàng đánh mất đức tin. Thánh Giacôbê tông đồ đã nói: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2, 14-16). Được rửa tội gia nhập vào đạo Công giáo chỉ là bước đầu, chúng ta cần phải cố gắng sống như một chứng nhân cho đức tin, luôn thi hành những điều Chúa dạy, làm cho đức tin phát triển thêm qua nhiều hình thức khác nhau: siêng năng học Kinh Thánh, cầu nguyện, tham gia các nhóm tông đồ giáo dân để làm việc bác ái, chấp nhận thiệt thòi và hy sinh để sống lương thiện, rèn luyện cho mình một nhân cách tốt được biểu hiện qua lời nói và hành động… Sống tin tưởng vào Chúa và sống trong lòng Giáo Hội sẽ giúp chúng ta giữ vững và phát triển đức tin của chúng ta ngày một trưởng thành hơn.
Martin Nguyễn

Những Bài Liên Quan