Hôm qua dự đám tang vợ của một người bạn về, tôi không khỏi nghĩ đến thân phận của người đàn ông góa vợ. Tang lễ có thật nhiều cha đến dâng lễ. Giáo dân và thân hữu của gia đình tham dự thánh lễ đông đảo, hiệp dâng lời nguyện cầu xin Chúa xót thương linh hồn Maria. Bài điếu văn của đứa con út diễn tả tấm lòng yêu thương của người con thật cảm động. Quan tài đưa ra xe, chồng và con cái âm thầm bước theo linh cữu. Đoàn người ra đến nghĩa trang. Làm phép xác lần cuối, rồi hạ huyệt. Từng nắm đất ném xuống mộ, mọi người dãn ra để lấp đất. Phận người vợ thế là xong, nghiêng vai trút hết bệnh tật và thảnh thơi bước sang một thế giới khác, để lại biết bao nỗi nhớ của người sống, trong đó có người chồng là bạn tôi.
Và thực tại của một người đàn ông không còn vợ sánh vai làm tôi chạnh lòng, bùi ngùi thương cảm cho anh. Tang lễ nhọc nhằn đã qua, hôm nay anh trở về, bước vào căn nhà vắng hẳn tiếng cười dòn tan của vợ. Những chiếc ghế ngồi lặng lẽ bên chiếc bàn lặng ngắt là nỗi cô quạnh của một người đàn ông. Bây giờ sẽ là căn phòng trống vắng, chiếc gối lẻ loi không người nằm, bốn bức tường vây quanh như nhốt nỗi cô đơn cơ hồ không sao thoát ra được. Bây giờ cho dù muốn một lời trách móc, hoặc vài phút cãi vã như đứa con út tâm sự trong bài điếu văn cũng không được nữa. Âm dương cách trở là thế. Có người nói giữa người ra đi và người ở lại, người ở lại đau khổ hơn, vì phải đối diện với khung cảnh cũ mỗi ngày. Đó là thực tại mà bạn tôi phải đối diện từng ngày.
Chứng bệnh hoại huyết nan y hành hạ chị trong 9 năm. Gọi nôm na là ung thư máu. Năm 2006, bác sĩ bắt được căn bệnh và chị đi ngay vào điều trị. Thuốc uống được một năm, rồi bắt đầu xạ trị. Mái tóc ngắn của chị rụng dần, trông lưa thưa rồi hết nhẵn, hậu quả của sự bức xạ. Chúng tôi rủ nhau đến nhà đọc kinh cầu nguyện. Chị vui tươi ngồi trò chuyện, giọng cười chị nghe dòn tan giữa âm thanh lao xao của tiếng nói. Tôi cứ tưởng chị bệnh giả vờ. Chị mở hé lọn tóc giả để thấy màng tang nhẵn thín tôi mới biết bệnh ung thư là thật. Lành lặn được hơn năm thì bệnh tái phát. Lần này thời gian điều trị lâu hơn. Chị bịt đầu chứ không đội tóc giả nữa. Xạ trị liên tiếp nên tóc không có dịp mọc trở lại. Vẫn giọng cười khanh khách khi chúng tôi thăm viếng. Chị vẫn vui tươi tham gia những sinh hoạt trong cộng đồng và sẵn sàng làm một cái gì đó chứ không chịu ngồi yên.
Từng ấy năm bệnh tật tưởng đã bào mòn sức chịu đựng của anh. Nhưng không, anh và con cái vẫn chịu khó đưa chị vào ra nhà thương. Vì hồng cầu không tái tạo – bị tế bào ung thư diệt – nên người chị bạc nhược hẳn ra. Bác sĩ quyết định thay tủy (bone marrow) để kéo dài mạng sống. Chị có mỗi người anh ruột, không chị không em. Thế mà tủy lại hợp thì đúng là phép lạ. Chính sự phù hợp này đã cấy nhiều hy vọng cho anh. Nhưng biến chứng hiểm nghèo trước và sau khi thay tủy đã giết chết dần hy vọng của mọi người, kể cả tôi.
