SỐNG NIỀM TIN TÔN GIÁO

Lm Giuse Nguyễn Văn Thư (Trích từ tập Sống Đời Đáng Sống)

by snHoanHang

Sau khi bàn bạc về cái mục ‘đạo Quân tử’ Á đông ở chương I, nay ta thử lần  mò tìm tới cái ngưỡng cửa linh thiêng chính hiệu, để coi mình cò thể hiểu thêm được những gì về một khuôn mẫu của lối sống lý tưởng : nó phải mang tên là TÔN GIÁO hẳn hoi, với NIỀM TIN vững chắc trong lòng, chứ không chỉ mù mờ như đạo Khổng ta nói trên đây.

Ta cũng thử tạm quên những đạo ‘thiên nhiên’, như thờ thần sông thần núi….,và ta cũng chỉ đóng khung trong khuôn khổ của cuộc sống người dân Việt Nam, luôn tin tưởng rằng trên đầu mình có Trời có Phật. Ta cũng không đề cập tới các tôn giáo, như Hồi giáo và Do thái giáo ( tuy tín đồ có thờ kính một đầng Thượng đế tối cao ).

Cụ thể, ta cố gắng tìm hiểu những giáo thuyết mang đặc trưng ‘đạo’ nhất, mạnh mẽ tạo ảnh hưởng phổ thông tới trí lòng của dân chúng nhất, đó là Phật giáo và Ky tô giáo.

Dù ít dù nhiều, dân chúng luôn ý thức về những lời dạy đâu đó vang vang khắp chốn, nhất là khi ghé chân hay đi ngang qua nhà thờ hay chùa chiền. Lời dạy của các vị giáo chủ nay được lưu truyền và phổ biến qua các cơ chế tôn giáo, kể cả qua các phương tiện truyền thông, sách báo….

Trước hết nói về Phật giáo, người ta vẫn nghe nhắc đến câu nói đầy hãnh diện “Mái chùa che chở hồn dân tộc”. Vì thế người ta hay bảo : dân Việt nếu không khai báo mình thuộc về một tôn giáo nào rõ rệt, thì cứ hiểu gọn gàng là một…Phật tử. Đã từ lâu lắm, dân chúng thường hiểu rằng nếu không muốn sống tại cõi tục thì cứ việc lên chùa mà…tu. Cửa chùa luôn rộng mở ! Mà nhà chùa thì tạo nên cái hướng đi an bình cho bá tánh. Nhà chùa giúp tìm ra giải đáp cho những nghịch lý trong đời. Nhà chùa, nói tóm lại, chỉ dạy cho người dân biết rõ phải sống thế nào cho…đáng sống. Đương nhiên là dựa trên những pho sách giáo lý và kinh kệ trùng điệp của nhà Phật.

Trong thực tế, nhà chùa đi liền với chuyện ‘ăn chay’. Mà đã ăn chay thì tự động kèm theo chuyện…nói thật : sống tử tế đàng hoàng, gương mẫu. Nó hiểu ngầm ở đây một tâm hồn từ bi, luôn sẵn sàng đỡ nâng kẻ sa cơ thất thế.

Thành ra cái hình ảnh của đức Quan Âm đã trở nên rất phổ thông trong đại chúng : Đây là một vị ‘Bồ tát’ có tên quốc tế là Avalokitesvara ( bên Á đông vẫn coi là một nữ thần, trong khi tại một số nơi lại coi là thuộc nam giới ).  Phật Quan Âm được dân Trung Hoa, rồi sau là Nhật Bản, coi như tượng trưng cho lòng từ bi tuyệt đối : thề không vào Nát Bàn bao lâu chưa giúp mọi chúng sinh được cứu vớt. Riêng bên Hàn quốc  thì gọi ngài là Quan Âm Thị Kính : đầu thai làm làm vợ trong một gia đình, rồi sau một chuyện oan ức, bà đã giả trai lên chùa tu. Tại đây, lại gặp nỗi oan nữa bởi tay Thị Mầu vu oan là tác giả một thai nhi. Cuối cùng thì trắng đen sáng tỏ.

Trở lại với đạo Phật, dân Việt được biết đến qua 2 ngả du nhập : từ phương bắc với phái đại thừa ( lo sinh hoạt xã hội để cứu các sinh linh ), và từ phương nam với nhóm tiểu thừa ( chỉ mong sống theo lời Phật dạy để được giải thoát ). Giáo chủ đạo này là đức Thích Ca Mâu Ni, con một tiểu vương tại phương bắc Ấn Độ vào khỏang hơn 5 thế kỷ trước tây lịch. Vào lúc đó, xã hội xứ Ấn có 4 giai cấp tách biệt nhau, tạo nhiều chuyện bất công đáng tiếc. Dĩ nhiên ngài Thích Ca chống lại chuyện này. Dù đã có gia đình, nhưng khi chứng kiến thấy nhân lọai đau khổ quá nhiều, và thấy cần tìm ra một đạo mới giúp giải thoát chúng sinh, ngài đã quyết định từ bỏ gia đình vợ con ra đi….

Sau này, người ta kêu ngài với biệt danh ‘Phật tổ như lai’. Tên thật của ngài là thái tử Tất đạt  Đa, sinh ngày 15 tháng 4 âm lịch, năm 644 trước tây lịch. Ra đi tầm chân đạo cả 7 năm trời, rồi khi ngồi dưới gốc cây Bồ đề thì giác ngộ với đạo mới : tìm ta ‘Tứ diệu đế’ cho nhân sinh : Đời là bể khổ / Khổ là do tham sân si / Phải diệt dục để hết khổ và hết mê / ‘Bát chánh đạo’ là 8 lối sống để thành công và tìm ra giải thoát. Mục tiêu là sẽ hết luân hồi để vào Nát Bàn ( thành Phật ).

Sau khi ngài mất, các môn đệ soạn lại các lời ngài dạy thành 3 pho sách ( Tam tạng ) : Kinh tạng ( luân lý ) / Luật tạng ( các giới luật ) /. Luận tạng ( các lời dạy chung và nghị luận ). Theo ngài, mọi sự chỉ là ‘sắc sắc không không’ : có đó mà cũng chỉ là hư không liền ngay đó ! Thiên hạ gọi ý niệm này là ‘Vô thường’, nó dựa trên lý thuyết ‘Vô ngã’.

Tại Việt Nam, phái Bắc Tông chủ trương phải cứu chúng sinh khi cố cứu mình, nên có thờ nhiều vị Phật và Bồ tát khác, làm như những mẫu gương cao quý. Các tu sĩ mặc áo nâu hay xám. Còn phái Nam tông chỉ mong cứu lấy mình. Họ chỉ thờ tượng Đức Thích ca Mâu Ni. Các tu sĩ mặc áo vàng và thường đi khất thực mỗi ngày.

Tại nhiều quốc gia khác ta còn thấy có một số Tông phái khác : Thiền tông, Mật tông v.v… Tất cả đều tin vào kiếp sau : phải tái đầu thai nếu chưa thành Phật. Chết xong phải xuống âm ti nhận chuyện phán xử công tội. Dĩ nhiên nhiều người sẽ bị những hình phạt ghê gớm. Rồi phải nói tới chuyện chuyển kiếp đầu thai, kể cả việc sẽ mang kiếp sống loài vật. Trước đó phải uống một loại thuốc mê có tên bình dân là ‘Cháo Lú’ để quên mọi chuyện kiếp trước. Thuyết ‘Nhân quả’ xuất hiện từ chỗ này.

Tựu trung Phật pháp đưa ra những giáo lý về cuộc sống nhân sinh, kêu gọi con người sống tốt, với tâm tình từ bi hỷ xả, không tham lam của đời, không đi vào cõi mê lầm rằng mọi sự vật chất sẽ tồn tại dài lâu. Phải hiểu mình chỉ là một hạt bụi nhỏ bé trong vũ trụ bao la. Mình đang hiện hữu đây, nhưng phải hiểu luôn rằng nó cũng chẳng khác chi việc mình không đang hiện hữu : Tất cả là phù vân giả trá. Nhờ đó tránh chuyện mang lối sống ‘ác đức’ với tha nhân, để rồi tránh cảnh trầm luân nơi những kiếp sau.

Vậy nhà Phật nói gì khi dạy ta ‘Sống đời đáng sống” ? Phật muốn thực tế mà sống, qua lối tìm chứng ngộ bằng trực giác. Sống cần cố gắng rửa sạch những sai lầm trong tâm mình. Phải tự tìm ra lối đi, chứ chẳng ai đi thay mình được. Nó nhằm mục tiêu tìm giải thoát cho con người khỏi bị dằn vặt thường xuyên bởi khổ đau phiền não, và của sinh bệnh già chết. Điều quan trọng là khi lên chùa lễ Phật thì không nhằm xin xỏ ân huệ chi cả, nhưng là để tỏ lòng kính tôn Phật cũng như học theo gương sáng của ngài. Khi tụng kinh hay niệm Phật cũng nhằm để thanh lọc cái tâm mong đưa tới giải thoát. Giúp mình nhớ cho kỹ, hiểu cho thông về chân lý đời người : Biết đời là bể khổ, nhưng ta có thể vượt qua những tâm trạng chán nản não nề mà vui sống. Đó chính là cái chuyện ‘Giác’ : Tự giác ( cho mình ) và Giác tha ( giúp người khác cũng giác ngộ, hết vô minh. ).

Nói khác đi, các Phật tử được mời giữ làm sao cho cả thân, khẩu và ý luôn được thanh tịnh, tạo thành sự an nghỉ của Tâm : Đó là dấu vết của Nát Bàn. Sống tốt là cuộc sống hết vọng tưởng. Tâm sẽ hết giao động. Chả mấy sẽ thấy hình bóng sự giải thoát. Đó cũng là cách sống tỉnh thức, dễ dàng thoát khỏi cảnh ràng buộc của con người tục lụy.

Phật tử chào nhau với câu ‘Nam mô A di Đà Phật’, ước mong cùng bái lậy và  theo  chân  vị ‘tuyệt đối vô lượng cao cả nhất’ mang thánh danh này ( khác Phật Thích Ca Mâu Ni ).