Khoảng chừng nửa năm trở lại đây thì cha con chở chị đến nhà thương mỗi tuần đôi lần, và mỗi lần như thế chị thường nằm lại đôi ngày. Cha con thay phiên nhau ngủ lại nhà thương với mẹ. Việc làm trở thành thứ yếu, chăm sóc vợ mới là điều chính. Đứa con gái xin nghỉ không lương để có thời giờ với mẹ hơn. Chị nằm héo hắt trên giường khi chúng tôi vào thăm. Khách thăm mặc áo khoác của nhà thương che kín mít, găng tay che đủ mười ngón, đeo khẩu trang chỉ còn chừa cặp mắt. Vậy mà khi cất tiếng hỏi thăm chị vẫn nhận ra ai với ai. Vào giai đoạn cuối nên bác sĩ không còn tiếc móc-phin, liều lượng thản nhiên bơm vào người chị để chống cơn đau. Cơn đau theo máu lan ra khắp cơ thể, hành hạ người bệnh từ từng ngọn tóc đến mỗi móng chân. Ung thư nào cũng chết, nhưng người bệnh sẽ chết trong đau đớn cùng cực của thân xác. Sự sống hình như thoát ra từ hơi thở, nên bệnh nhân cứ luỗi dần. Mỗi lần vào thăm, tôi thấy chị yếu hẳn. Chị có lần bảo anh thôi để em chết, vì anh và con cái khổ cực quá. Trước sau gì cũng chết, thôi thà chết bây giờ, vừa đỡ cho em lại đỡ cho cả gia đình. Anh nghiêm trang bảo sự sống này không phải sở hữu của em, nhưng của Chúa; vì thế em không có quyền tự quyết định. Đồng thời, sự sống đó liên quan đến một phần đời của anh và anh phải giữ nó cho đến cùng. Chị ứa nước mắt. Cánh tay yếu quá không đủ sức đưa lên vuốt má anh. Chỉ còn đôi mắt long lanh nhìn chồng trìu mến…
Vợ luôn lo nghĩ về chồng con mặc dù đang quằn quại trên giường bệnh. Cảnh đời như thế tôi đã gặp hơn một lần. Năm 2010, tôi về thăm gia đình sau hơn 30 năm. Gom mấy đứa cháu lại, bác cháu đi một vòng giáo xứ thăm những người nghèo khổ, ngặt nghèo nhất. Riêng chuyện một gia đình làm tôi suy nghĩ đến mấy tháng trời. Người vợ bị ung thư phổi, bác sĩ hứa chữa chạy tận tình, nhưng không dám hứa mầm ung thư bị diệt hoàn toàn (bác sĩ nào dám hứa?), chỉ biết gieo hy vọng cho vợ chồng anh. Nhưng chuyện lớn vẫn là y phí. Gia đình 4 đứa con, đứa lớn nhất mới 12 tuổi, tất cả đều trông nhờ vào 2 sào ruộng. Bán đi để chữa chạy cho chị cũng được nhưng chữa xong thì cả nhà sẽ chết đói, chưa kể bệnh có thể tái phát. Suy đi nghĩ lại, chị bảo thôi để em chết, nhà vẫn còn hai sào ruộng để nuôi con. Và chị dứt khoát nằm nhà chờ chết, chỉ uống thuốc nam cầm chừng cơn đau. Thân xác hom hem, chị nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp, thều thào bảo con pha nước mời khách. Tôi khoát tay ngăn đứa con gái lớn và bảo khi bố về sang gặp bác. Về nhà ngồi chưa nóng chỗ, anh lôi thôi lếch thếch sang gặp tôi. Người đàn ông vừa bước qua tuổi bốn mươi sao trông như một ông lão. Hai bàn xoắn chặt lấy nhau, anh ngồi kể chuyện vợ anh quyết định chết để anh và bốn đứa con sống. Câu chuyện “Anh Phải Sống” anh kể bằng một giọng bình thản, ráo hoảnh… cơ hồ trái tim anh miễn nhiễm với nỗi đau. Hơn tháng sau, ở Mỹ tôi nghe tin chị qua đời, để lại nguyên 2 sào ruộng cho chồng và bốn đứa con.