Môn phái Thiền thì theo phương pháp luôn tập trung tư tưởng : quan sát theo dõi mọi diễn biến trong tâm tư cũng như bên ngoại giới dưới ánh sáng của tỉnh thức.Dù đang ở nơi ồn ào, ta cũng có thể giữ cho Tâm được tĩnh lặng để làm chủ hơi thở và ý nghĩ của mình, không bị náo loạn phân chia ( không ép uổng níu kéo hay điều khiển một cách khác tự nhiên ). Thế là, với cách thức ‘thả lỏng tâm tư’ này, ta ghi nhận khá rõ những cảm thọ như vui sướng, khổ đau một cách bình thản (nhưng chính mình không để bị lệ thuộc vào những cảm gíác ấy). Một tâm tư thanh thản như thế sẽ giúp mình sống cho đáng sống, không hề làm nô lệ cho ngoại giới. Tuy nhiên ta không tìm tới phút giây thanh thản này như tìm một thú vui, dù là rất thanh tao trong ý nghĩ.

Thực tế là ta sẽ không dễ nóng giận làm hỏng đại sự. Sẽ không để lòng trí bị siêu lạc bởi những quyến rũ giả dối chóng qua. Nhờ vậy bao nhiêu chuyện đáng tiếc trong gia đình cũng như ngoài xã hội có cơ may tránh được. Với nhà Phật, đây là lối sống thật lý tưởng cho mọi thế hệ. Sống nhẹ nhàng thản nhiên như thế khác hẳn lối sống khổ hạnh, và làm ta tạo được thế quân bình giữa cái tâm bên trong và cái thân cũng như vũ trụ bên ngoài. Phật tổ Thích Ca đã để cả 49 năm trời đi thuyết pháp, dạy chúng sinh sống làm sao để diệt cho hết tham ái và vô minh. Tất cả do chính mình định đoạt lấy cho minh, không do tình cờ ngẫu nhiên mà cũng chẳng nhờ thần thánh nào gây dựng nên hay tạo khuôn đúc sẵn.

Đây là câu chuyện về cái ‘Nghiệp’ nhà Phật thường nói tới. Chính mình tạo ra nghiệp cho mình, thì mình cũng có thể chuyển hóa cái nghiệp đó. Khi đi tới chỗ tuyệt hảo thì ai cũng có thể thành Phật ( luôn tỉnh thức toàn vẹn ). Kết quả là ta không còn phải nô lệ cho một thứ gì trên đời.

Sống cho ra sống là mỗi bước đi phải học cách giải thoát mình, làm chủ Tâm mình để thoát ra khỏi tham hận đam mê. Đó là lãnh địa của an lạc hạnh phúc thật. Nhờ cái nhìn vô ngã và vô thường này,  ta không cần tin ở một giáo thuyết nào tuyệt đối cả, mà dù cho những lời giảng của Phật tổ đi nữa cũng chỉ là phương tiện giúp chúng ta tự chứng lấy chân lý ( như con đò giúp đưa ta qua sông ).

Người Phật tử cũng không được ham muốn thành Phật, vì như thế là còn tham sân si. Nghĩa là chỉ cần trực diện thực tại và sống trọn vẹn với nó, tạo nên sự hòa hài đầy đủ giữa bản thân và ngoại cảnh là đã hiểu đạo rồi. Đời người chỉ cần làm như thế. Lên chùa tu mong thành chánh quả cũng đi sai đường. Vẫn còn ham được lợi lộc nọ kia.

Thế là cái lý tưởng sống bên nhà Phật là phải tuyệt đối thanh tịnh, hết vương vấn trần đời, hay vọng mê về những phù phiếm giả trá. Ta có thể là một nhà tu hành hay một phật tử bình thường. Chỉ cần biết tránh những cái xấu gây ra bởi tham lam ích kỷ. Xã hội nhờ đó mà an vui thanh bình.

Nhà Phật kêu gọi từ bi hỷ xả là do cái Tâm trong sáng đức độ. Chuyện cư xử tốt với tha nhân thì do Tâm mình bảo phải làm. Cuộc sống như thế là cao cả tuyệt diệu. Nó được đặt trên nền tảng về ý nghĩ cuộc đời chỉ là như phù du ảo tưởng. Ta đang đầu thai tại trần gian nghĩa là ta đang sống trong cảnh Luân hồi. Bây giờ cần tìm cách thoát ra vòng luân hồi sinh tử đó, qua những lời dạy của Phật tổ. Và thế là biết sống cho đáng sống.

Cái nhìn khá giản dị và hơi có vẻ tiêu cực của nhà Phật có thể làm một số đông người bên phương Tây bỡ ngỡ. Họ thấy nó như quá tĩnh lặng và thụ động. Họ cũng e rằng như thế thì xã hội khó được những bước tiến cụ thể cần thiết, xét về rất nhiều phương diện của xã hội văn minh. Ngoài ra cái ý nghĩ vô ngã vô thường xem ra sẽ đưa tới những kết luận mâu thuẫn, để trở nên khó thuyết phục.

Trực diện với giáo thuyết nhà Phật là học thuyết Ky-tô Giáo. Nó mang danh xưng này là vì đấng sáng lập có tên là Giê-su, nhưng được gọi là Đức Ky-tô (theo nghĩa đen là Đấng được xức dầu thánh để nhập thể làm người, và trở thành Đấng Cứu thế ). Ở đây, qua lời giảng dạy tối hậu của chính Đức Ky-tô ( được tôn nhận là Con Thiên Chúa giáng trần ), con người đòi hỏi phải tin nhận và liên kết chặt chẽ với một đấng Tạo hóa tối cao, có khả năng chi phối toàn diện cuộc sống con người. Ở đây, nó không chỉ mang tính cách thần thiêng để người ta phải chắp tay vái lậy, cầu khẩn được ơn giải thoát, ước mong được về chốn cực lạc dài lâu, nhưng là cả một hệ thống ‘đức tin’ tuyệt đối, đặt nền tảng trên sự ‘mạc khải’ của Chính đấng Tạo hóa tối cao nói trên, đấng đã sáng tạo vũ trụ và dựng nên mọi loài mọi vật ( người Trung hoa gọi là Thượng đế, và ta gọi là Thiên Chúa ).

Chính do cái mối dây liên kết chặt chẽ với Thiên Chúa như vậy, mà con người lệ thuộc vào Ngài hoàn toàn. “Không có Ta các con chẳng thể làm chuyện chi !”.

Thiên Chúa dựng nên con người, quan phòng mọi chuyện lớn nhỏ, có quyền ban ơn chi phối mọi chi tiết nhân sinh vũ trụ. Thành ra ta chỉ có việc tin phục và trao phó vận mình cho Ngài hoàn toàn. Qua Kinh Thánh, qua Thánh truyền từ mấy ngàn năm, cũng như qua sự hướng dẫn của Giáo quyền ( các vị thay mặt đấng sáng lập đạo ), ta biết các điều mình tin, và hiểu rằng Chúa làm tất cả mọi chuyện cho con người vì Ngài yêu thương.

Xin mở một dấu ngoặc nhỏ ở đây : Ky-tô giáo nguyên thủy chỉ là 1 cộng đồng mang tên  Công giáo ( chung cho mọi dân mọi nước,  mà cũng là duy nhất cũng như luôn rao giảng sự thánh thiện ). Chẳng may, vào các thế kỷ thứ 10 và 16, có mấy nhóm tự tách ra lấy danh xưng mới là ‘Chính Thống’, ‘Tin Lành’ và ‘Anh Giáo’. Các nhóm này dĩ nhiên không tuân phục quyền tối thượng của vị Giáo Hoàng Công giáo tại Roma.

Để giúp con người hiểu thân phận mình và biết sống đúng đường, đạo Chúa nêu rõ nguồn gốc loài người, với cái biến cố đau buồn là ông bà nguyên tổ đã bất tuân đấng Tạo hóa, để lại cho con cháu nhiều hệ lụy thương tâm. Do đó Con Thiên Chúa đã tới cứu chuộc, qua phương thức lạ lùng là chịu chết trên thập giá để đền tội nhân loại. Sau đó Ngài đã tự phục sinh, chiến thắng tội lỗi và thần chết. Với Vị Cứu Thế có tên là Giê-su này, con người đạt lại quyền làm con Chúa, có hy vọng được về Thiên quốc hưởng hạnh phúc dài lâu sau khi đã sống tốt.

Ta biết về đạo Chúa cách toàn vẹn qua lời dạy của Chúa ky-tô. Sau 30 năm sống ẩn dật, Ngài đi giảng đạo 3 năm liền. Các sách Tin Mừng đã tóm tắt lại các việc Ngài làm cũng như các phép lạ Ngài thực hiện, để chứng tỏ uy quyền là Con Thiên Chúa. Phần Thánh kinh II được gọi là Tân Ước đã vạch ra một lối sống rõ ràng : sau khi tin, ta phải thực hành những gì để theo đúng lời chỉ dạy, nghĩa là hợp với thánh ý của Chúa.

Niềm tin đạo Chúa đương nhiên mang nhiều điều bí nhiệm, nhưng không hề mâu thuẫn với khoa học và lý trí. Nó cung cấp những câu giải đáp căn bản và sâu thẳm nhất về đời người : Chúng ta từ đâu tới và rồi sẽ đi đâu sau khi chết. Trong đạo Chúa, ngay cả hiện nay, cũng liên tục có nhiều Phép Lạ xảy ra để chứng minh niềm tin chân chính.

Trong Giáo hội của Chúa, ta nhận lãnh các Ơn phúc qua nhiều hình thức. Chính Chúa Giê-su đã lập ra 7 ‘Bí Tích’ để thánh hóa linh hồn các tín hữu, mà Thánh lễ Mi-sa là nghi thức cao cả nhất ( tưởng niệm việc Chúa tử nạn ). Các buổi Phụng vụ và Kinh nguyện cũng ngày đêm đem ân phúc xuống cho con người.

Thế là, một khi sống cho đúng một tín hữu thuần thành, người Công giáo hiểu rằng mình đang sống cuộc sống xứng hợp nhất. Bởi lẽ về mặt tinh thần, trên đầu chúng ta có Thiên Chúa che chở quan phòng, chung quanh có tha nhân liên kết với mình như những phần tử thân thiết trong một gia đình rộng lớn. Bản kinh căn bản ‘Lạy Cha’ cho phép chúng ta sống an vui thanh thản với tâm tư đó. Không còn lý do để lắng lo sợ hãi chi cả.