Hai cảnh đời khác nhau nhưng quyết định hy sinh cho chồng con giống nhau. Bên này, vợ bạn tôi may mắn hơn, được bảo hiểm bỏ ra hơn triệu trong 9 năm ròng rã (nhìn hóa đơn y tế mà tôi chóng mặt), vào ra bệnh viện như cơm bữa. Chị luỗi dần rồi lịm đi lúc 1 giờ sáng. Anh text cho tôi lúc 2 giờ, sáng ngủ dậy mới hay. Tính nhẩm ra chị mới 56 tuổi, tuổi chưa hưu ở Mỹ. Tôi lẩn thẩn nghĩ cho dù chị chết non nhưng đó là một sự giải thoát, cho cả chị lẫn anh và con cái.
Sống mà nằm một chỗ, rũ người trong cơn đau triền miên, uống thuốc thay cơm thì chết đúng là một giải thoát. Chồng con cũng thế, có lẽ cũng thở phào rồi khi nỗi buồn mất vợ, mất mẹ bủa chằng chịt lấy tâm trí thì đôi mắt bỗng đỏ hoe. Anh sụt sùi bảo Th. đi rồi. Tôi biết nói gì đây? Nhà tôi còn đấy nên tôi không cảm nhận được nỗi đau mất vợ. Tôi siết chặt tay anh tỏ lòng cảm thông, rồi im lặng. Lời nói nào cũng vô nghĩa trong giây phút này. Một mất mát không thể đền bù.
Tôi thường nói với bạn bè, thế hệ mình là thế hệ cuối cùng cưu mang cha mẹ, và là thế hệ đầu tiên chấp nhận đi vào viện dưỡng lão ở tuổi già. Tại sao thế?
Bà nhạc tôi lúc còn sống chỉ có mỗi ước nguyện, “anh chị đừng bỏ tôi vào nhà dưỡng lão.” Cụ thêm, “cho tôi nằm ở góc phòng nào cũng được, nhưng đừng bỏ tôi vào đấy.” Điều ước nghe thật não lòng. Đã có cụ vừa vào viện chừng hơn tháng là đổ bệnh, rồi qua đời. Khi chúng ta về già, vợ chồng có thể nói ước nguyện như thế với con cái không. Thưa không! Chỉ vì thế hệ của chúng khác biệt với thế hệ chúng ta. Không phải chúng không yêu thương cha mẹ, nhưng vì chúng đã hấp thụ nền văn hóa ở đây rồi. Cuối tuần chỉ mong chúng đưa con cái về thăm nội ngoại. Thế là đủ vui. Không thể mong chúng cưu mang như chúng ta đã từng cưu mang cha mẹ.
Nếu con cái lớn lên, ra riêng và không thể sống chung với cha mẹ thì cuối cùng căn nhà rộng hoác chỉ còn lại hai vợ chồng. Lúc này, người phối ngẫu sẽ đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống về già. Vợ chồng nương tựa vào nhau, khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc vui cũng như khi buồn, đúng như lời hứa khi đứng trước bàn thờ. Mất đi một người là thấy nỗi cô đơn. Bạn tôi đang tập sống cô đơn bắt đầu từ ngày hôm qua, ngày thẫn thờ tiễn vợ ra nghĩa trang buồn.
Tôi bâng khuâng tự hỏi bên em đang có anh hay bên anh đang có em, và rồi chợt thấy yêu “cái xương sườn’ của tôi hơn bao giờ.
Hà Ngân