Thiên Chúa luôn gọi mời chúng ta sống đời hoàn thiện, dựa trên những nền tảng đạo đức luân lý vững vàng và hợp lý nhất, khiến chúng ta không còn phải nghi ngờ hoang mang khi phải đem ra thực hành. Đạo Chúa có sẵn sàng 10 giới răn, như những khuôn vàng thước ngọc giúp chúng ta sống lành thánh như ý Chúa mong muốn.

Trong Thánh kinh Tân Ước, Chúa Giê-su còn mời chúng ta ráng theo Ngài với ‘8 mối phúc thật’ : Ngài xin chúng ta cố ‘lội ngược giòng’ thế gian để vươn lên, để sống lối sống hy sinh vì ‘Nước Trời’. Làm thế, chúng ta có thể bị trần đời coi là khờ dại, nhưng thực tế sẽ đem lại những phút giây êm đềm thật ngọt ngào trong tâm hồn, vì chúng ta đã thắng lướt được ‘cái tôi’ thấp hèn yếu đuối của mình mà tiến bước lên cao : Phúc cho những ai có tấm lòng thanh sạch….Phúc cho kẻ gieo hòa thuận….Phúc cho người biết sống hiền lành.v.v….

Việc thường xuyên can hệ hàng đầu là học biết Cầu Nguyện : Biết bắc một nhịp cầu nội tâm, làm thành một sợi giây nối kết ta với chính Chúa, như con với cha, mà cũng như đôi bạn chí thiết. Ở đó, ta tâm sự và chia sẻ mọi buồn vui với Ngài, tạ ơn Ngài vì những hồng ân, xin lỗi Ngài về những lầm lỗi, cũng như xin Ngài ban những thứ ta đang cần thiết. Khi cầu nguyện là ta hành xử như đứa trẻ thơ chạy đến cùng cha hay mẹ, nói ra hết tâm tư thầm kín của mình. Dĩ nhiên bằng một tình mến yêu đầy phó thác tin tưởng.

Nhờ việc cầu nguyện, dù ngày hay đêm, ta luôn sống trong bình an. Lúc đó với tâm hồn kiên cường trong sáng, ta chả cần phải theo lối sống ‘Quân tử’ của Nho giáo, mà vẫn có thể trở thành những con người đầy chí khí vững mạnh, để sống xứng đáng một đời gương mẫu.

Cuộc sống gương mẫu ấy sẽ bao gồm những ‘nhân đức’ ( đức tính ) hệ trọng nhất cho một người giá trị : Kiên nhẫn, khiêm tốn, rộng lượng, từ ái, khôn ngoan, cương quyết và thành thật. Con đường tu thân tích đức trong đạo Chúa thường xuyên rèn luyện ta thành những cá nhân can đảm thực sự, để tiến về mục tiêu tối hậu, là đỉnh núi hoàn thiện mà Chúa Giê-su đã chỉ vẽ và giúp sức cho ta đạt tới.

Trên đường theo Chúa, người tín hữu luôn sống trong sung sướng và hy vọng, bởi lẽ họ nắm vững được từng bước đi trước mặt. Họ sống trong Chúa, và rồi nghĩ rằng tới một ngày nào đó mình cũng sẽ chết trong tin yêu với Ngài. Sống lành cũng có nghĩa là sẽ chết lành. Mà chết lành sẽ dẫn tới cánh cửa trường sinh hạnh phúc muôn thuở. Thành ra, một ngày sống là một ngày liên tục hít thở niềm vui siêu nhiên.

Trong hồn người tin Chúa thì không còn từ ngữ ‘sợ hãi’ nữa. Vì yêu Chúa nên họ tìm cách xa lánh những dịp phạm tội ( làm điều sai quấy ngược ý Chúa và trái lương tâm ). Thế là lúc nào họ cũng an bình tự tại, tâm tư vững như bàn thạch, không phải do sức riêng mình, nhưng dựa vào sức mạnh vô song của chính Chúa, được coi như hòn đá tảng không gì lay chuyển nổi.

Điều đáng nói nhất về đời sống người theo Chúa là chuyện thi hành đức ‘Bái Ái’, theo ý hướng siêu nhiên : Làm vì Chúa và như làm cho Chúa những điều thiện hảo. Xung quanh chúng ta lúc nào cũng có người cần mình chia sẻ lòng tốt và thực hiện tâm hồn quảng đại theo mẫu gương của chính Chúa. Yêu thương bác ái không chỉ là vì tìm vui thỏa riêng. Cũng không chỉ vì muốn tìm phần thưởng hay tạo công lao. Mà cũng chẳng vì có những kẻ đáng ta tỏ lòng nhân ái….Trái lại ta phải ra tay phục vụ, tha thứ, nâng đỡ, ủi an, chia sẽ đồ ăn thức uống cũng như áo quần và nhà ở, viếng thăm khi đau bệnh hay tù đầy….chỉ vì mọi tha nhân đều là con Chúa.

Dĩ nhiên về mặt tiêu cực cũng phải biết tránh những chuyện đố kỵ ghét ghen, tránh nói xấu gièm pha hành tỏi, lại còn học biết tránh làm gương xấu tệ hại nữa. Thánh Phao-lô là một bậc thày về chuyện thương yêu, đã dạy rằng :”Anh em chớ mắc nợ với nhau điều gì, trừ ra món nợ yêu thương”.

Được Chúa yêu, biết yêu tha nhân vì Chúa, ta vui sống trong an bình. Đó chẳng phải là cuộc sống lý tưởng của mỗi con người trên trần gian này sao ? Chúa Giê-su căn dặn các môn đệ :”Người ta sẽ cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ của Thày, đó là chuyện các con thương mến nhau”. Do đó, đức ‘Ái’ phải là điểm hệ trọng nhất của đạo Chúa. Nó sẽ giúp ta sống trọn vẹn niềm tin vào Chúa. Nó cũng giúp ta luôn biết phải làm gì cho một cuộc sống đầy đủ ý nghĩa. Mà cuối cùng nó cũng trao cho ta ‘cái vé’ vào nước Trời sau cuộc sống trần gian này.

Hơn hẳn cái mục tiêu làm người Quân tử xuông, người Ky-tô-hữu còn thấy mình phải sống xứng đáng như những kỳ công của đấng Tạo Hóa, có hồn thiêng bất tử và có xác vật chất mau qua theo thời gian : Ta có sự sống phát triển như cây cối thảo mộc, có di động và cảm giác như loài vật chim cá, rồi cũng có trí khôn nhận thức chân lý, có tự do, có lòng muốn để hướng tới thiện hảo cao đẹp. Sống xứng đáng là để cho cái tốt vươn lênh trên cái xấu trong lòng và nơi hành động. Chuyện này dẫn tới sự thưởng hay phạt của Chúa dành cho ta sau khi chết.

Thế rồi, cái cuộc sống tự nhiên đó cũng được ơn thánh Chúa nâng lên bậc sống siêu nhiên sau khi ta tin vào Chúa. Ông bà nguyên tổ đã làm mất sự sống này, để rồi nó được phục hồi nhờ công Chúa Giê su cứu chuộc. Chúa đã sáng lập Hội thánh để ta được hướng dẫn và thánh hóa đúng đường.

Đi trước và làm gương sống tốt cho chúng ta là các Thánh nhân, mà cao cả nhất là Đức Mẹ Maria. Các ngài cũng có khả năng bầu cử cho chúng ta trước ngai tòa Chúa trên trời. Các ngài chỉ dẫn cách xa tránh các việc xấu gây ra tội lỗi, rồi phương thức làm những điều tốt tạo nên công phúc dài lâu.

Trong cái khung luôn đòi ‘hướng thượng’ này, cũng như Nho giáo dạy phải biết thuận đạo Trời thì mới có an bình, ở đây ta cũng phải gây sự ổn định nội tâm nhờ vào sự phù trợ của bàn tay Thiên Chúa. Ngài sẽ giúp ta nhẫn nhục trước những xáo trộn quấy phá của đối phương ‘vô hình’ là Ma Quỷ liên tục cám dỗ ta làm sái ý Chúa. Ta biết rằng khi làm điều xằng bậy, khi phạm tội là ta sẽ mất sự bình an tâm hồn.

Chữ AN này cần kèm theo tâm tư thẳng thắn và ý hướng trong sáng chân thành. Nói khác đi nó cần một lương tâm tốt, để đưa từ bình an tới  hoan lạc. Nó loại trừ những ham mê thác loạn cũng như những tư tưởng dục vọng. Tất cả phải lồng trong cái khung của giáo huấn Phúc Âm ( lời Chúa dạy ).

Chúa Giê-su gọi chúng ta là những bạn thân của Ngài, cho chúng ta chia sẻ mọi mầu nhiệm cao cả nước trời, và mong mỏi chúng ta kết hợp mật thiết như nhánh nho với thân cây nho. Thế là chúng ta có kẻ tri kỷ trong mọi hoàn cảnh vui buồn. Những lúc thấy đời sồng cô đơn buồn tẻ nhất, chúng ta đã sẵn có người thân ở bên, dù là vô hình, nhưng luôn có sức cải hóa mọi chuyện xấu ra tốt, buồn thành vui.

Trong tâm tư người ky-tô-giáo hạnh phúc, ta luôn thấy có tấm lòng biết ơn sâu xa và chân thành. Tất cả chỉ dựa trên lòng Chúa quá tốt với ta, luôn vỗ về an ủi, lòng tha thứ khi ta thống hối, luôn khích lệ cho ta hăng say tiến bước trên đường ngay nẻo chính. Mà ta càng biết ơn thì lại càng nhận được thêm ơn. Dĩ nhiên không sống vô ơn, và rồi đòi ta không tìm cách ‘lạm dụng’ ơn Chúa.

Khi hiểu rằng mọi sự ta đang có  là do Chúa ban,  ta sẽ tự hạ  mình,  thay  vì sống theo lối kiêu căng, vênh váo. Thánh khinh dạy ta phải nhớ mình là bụi tro hèn mọn. Cụ Khổng xưa rất chú trọng cái đức tính khiêm tốn này nơi các môn đệ, thì Chúa Giê-su cũng liên tục dạy chúng ta phải loại trừ ra khỏi lòng trí cái men hợm mình, luôn nghĩ ta là số một trên đời. Họ cần học cầu nguyện như thánh Augustino :”Xin cho con biết Chúa, và cũng xin cho con biết con”. Biết đây là biết mình thấp kém bé mọn chừng nào, so với sự cao cả tuyệt đối của Chúa.

Khi hiểu rõ rằng Chúa đã cho ta sự sống, thân xác, trí khôn, tài năng, cơ hội ….thì chúng ta không thể không học cúi đầu xuống mà nhận ra mình chỉ là con số không giữa cái vũ trụ bao la này. Chúa cũng thích ta khiêm tốn vì Ngài đã từng tuyên bố :”Ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên”.

Thế là Chúa sẽ mãi mãi là cứu cánh, là cùng đích tối hậu của đời chúng ta. Đời ta chỉ có ý nghĩa và đáng sống ( vả biết cách sống cho xứng đáng ) khi lệ thuộc hoàn toàn vào Ngài. Do đó cần quy hướng mọi sự dù lớn dù nhỏ vào chính Ngài. Thánh kinh cũng thường dạy ta rằng chỉ một mình Chúa đáng được chúc tụng và ngợi khen.

Sống đạo vì thế là sống cho ra con người đàng hoàng có đầy đủ ý nghĩa. Khi yêu mến và phụng sự một mình Chúa, con người sẽ thấy như làm chủ được những bước đi của đời mình. Họ ngó quanh đâu cũng thấy có tiếng gọi mời tha thiết nhắc bảo phải bám chặt vào một mình Ngài. Làm tôi Chúa, có được bóng dáng Chúa trong tâm hồn, là ta có được cả vũ trụ, cả thế giới.

Cái mẫu sống của thánh Augustino nói trên còn giúp ta biết nói thế này :”Chúa là trung tâm của lòng trí tôi, tôi sẽ mãi bồn chồn rạo rực cho tới khi được nằm trọn trong bàn tay Chúa”. Như thế cũng có nghĩa là ta biết phó thác mọi lo toan về đời mình cho Chúa. Nhờ thế mà sẽ chỉ thấy niềm vui trong đời.

Vậy xem ra hạnh phúc và an vui quá giản dị và khá dễ phải không ? Có vẻ là như thế, nhưng khi đem ra thực hành, nó ngày đêm đòi ta phải trước sau một niềm bám chặt vào Chúa không ngơi nghỉ. Nó đòi ta không còm tìm an ủi và hạnh phúc ở đâu khác ngoài Chúa. Và dĩ nhiên phải sống mãi trong giới luật và hướng đi Chúa dạy vẽ.

Ở đây, khác với người Quân tử của Khổng Nho, chúng ta phải tìm ra cái Dũng, cái Trí, cái Nhân…qua trường học của Chúa. Đời ta hay hoặc dở cũng tùy thuộc bàn tay Chúa. Ăn thua là ta có biết dính chặt đời mình với Ngài hay không. Nó cũng gồm hàng ngàn hàng vạn những cố gắng liên tục để tìm xét và tiết chế những ước muốn lộn xộn của tâm tư, phải ngày đêm học chỉnh đốn hành vi và ngôn ngữ. Và dĩ nhiên ta phải luôn  bước đi với lòng nhẫn nhục và khiêm tốn.

Cái nhẫn nhục này sẽ cho ta cơ hội xa tránh chuyện chỉ đi tìm tư lợi, đồng thời giúp ta biết bình tĩnh nhận định được mọi sự theo chân giá trị của nó. Đó cũng chính là con đường thẳng tắp đưa ta tới chuyện có an bình vững chắc trong đời. Các bậc thánh nhân gọi đây là ‘tinh thần tự thoát’ : Sẵn sàng từ bỏ tất cả, để rồi được lại tất cả trong Chúa. Các ngài cũng đề cập tới chuyện này như con đường trọn lành.

Đây cũng được coi là phương thức khôn ngoan nhất trong đời, như người tìm thấy kho vàng giấu trong lòng đất lâu năm, nay  ta  khám phá ra và chiếm hữu dài lâu. Kẻ tinh đời phải tìm mọi cách có cho được, dù phải đánh đổi mọi tài sản của cải khác. Người đời không hiểu biết cho chúng ta là dại là khờ. Họ cũng có thể công kích và nói xấu ta. Điều quan trọng là ta phải biết đừng quan tâm tới những xét đoán của trần đời. Chúa và một mình Ngài biết ta là quá đủ.

Một khi đã có lối sống kiên vững như thế, ta sẽ làm chủ và biết điều khiển mọi hành động của mình ( thay vì là nô lệ ). Ta sẽ vươn cao lên trên chuyện thế sự, để rồi chỉ nhìn ngắm những chuyện bất diệt và cao cả.

Thực tế là ta luôn đi theo nẻo đường Chúa, luôn thăm dò ý muốn của Ngài. Bài học của nhà lãnh đạo Mai-sen trong Cựu Ước giúp ta luôn chạy tới Chúa và cầu nguyện cùng Chúa, mỗi khi ta thấy có những chuyện khó khăn, nan đề, nhất là khi phải đối diện với những mưu mô hiểm độc của địch thù.

Dù thấy mình đã phần nào tiến bộ, nhưng ta không bao giờ được phép tự hào, để rồi khoe khoang thành tích. Thánh kinh dạy chúng ta coi mình là hư vô. Thế là, thấy mình đi trúng con đường Chúa vạch ra, ta luôn lên tiếng ca ngợi và cảm tạ Chúa. Họ nói với Chúa rằng Ngài chính là vinh dự và niềm vui của mình.

Nhờ tâm tư này, chúng ta sẽ biết coi khinh danh vọng thế tục. Họ hiểu đời này sẽ qua đi như bóng mây cùng với những vinh dự chóng tàn. Dù khi được khen ngợi, ta cũng không lấy làm mừng. Trái lại ta nên dâng trót tất cả lại cho một mình Chúa. Thế cũng là ta không thể vui với thành công trần đời mà thôi. Đo vậy ta không cố gắng tìm cách làm vui lòng thế nhân theo nghĩa kiếm lợi lộc tạm bợ.

Nhiều khi ta phải học cách bưng tai giả điếc với chuyện tầm phào, với những thắng lợi nhỏ mọn vô nghĩa, hay buồn bực với vài chuyện thua thiệt nhỏ nhoi.

Tại sao thế ? Chỉ vì cái tồn tại dài lâu của cuộc sống vĩnh cửu mới đáng kể. Có Chúa rồi, họ thấy cuộc sống thật đầy đủ. Không mải miết chạy theo việc đời không có nghĩa là họ quay lưng với đồng loại, nhưng họ có cái nhìn vượt trội lên cao, cư xử với mọi người trong cái tinh thần của Chúa : Thánh hóa mọi sinh hoạt nhân sinh với nẻo đường đạo Chúa chỉ dạy.

Hồn thiêng phải được đề cao hơn xác phàm. Ai cũng cần hy vọng để vui sống. Nhưng hy vọng vào Chúa phải là nền tảng cho cuộc đời. Chúa đã hứa sẽ trở nên sức mạnh và nguồn an ủi cho những ai tin tưởng nơi Ngài.

Thánh kinh khuyên ta nên tìm tới Ngài là chốn nương náu. Nơi Chúa ta có thể ký thác tất cả ưu phiền và sầu muộn. Chẳng có quan thày thế lực hay cố vấn khôn ngoan nào ngoài Chúa.

Thực tế là ta nên coi Chúa là cứu cánh mọi của cải, cũng như là đỉnh cao của mọi sinh hoạt hàng ngày. Từ đáy hồn, ta ý thức rõ rằng được Chúa là được tất cả, và nếu mất Chúa thì chẳng còn thứ thua thiệt nào lớn cho bằng.

Điểm đáng lưu tâm đặc biệt ở đây  là phải kiên trì cả đời  : Thánh kinh mời ta cố ‘bền đỗ’ tới cùng, chứ không chỉ thực hành trong một thời gian nào đó. Trong việc thực thi nền tu đức Công giáo, ta được mời nghe bài dụ ngôn về người đầy tớ khôn ngoan và cần mẫn. Trung tín trong công việc ngày cũng như đêm. Đưa mắt trông chờ ngày chủ đi xa về, để lúc nào cũng được điểm tốt nhất.

Cũng có bài dụ ngôn đáng nhớ khác về 5 cô trinh nữ dại dột không mang sẵn dầu cho đèn mình trong đêm đi đón chàng rể. Họ quên lời dặn luôn phải tỉnh thức từng phút từng giây.

Rất nhiều khi ta vì sao lãng mà quên đích điểm. Vì lơ đễnh mà bị kẻ thù thiêng liêng lừa dối. Vì tự mãn mà làm hư cả đại cuộc.

Sống theo tôn giáo là sống niềm tin vô hình, nhưng có căn bản siêu nhiên vững chắc.

Đạo với đời lúc nào cũng liên kết chặt chẽ với nhau.

Chúa là vị Tạo hóa, luôn cần phải được ta gắn chặt với đời sống của mình.

Nhờ vậy mà những ai muốn có cuộc sống giá trị, ý nghĩa và đáng thực hiện nhất, sẽ phải ân cần học hỏi bước theo lối Sống đạo chân chính, mà với những lý cứ vững chắc nhất, chỉ có được trong Giáo hội Công giáo, do Đức Chúa Ky-tô đã thân hành sáng lập.

Cụ Khổng đòi người Quân tử phải biết thuận đạo TRỜI . Giờ đây, ta kết luận rằng Trời chính là vị Tạo Hóa tối cao, và cũng chính là Thiên Chúa toàn năng quyền uy.

Thành ra, sống Quân tử đã là tốt, mà làm người Ky-tô-hữu còn tốt hơn gấp bội, nếu thực sự biết đi theo nẻo đường Chúa hướng dẫn. Lúc còn sống họ đã thấy an vui hạnh phúc, mà khi chết rồi họ còn được chung hưởng phúc lộc dài lâu như chính lời Chúa hứa.

Đạo Chúa đã thực sự bổ túc cho những gì người Quân tử chưa nắm vững. Nó đã không mâu thuẫn đi ngược lại, mà còn làm cho cuộc sống thêm phong phú và ý nghĩa trọn vẹn.

Ở những chương sau, ta cùng khai triển thêm các chi tiết để hiểu cho thật rõ ‘Đường Theo Chúa’ thực sự là gì.

 

 

 

 

 

 

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose