“Các con hãy thương yêu nhau như Thày yêu thương các con”. Đầu mối câu chuyện lúc này chính là ở câu nói trên đây.
Mà yêu thương Chúa thì phải là hành vi căn bản đương nhiên trong đạo : Tin Chúa thì phải yêu mến Chúa, bởi Ngài dựng nên ta, cứu chuộc ta, dạy dỗ ta bao điều lành, tạo phép lạ giúp ta mạnh niềm tin, ban ơn phúc cho ta, tha tội ta, quan phòng cuộc sống ta, hướng dẫn soi sáng mọi nẻo đường ta đi, an ủi ta khi thất vọng nản chí, hứa ở cùng ta mọi ngày cho đến tận thế, rồi sẽ ban phúc trường sinh thiên đàng mai sau….Ôi bao nhiều lý do chính đáng để ta quý trọng Ngài suốt đời!
Thế nhưng Ngài còn đòi một chuyện xem ra dễ dàng, nhưng thật ra rất gay go, đó là vì Ngài mà yêu thương cư xử với tha nhân như làm cho chính Ngài, mà cùng như Ngài đã cư xử với chúng ta. Đây mới là cái mấu chốt của đời Sống Yêu Thương. Mà khi Chúa Giê-su tới, Ngài đã liên kết hai giới luật cũ ‘mến Chúa và yêu người’ thành một.
Thật ra, nếu thương yêu Chúa thì ta sẽ tìm cách quý mến người khác. Trái lại sẽ là vô phương, vô nghĩa, hoặc làm vì ta muốn giả hình hay tìm trục lợi….
Thế giới hiện nay được diễn tả như thiếu tình thương. Có lẽ phải kết luận rằng lý do chính yếu là tại người ta đang dần quên Chúa. Cho nên ai cũng sống ích kỷ để tạo ra liên tục những tranh chấp hận thù, những ghét ghen lừa dối….
Mới đây, khi ngài Đạt-lai–lạt-Ma của Tây Tạng thăm nước Ba-Tây bên Nam Mỹ, có người hỏi ngài “Tôn giáo nào đáng giá nhất trên thế giới lúc này”, ngài đã bình thản nhưng mạnh mẽ đáp :”Đó là thứ tôn giáo đem được tình thương yêu mọi người đồng loại trên trần gian, là tôn giáo liên tục dựa vào đấng tối cao mà cổ võ cách hữu hiệu nhất cho lòng nhân ái trong xã hội nhân sinh bây giờ”.
Vị cao tăng ngành Mật Tông Phật giáo Tây Tạng có câu đáp tuyệt vời quá ! Nó trúng phóc với giáo thuyết của đạo Chúa từ ngày được sáng lập cho tới nay. Quả thật, giáo lý Công giáo dạy ta phục vụ lo lắng cho nhau qua 14 mối thương yêu đồng loại ( 7 thứ về tinh thần, và 7 thứ về thể xác ).
Với tâm tư yêu mến, chúng ta sẽ tránh làm những điều tiêu cực sai trái, như ghét ghen, thù hận, vô cảm, nói xấu, khinh bỉ, xét đoán, bạo hành, kỳ thị,…Trái lại, theo như cách diễn tả của thánh Phao-lô, ta phải học cho bằng được lối sống bác ái để mỗi ngày thi hành như Chúa Ky Tô sống xưa : thương yêu mọi người không tính toán, không hạn định.
Điều cực kỳ hệ trọng cho tất cả chúng ta là vào ngày chung thẩm, Chúa sẽ thưởng thiên đàng hay phạt hỏa ngục tùy theo việc ta có sống yêu thương hay không. Mà Chúa còn đổi lề luật cũ cho được hoàn chỉnh, là buộc phải yêu thương cả kẻ thù nữa :”Như thế các con mới nên giống Cha các con ở trên trời, là đấng đã cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ lành cũng như người dữ, và làm mưa xuống cho người chính trực cũng như kẻ bất lương”.
Chúa yêu quý việc bác ái với tha nhân hơn cả lễ vật chúng ta tiến dâng :”Nếu còn điều chi bất hòa với anh em, con hãy bỏ lễ vật đó mà về làm hòa với họ trước, rồi hãy trở lại lo dâng của lễ”. Dĩ nhiên Chúa luôn xác nhận những thứ tốt lành ta làm cho tha nhân vì danh Chúa, thì cũng y hệt như làm cho chính Ngài.
Căn gốc của chuyện yêu thương này là chúng ta liên kết hợp nhất với nhau trong tình thương của chính Chúa, được đề cập tới khi Chúa cầu cho các môn đệ và chúng ta :”Xin Cha cho chúng nên một như Cha và con là một”.
Mà cái nguyên lý cao cả nhất chính là vì chúng ta cùng là con cái của một Cha trên trời. Cùng được hưởng ơn cứu độ và lời hứa trọng đại là phúc trường sinh sau này. Mà Chúa Giê-su còn nhắn nhủ ta rằng chúng ta hãy thương yêu nhau, như một dấu chỉ chúng ta là môn đệ của Chúa.
Trong việc thực hành, ta phải chú tâm tới cả tư tưởng, lời nói cũng như việc làm. Luôn phải tìm cơ hội phục vụ lẫn nhau, trong sự kính trọng, với vẻ lịch sự hòa nhã, sẵn sàng chịu đựng khuyết điểm của nhau, tìm dịp cảm thông chia sẻ cũng như an ủi khi gặp khó khăn hoạn nạn.
Với ‘đức ái’ Ky tô giáo, chúng ta còn cần học biết cách sửa lỗi nhau theo cách Chúa dạy, cũng như thấy sung sướng hạnh phúc mỗi khi được lo lắng giúp đỡ kẻ khác. Thêm vào đó, phải cố gắng chúc phúc thay vì nguyền rủa, hãy khoan dung thay vì trách móc la mắng.
Ta phải học yêu mến tha nhân vì họ là hình ảnh của chính Chúa. Phải học coi họ như anh em ruột thịt, chỉ vì họ cùng là tạo vật của cùng một đấng Tạo hóa. Họ cũng có những yếu điểm, những sai sót như ta. Họ cũng thường xuyên bị cám dỗ đi đường tà. Họ cũng bị tội nguyên tổ để lại bao hệ lụy xấu….Thành ra ta phải cảm thông và tha thứ vì Chúa muốn thế.
Đúng rồi, ta phải học tha thứ. Tha thứ khó lắm, khó hàng đầu trong việc ráng yêu thương người khác. Người đời sai lỗi mỗi phút mỗi giây, nhan nhản hàng ngày trước mắt ta, bên cạnh ta. Tha mãi thấy mệt. Thấy như bất công. Nhưng Chúa thì đòi tha ‘bảy mươi lần bẩy’ !
Chúa làm gương tha thứ hùng hồn nhất khi chịu chết trên thánh giá mà vẫn lớn tiếng xin Chúa Cha tha cho những kẻ làm khổ và giết mình. Trong Cựu ước, khi Cain giết em mình là Abel, Chúa đã gọi anh ta ra đối chất, không phải nhằm luận phạt mà để hắn mở mắt ra, cuối cùng Chúa cũng ban ơn tha thứ.
Các nhà tu đức dạy rằng, khi ta yêu thương, ta sẽ có dịp hiểu tha nhân hơn, sẽ bớt xa cách và nghi ngờ cũng như ác cảm với họ. Khi mến Chúa ta sẽ hiểu thêm về ta, thấy mình
cần sống khiêm hạ, vẫn còn nhiều khuyết điểm dài dài, vẫn yếu đuối trước cám dỗ thử thách, vẫn liên tục phạm tội… Thành ra ta cần nghĩ tới chuyện Chúa luôn tha thứ cho ta mà ráng học tha thứ cho anh em mình.
Tha thứ được hiểu là một khía cạnh của lòng tốt của chính Thiên Chúa : Ngài tha thứ mỗi khi ta thống hối tội lỗi ( coi dụ ngôn người con hoang đàng và người cha nhân từ ). Nó được hiểu như hành động mong hòa giải, chẳng những với nhau, mà còn với chính Chúa. Nó cũng là điều kiện thiết yếu cho một cộng đồng an bình và nhân ái.
Ta phải học tha thứ nếu muốn đi vào trường học yêu thương Ky-tô-giáo. Tha thứ sẽ giúp ta tiến triển trong đời sống thiêng liêng. Dĩ nhiên ta phải có một mức độ khiêm nhường để biết tha thứ. Phải thực hành ngay trong chính gia đình và bạn bè của mình.
Muốn nên thánh là phải học tha thứ. Thánh Gio-an Vianey khẳng định như vậy. Và đây là đầu đuôi để ta đáng được chính Chúa tha cho mình. Còn thánh nữ trẻ Maria Goretti thì vui vẻ tha thứ cho chính người giết hại mình, rồi còn ao ước cho hắn nay mai cũng được lên trời với mình ! Mà cô còn nói rõ :”Tôi tha cho hắn, mà cũng vì thế tin chắc Chúa cũng sẽ thứ tha”.
Thánh Phao-lô nói đức bác ái còn cao trọng hơn cả đức tin và đức cậy. Lý do chính yếu là nó làm chúng ta trở nên giống Chúa. Gặp kẻ vô tình, cứng đầu, bạc ác ư ? Nếu khuyên nhủ mấy mà họ cũng không muốn nghe, thì hãy cầu nguyện cho họ và phó thác họ trong tay Chúa, để Ngài định liệu. Chớ nóng nẩy cãi cọ tranh biện mất thời giờ vô ích.
Khi hiểu kỹ về phần tu đức, ta sẽ thấy khi ta nhịn và phó cho Chúa, ta tin rằng chính Ngài có dư khả năng biến cái ác nên cái thiện, rồi làm vinh danh Ngài. Ta mong kẻ khác bớt sai lầm, nhưng chính chúng ta cũng phải gắng sức giảm bớt những sai quấy của bản thân mình nữa, mới mong cộng đồng sống chung trong an vui.
Yêu thương luôn đi kèm với chuyện thiệt thòi cho bản thân mình. Bài dụ ngôn người Samaritano nhân hậu cho thấy anh ta bị hao tài tốn sức khá nhiều. Thành ra ta phải học chấp nhận dấn thân và hy sinh, trong khi thi hành đức bác ái thương người. Đó chính là chỗ đáng giá và có ý nghĩa đích thực.
Đây cũng có nghĩa là ta phải có cái nhìn siêu nhiên : Vì Chúa và nhờ vào sức mạnh của ơn trên mà thi hành những việc yêu thương. Chúa Giê su, khi mời gọi chúng ta ‘trở nên những kẻ hầu hạ, học cách rửa chân cho nhau’ thì Ngài cũng ra tay cùng làm với chúng ta, y hệt Ngài đã thi hành lúc còn ở dương thế.
Trong thực hành, không nhất thiết ta phải làm theo nghĩa đen khi đọc câu ‘hãy đưa cả má trái khi họ vả má phải con’, nhưng cần là ta biết vì Chúa mà nhường nhịn và tha thứ cũng như chấp nhận những thiệt thòi lớn nhỏ.
Câu truyện Mẹ Maria khuyên nhủ gia nhân trong tiệc cưới Cana làm theo lời Chúa dạy để hưởng phép lạ nước hóa ra rượu, thật ra đã xảy ra sau khi chính Mẹ đã lưu tâm đén cảnh bối rối của gia chủ : Mẹ đã nêu gương yêu thương bác ái một cách hết sức thực tế và hữu hiệu.
Lời cầu nguyện chân tình cũng phải là một thói quen tốt đẹp ta dành cho tha nhân khi muốn tỏ lòng yêu mến họ vì Chúa. Nó sẽ nuôi lớn cái hảo ý mong ước sự lành cho anh em, y như ta mong sự lành cho chính bản thân mình.
Đời sẽ đáng sống hơn khi ta vui vì thấy kẻ khác cũng vui. Nhất là khi biết ai nấy cùng hưởng niềm vui trong Chúa. Ta tới nhà thờ cầu nguyện và dự thánh lễ ư ? Sau đó phải tập tìm cách ứng dụng các ơn phúc lãnh nhận nơi bàn Thánh cho anh em khi ta về nhà. Như vậy của lễ và lời kinh ta tiến dâng Chúa mới thực sự có ý nghĩa đầy đủ.
Những hành vi yêu thương bác ái cũng là khí giới hữu hiệu nhất cho việc truyền giáo và chia sẻ đức tin : Mẫu gương của Mẹ Tê-rê-sa tại xứ Ấn độ khó nghèo đã là một bài học hùng hồn cho mọi thời đại.
Vị ‘Tông đồ dân ngoại’ Phao-lô đã từng phân phô :”Dù chúng ta có khả năng nói được mọi thứ tiếng lạ, dù có ơn tiên tri hay thông suốt mọi mầu nhiệm, dù có đức tin mạnh mẽ chuyển dời được núi non, dù dám hy sinh hiến thân vào ngọn lửa hồng, mà nếu chúng ta không đó đức ái, tất cả các thứ trên đây chỉ là hư không và vô ích, hoặc như tiếng não bạt ầm vang inh ỏi mà thôi”.
Cũng với tư tưởng của thánh nhân trên đây, mọi sự sẽ qua đi trừ lòng yêu thương cao đẹp của những người con Chúa. Nó sẽ có giá trị bền lâu vĩnh viễn. Yêu anh em đồng loại là chính thước đo lòng mến Chúa của chúng ta.
Thánh Phan-xi-cô ‘năm dấu’ chẳng những nêu gương khó nghèo và tinh thần hy sinh hãm mình cao độ, ngài còn dạy và sống đức yêu người một sách lạ lùng : ngài dạy các môn đệ rằng dù có bị cư xử bất công hay ghen ghét tới đâu, ta vẫn cứ phải nhã nhặn tươi cười, không than van oán hận, theo sát gương thày Giê-su chí thánh.
Lời dạy ‘không ai có tình yêu cao quý hơn kẻ hiến mạng sống mình vì người mình yêu’ đã từng là câu châm ngôn hàng đầu giúp cho các thánh tìm cách bày tỏ long yêu của mình với Chúa. Các ngài đều bước qua lối đi yêu thương này mà tới cùng Chúa, để rồi nhận ra mọi người đều là như anh chị em ruột thịt của chính mình.
Nói cụ thể hơn, các ngài học cho biết nhìn ra hình ảnh và sự hiện diện đáng quý trọng của chính Chúa trong tha nhân, để trân quý và phục vụ. Khác hẳn với người đời chỉ tìm tranh đua và tính toán hơn thiệt.
Đức cha Bùi Tuần có dịp viết sách và lấy hình ảnh anh chàng trộm lành được Chúa thưởng nước trời, vì anh có lòng từ tâm : Anh ta có biết kẻ bị đóng đinh cạnh mình là Con Thiên Chúa đâu ! Anh chỉ thấy có người sao quá hiền lành tử tế, quá khiêm cung nhẫn nhục, mà chịu khổ hình oan ức như vậy, thành ra anh đem lòng thương hại, để rồi lên tiếng bênh vực. Ngay tức khắc, lòng yêu thương của anh đã kéo theo ơn thống hối để được tha tội.
Theo Đức cha Tuần, chúng ta có thể vì luôn sống như kẻ nhẫn tâm, vô tâm, tiểu tâm hoặc ác tâm mà cả đời chúng ta không gặp được Chúa, để sau này chẳng đáng được nước Thiên đàng.
Trong đời thường nhật, mỗi người chúng ta cần thường xuyên ‘kiểm tra’ lối sống của chính mình. Chúng ta có thể đọc nhiều kinh hạt, năng đi dự lễ nhà thờ, tham gia lắm đoàn thể công giáo tiến hành, thích nói lời khuyến khích bác ái yêu thương, nhưng thật sự thì lòng đầy ích kỷ tham lam, bởi luôn thích khoe khoang giả hình.
Rất nhiều tín hữu nhiệt thành mà không có tinh thần của Chúa, vì họ vẫn ngầm nuôi dưỡng ghét ghen hận thù, vẫn thích nói xấu gièm pha, vẫn buông những câu nói độc địa làm khổ anh chị em mình. Họ tính toán kỹ lưỡng mọi hành vi tôn giáo và hình thức đạo đức bề ngoài của mình, nhưng lại coi thường bao nhiêu tội tày trời lỗi nghịch với đức bác ái thật của đạo Chúa.
Có thể chúng ta chỉ thích nói ‘lời yêu thương’, nhưng không dám ra tay thi hành, vì nó đòi vất vả hy sinh, đòi cho đi liên lỉ. Mặt khác, ta lại ưa chỉ trích người khác khi thấy họ có khuyết điểm nọ kia, kể cả chuyện tố cáo họ là ‘thiếu lòng bác ái!’.
Yêu thương đòi bao gồm cả những kẻ nghèo hèn, xấu số. Yêu cả những người mình cho là tội lỗi xấu xa. Chúa cư xử với bao kẻ tội lỗi, phường thu thuế, kể cả hạng đĩ điếm, luôn với tấm lòng khoan dung lạ kỳ.
Chúng ta cũng thường thích làm bạn với những người có danh phận, có tiền của và địa vị xã hội, mà thường xa lánh kẻ nghèo hèn bị người đời khinh miệt. Đọc Phúc âm, ta có cơ hội nghe Chúa Giê-su bênh đỡ những phần tử này ra sao trước mặt các kẻ giả hình ‘Biệt phái Pha-ri-siêu’.
Khi giao tiếp với tha nhân, ta thường không thận trọng đủ trong cách suy nghĩ, khiến có thái độ lệch lạc về tha nhân. Có khi ta coi ‘tha nhân là hỏa ngục’ như cái nhìn của triết gia hiện sinh Jean-Paul Sartre nọ bên Pháp. Nhận xét người khác, ta phải giữ thái độ vô tư và nhất là khiêm tốn, chớ bao giờ tự tôn quá đáng.
Bác ái phải bắt đầu đem ra thực hành với cái lưỡi của chúng ta. Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo! Lắt léo để chúng ta làm khổ và gây hại cho nhau. Thánh Gia-cô-bê tông đồ đã viết thơ khuyên giáo hữu phải tìm cách kìm hãm và làm chủ cái lưỡi của mình, kẻo làm mất lòng Chúa cách nghiêm trọng.
Chuyện nói xấu nhau, ai cũng biết, luôn là căn bệnh trầm kha của nhiều thế hệ. Với chúng ta, nó hay được ngụy trang bằng ý hướng đạo đức tốt lành giả tạo. Ta hay đê hèn hạ bệ kẻ khác để đưa mình lên. Dĩ nhiên do lòng ghen tương nhỏ mọn. Nói xấu như một ‘chuyện làm quà’ mong gây tình bạn hờ, mong cầu thân qua tâm sự riêng tư….Nó phạm tới đức ái và cả đức công bằng nữa, vì gói ghém bao thứ bất công sai lạc.
Dĩ nhiên Chúa chẳng vui tí nào khi ta nói hành nói tỏi anh chị em mình. Nói xấu cũng là cách mình làm hại chính bản thân mình. Ta dễ mất uy tín, khi người nghe sẽ suy đoán ta là con người ra sao. Ma quỷ ngày đêm gieo vào tâm tư chúng ta nỗi ganh tị như trong lòng Cain xưa dành cho cậu em hiền lành Abel. Dụ ngôn thợ vườn nho cũng cho ta thấy kẻ được thuê vào làm sớm ghen với kẻ làm muộn, là chuyện ưa xảy ra trên đời. Ta phải cẩn thận chống lại sự cám dỗ của kẻ thù thiêng liêng.
Ta thường sợ tha nhân thành công hơn mình, được khen lao hơn mình, nhất là khi nghĩ
mình giỏi và đạo đức cũng như có công nghiệp nhiều hơn họ. Thế là ta cố sức dìm họ xuống cho bõ ghét. Lúc đó ta giống như ma quỷ khi ghen tương với loài người nên tìm cách làm hại, xúi bẩy họ lỗi luật bác ái của Chúa.
Thánh Gio-an Vianney nói rằng khi chúng ta ghen tị với anh em mình, thì chúng ta còn tệ hơn cả ma quỷ, vì ma quỷ không hề ghen tị với nhau ! Phạm tội này, chúng ta cũng dường như chê trách sự quan phòng của Chúa không được tốt đẹp đủ, y như mấy thợ vườn nho phàn nàn cách điều hành của chủ vườn. Theo thánh nhân, đây là lý do tại sao sự ghen tị được xếp vào hàng số 1 trong 7 mối tội đầu.
Giáo hội dùng lời kinh thánh nhắc bảo chúng ta hãy vui với kẻ vui, và buồn với người buồn. Dù với kẻ thù hay người ta không ưa, hãy học thói quen hân hoan vì thấy họ đang gặp điều may lành tốt đẹp. Ta tử tế thì sẽ được đối xử tử tế lại. Điều lành ta cống hiến cho thế nhân chính là cái gia tài cao đẹp nhất.
Giữ luật bác ái yêu thương cũng đòi ta hãm dẹp tính nóng giận vô lối. Chớ đỗ lỗi cho Chúa tạo dựng ta với tâm tư nóng nẩy tự nhiên sẵn có. Nhiều người mang cái chiêu bài này ra để làm khổ nhau, kể cả những người thân thuộc trong gia đình và bè bạn. Tục ngữ Pháp nói nóng giận là cho phép cái lưỡi làm việc nhanh hơn cả cái đầu !
Thánh kinh chỉ cho phép ta nóng nẩy trong chốc lát, với điều kiện không được phạm tội nghịch lại giới luật Chúa. Mai sen đã nóng giận khi thấy dân thờ lạy bò vàng. Ngay Chúa Ky-tô cũng nổi giận với nhóm buôn bán trong đền thánh.
Nóng giận thường đưa tới la mắng vô lối, chửi thề, nguyền rủa và bạo động. Đôi khi còn nói lời lộng ngôn phạm tới cả Chúa. Đây rõ là dấu vết của kiêu căng, muốn thống trị và điều khiển người khác. Đôi khi họ còn nguyền rủa cả chính mình, làm hư ơn thánh trong hồn, ao ước chính mình chịu hình phạt từ tay Chúa, liều mình theo những vết bước của kẻ thất vọng mất niềm tin.
Ma quỷ, và ngay cả vợ ông Gióp cũng xúi ông nguyền rủa nặng lời cho bõ ghét thân phận mình. Nhưng ông đã kìm hãm được. Khi suy niệm về ông Gióp, thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng đã thốt lên :”Ước chi tôi sẽ bắt chước mãi thái độ của vị thánh này của cựu ước, để rồi mãi sống nhẫn nhục chịu đựng mình và chịu đựng tha nhân trong mọi thử thách của cuộc đời”. Người Ba-Lan hay nói rằng cứ mỗi phút ta nổi giận, ta phí phạm 60 giây hạnh phúc trong đời, mà không có khả năng gì lấy lại được.
Điều đa số chúng ta rất hay vấp phạm là xét đoán bừa bãi. Từ đó ta thích chỉ trích và lên án anh em. Nguyên do chính là ta chỉ thấy ý nghĩ và hành động của mình là đúng, là hay. Còn tha nhân thì ta dễ thấy bao nhiêu lầm lỗi. Chúa bảo ta ưa nhìn và nhắc tới cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong mắt mình thì không hề nhận ra !
Nghĩ tốt về tha nhân là điều không dễ cho lắm, cho nên các nhà tu đức hay giảng rằng ai cũng phải tập hỏi Chúa xem, lúc này đây, trước mỗi hành động, mình đang có những tư tưởng chính đáng đủ hay không, hoặc nói khác đi, phải năng tự xét mình dưới ánh sáng Phúc âm soi dẫn.
Tư tưởng sai lạc sẽ dẫn tới hành động xấu và bất công. Mà đặc biệt ở đây, Chúa cứ muốn
dành quyền xét đoán cho một mình Ngài. Thật ra chỉ có Chúa mới thấu suốt hết mọi sự trong tâm tư con người. Chúng ta chỉ nhìn được bề ngoài, làm sao bảo đảm hiểu rõ tâm can tha nhân ! Thế là các nhà tu đức thường khuyên ta chỉ nên xét…mình, thay vì xét đoán người.
‘Xét mình trước’ cũng có nghĩa là nhìn lên Chúa mà hỏi Ngài “Trong trường hợp con, Chúa sẽ hành xử ra sao”. Ta sẽ có ánh sáng dẫn lối, Ta sẽ dễ nhìn ra ưu điểm của anh em. Ta sẽ không chỉ thích ngồi ghế quan tòa mà tuyên án rồi tìm hình phạt.
Các vị linh hướng tu đức cũng thường khuyên chúng ta rằng, trong cuộc giao tiếp thường ngày với tha nhân, nên nghĩ nhiều tới mặt tích cực : Không nên tiếc lời khen và trao đổi những nụ cười. Rồi nên tăng cường đối thoại, thay vì tranh cãi. Đối thoại là biết chấp nhận những lập trường và ý kiến khác biệt với mính. Bằng không sẽ có cảnh ‘2 người độc thoại’ và kết quả sẽ là con số không.
Nhắc lại cái luật của tình yêu thương thật là phải biết nhận thiệt thòi, hy sinh. Phải cứ vui vẻ khi tha nhân vô ơn bạc tình. Chớ ham luôn được cám ơn chúc tụng, vì Chúa nói như thế thì đâu còn chi là công nghiệp trước mặt Chúa.
Tha nhân có thể biến ân thành oán. Không sao ! Họ có thể trở mặt vu khống nói xấu ta, nhưng với Chúa, ta vẫn là kẻ tốt. Vậy là đủ hân hoan rồi. Còn với thiên hạ, đâu vẫn còn đó, sự thật sẽ tồn tại và sáng chói.
Gặp những trường hợp trớ trêu như trên, ta nên theo gương Chúa Giê-su mà giữ thinh lặng, thay vì trách móc la trời. Hãy tìm nơi yên tĩnh cầu nguyện và tâm sự với Chúa. Ngài sẽ sung sướng chia sẻ nỗi niềm của ta, sẽ ban ơn an ủi ngọt ngào, sẽ tỏ cho ta thấy lợi ích của sự nhẫn nhục khi gặp chuyện ân oán trái ngang.
Yêu thương tha nhân mà kèm theo thiệt thòi chắc làm Chúa vui lòng lắm, y như Chúa đã gặp khi xuống trần. Ta phải học nhìn thẳm sâu vào linh hồn của anh em, mà mến thương như những báu vật Chúa dựng nên. Chính thánh Vinh sơn Ferrer đã từng kêu gọi giáo dân hãy yêu linh hồn tha nhân trước hết, mỗi khi muốn học hỏi cách thi hành nhân đức bác ái.
Thánh tiến sĩ Augustino đã mạnh dạn tuyên bố :”Hãy đến trường học của Chúa mà học bài học thương yêu. Mà khi đã yêu kiểu Chúa rồi, thì bạn muốn làm gì thì làm !” Thánh nữ Angela Merici cắt nghĩa câu này rằng yêu như thế thì chẳng phạm tội bao giờ được.
Cũng thánh Gio-an Vianney khuyên ta phải hy sinh làm ngược lại thói xấu ùa theo bạn bè trong những buổi trà dư tử hậu, thường đàm tiếu phê bình nhau, nhất là những kẻ vắng mặt. Ngài bảo nếu cần ta nên nói tốt cho kẻ không hiện diện, bằng không, chuyển đề tài qua chuyện khác.
Cũng thánh Augustino nhắc ta :”Nếu bạn phàn nàn mình không được sống vào thời Chúa xuống trần để tới gặp Ngài ư ? Bây giờ Ngài đang sống nhan nhản nơi anh em quanh bạn đó. Hãy yêu thương săn sóc Ngài đi. Ngài bảo vậy mà “! Khi ta nhận phiền toái khi phục vụ với tình yêu, dĩ nhiên bằng một tâm hồn khiêm tốn như của Chúa và các
thánh, ta sẽ thấy cái giá trị mà người đời không bao giờ nhận ra nổi. Đồng thời niềm vui siêu nhiên và bền vững sẽ tràn ngập tâm hồn ta.
Nếu ta cố sống và cùng lôi kéo tha nhân sống bằng tình thương chân thành như Chúa dạy, cộng đồng xã hội sẽ đầy ắp an vui và trật tự. Thánh trẻ Robert Bellamine đã sớm nhận ra và cổ võ cho mục tiêu này, khi sung sướng cất tiếng nói “Bây giờ tôi thấy mọi người cùng như hoàn hảo trước mặt Chúa và trước mặt nhau !”
Yêu thương cũng đòi dấn thân phục vụ, trong hoàn cảnh và điều kiện mình đang có. Không chỉ thương trong lòng. Không chỉ chia sẽ vật chất tiền bạc, mà còn phải theo chân Chúa đi ra khỏi nhà để tới với anh em.
Bên Hoa Kỳ người ta rất tôn kính thánh nữ Elizabeth Ann Seton : Vị này là người có cha mẹ di dân tới đây, đã trở nên người Công giáo sinh tại Mỹ tiên khởi được phong thánh. Bà lập gia đình và sinh được cả thảy 5 người con. Tuy chẳng giàu có chi, nhưng sau khi chồng qua đời, con cái đã lớn, bà lăn xả vào công tác xã hội, mong giúp đỡ những trẻ em nghèo thất học, mang hết sức lực, làm đủ mọi thứ công tác sang hèn, mong các em được nên người và nhất là được gặp Chúa. Cho đến nay, bà được coi như con chim đầu đàn của phong trào xây dựng hệ thống trường Công giáo tại các xứ đạo. Thánh nữ cũng là bề trên sáng lập dòng nữ tu Bác ái ( Sisters of Charity ) rất được nhiều người biết hiện nay.
Trước đó mấy thế kỷ, bên Ý, bà thánh Catarina Siena đã trở thành một ‘nữ lưu ưu hạng’ Công giáo, sớm dấn thân phục vụ Giáo hội, dẫu chỉ với tư cách là một thành viên nhỏ bé của Dòng Ba Đa Minh. Bà sinh trong một gia đình có 25 anh chị em (bà là con thứ 24 và được song sinh). Từ bé đã tỏ lòng mến Chúa yêu người, nhất định không lập gia đình để chỉ lo cho giáo hội và tha nhân. Bà hăng say và hữu hiệu trong mọi công tác phục vụ đến độ từ thứ dân cho tới vua quan đều kính nể. Nể nhất về lòng bác ái chân thành với mọi hạng người. Cuối cùng cả tới Đức Giáo hoàng đang bị lưu đầy bên Pháp ( vùng Avigon ) cũng phải nghe lời khuyên của Catarina mà can đảm trở về giáo đô cũ là Roma, mong đem lại sự đoàn kết cần thiết cho toàn thể giáo hội. Thánh nữ cũng viết nhiều bài hướng dẫn tu đức rất có giá trị, để rồi, cùng với 2 nữ thánh cùng mang tên Tê-rê-sa của dòng Carmelo, bà được phong tước vị tiến sĩ giáo hội.
Còn thánh ‘da đen’ Martino de Porres nữa : Ngài không chỉ lo tu trong nhà dòng Đa Minh tại thủ đô Lima của nước Peru bên Nam Mỹ, nhưng thường xuyên xin phép rảo bước khắp hang cùng ngõ hẻm để chăm sóc kẻ đau ốm nghèo khổ, bị bỏ rơi và khinh bạc. Rất khiêm tốn và vui lòng với kiếp ‘da màu’ thường bị khinh bỉ, ngài chỉ dám xin làm một thày trợ sĩ bé nhỏ, nhưng ngài đã trở thành một khí cụ sáng chói và đem lại vô số kết quả lạ lùng qua bàn tay Chúa.
Lúc này ai cũng còn nhớ hình ảnh thân thương của Mẹ Tê-rê-xa phục vụ bên Ấn độ. Qua truyền giáo và làm hiệu trưởng một trường trung học tại Calcutta, thường ngày chứng kiến bao trẻ khốn cùng bị bỏ rơi đói khát ngoài phố. Thế là bà xin bề trên đổi công việc : Ngày ngày chỉ đi chăm sóc cho lũ trẻ xấu số nói trên. Với việc thành lập các nữ tu ‘Thừa sai Bác ái’, bà đã nêu gương can đảm và kiên trì tột độ, làm cả thế giới sửng sốt và ngưỡng mộ. Bà cũng được lãnh giải Nobel hòa bình năm 1979. Dĩ nhiên giáo hội đã ưu ái phong thánh cho Mẹ rất long trọng.
Bên Việt Nam thì có linh mục thừa sai người Pháp là Paul Maheu, đã rời quê nhà qua Việt Nam truyền giáo, rồi tình nguyện phục vụ trại cùi Quy Hòa tại Quy Nhơn. Ngài đã giã từ cuộc sống bên cạnh các nạn nhân xấu số tại đây, lưu lại bao tấm gương hy sinh khác thường. Sau đó lại có đức cha Jean Cassaigne từ chức Giám mục Sai-gon để lên Di Linh sống và phục vụ người bị phong cùi, rồi cũng bị lây bệnh và qua đời trong trại này. Cà hai vị anh hùng này sồng gần kề người bệnh ngày đêm, và liên lỉ lấy lòng thương bao la chăm sóc và an ủi họ.
Bên Trung hoa thì có cha Vincent Lebbe, gốc người Bỉ, qua giảng đạo tại Thượng Hải vào cuối thế kỷ 19, luôn tìm phương thức tốt nhất để phục vụ và đem tình yêu Chúa cho dân chúng. Ngài đã muốn trở thành người Trung hoa thực sự, từ lối cắt tóc, để râu, phục sức áo quần, cho tới cách suy tư, nói năng, cử hành phụng vụ, dạy giáo lý, và rồi xin nhập tịch với tên ‘Lôi minh Viễn’. Ngài chỉ mong trợ tá cho các linh mục bản xứ, không hề nhận nhiệm vụ chính xứ hay bề trên dòng ( dù là dòng do chính ngài sáng lập ). Ngài cũng vận động tòa thánh phong thêm Giám Mục người Trung hoa. Cuối cùng cha cũng chết và xin được chôn ngay tại xứ này.
Có thể nói rằng hầu hết các thánh đều nêu gương sống yêu thương. Các vị thừa sai cũng nêu cao khác thường nhân đức cao đẹp này. Cha Raoul Plus có viết sách nói rằng :”Thế giới ngày nay giống như một chuyến xe lửa tốc hành, đang chạy với một vận tốc kinh hoàng. Người dấn thân là người muốn nhào lên chiếc xe để cùng giúp nó chạy đúng đường. Ta chớ nên chỉ đứng ngó làm kẻ bàng quan.
Thương người nghèo khổ, đói rách, ngu muội ư ? Tốt lắm, nhưng còn những kẻ sống trong cô đơn chán đời thì sao ? Dĩ nhiên chăm sóc cho họ cũng rất được Chúa thưởng công. Báo chí ngày nay nhắc tới dân chúng tại nhiều nước văn minh giàu có đang có khuynh hướng tự vẫn vì không tìm ra niềm vui trong đời. Ta dư biết : Đau khổ trong hồn luôn đáng thương hơn đau khổ ngoài thân xác nhiều. Chúa Giê-su đã kinh nghiệm cái đau đớn này, nhất là lúc nằm trên cây thập giá, tưởng chừng mình bị cả Chúa Cha bỏ rơi.
Cô đơn là tâm trạng ai cũng có lần gặp phải. Không bởi chung quanh mình không có ai, nhưng lúc nào cũng cảm thấy một trống vắng ghê gớm trong lòng. Chẳng có chút hy vọng hay chờ mong chi cả. Nhiều khi nó trở nên một cực hình trong đời. Hết niềm tin. Chả còn chút dấu vết của nụ cười trên môi.
Chúa muốn gửi ta đến để thay Ngài nâng đỡ ủi an, dù rằng ta không phải lúc nào cũng vui toàn vẹn trong lòng. Ta phải vì Chúa mà đem lại chút ánh sáng cho đời họ. Hãy nêu lên hình ảnh Chúa đầy tình thương và ái tuất. Ta giúp họ xây dựng lại phần nào cái thế giới đang sụp đổ thảm thương trong anh em mình. Giúp họ thấy bớt trơ trọi, bằng nghiệm thấy có bàn tay Chúa dẫn dắt trên đường.
Hãy giúp những kẻ thất vọng hiểu rằng, tuy họ đang thấy cuộc đời vô nghĩa, nhưng quả thật Chúa đã mang tới cái ý nghĩa đó. Chỗ nào họ cũng nhìn ra bức tường phân cách ư ? Đó là vì họ chưa nhìn ra tình yêu thật Chúa luôn dành cho họ. Có thể ta cho họ thấy lý do cho chuyện này, là vì họ cứ mải miết chạy trốn tình yêu của Ngài.
Mà một khi ta trốn tình yêu Chúa, ta cũng khó tìm thấy tình yêu nơi bạn bè đồng loại. Có
thể đôi lúc họ ráng tìm ra bóng dáng Chúa, nhưng thấy Ngài có vẻ thinh lặng quá. Họ chưa biết lắng nghe tiếng Ngài gọi mời và chia sẽ tâm tư. Nhiều người, kể cả chúng ta, thấy chán đời, thấy cô đơn, lòng buồn mà chẳng ai an ủi nổi, chẳng ai có khả năng lau giọt lệ. Thế là chỉ còn chuyện ngồi ngóng gọi cái chết đem mình đi.
Chúa muốn ta đến với họ. Ta xác nhận cái họ đang cần, đang thiếu, chính là đôi tay từ ái của Chúa. Công tác tông đồ của các anh chị em ‘Đạo Binh Đức Mẹ’ nhấn mạnh vào điểm hệ trọng này. Họ cũng có những phút sầu buồn ray rứt, nhưng họ đã thấy rõ : một khi tìm cách đem niềm vui tới cho kẻ chán chường, chính họ sẽ được Chúa âm thầm tạo cho nụ cười nở rộ trong hồn.
Theo Chúa. Tin Chúa. Nhưng chẳng có nghĩa là hết thử thách đau buồn. Còn sống là còn phải ngẩng cao đầu nhìn lên Chúa ngày đêm, mong tìm thấy niềm vui siêu nhiên thật.
Đức Ky-tô, đấng đã từng phải vật lộn với cô đơn chán nản, sẽ hỗ trợ chúng ta, và rồi giúp chúng ta hỗ trợ nhau.
Chúng ta cùng khích lệ nhau hấp nhận khó khăn, thử thách, chống đối, khinh bỉ cũng như cô đơn trong đời, trong niềm tin sắt đá vào Chúa. Ngài sẽ chẳng bao giờ bỏ rơi ai.
Muốn làm Ngài vui, ta hãy cùng nhau lo lắng săn sóc cho tha nhân trước. Chớ chỉ sống ích kỷ, ngày đêm biết tới bản thân mình.
Chúa luôn cần bàn chân, đôi tay, miệng lưỡi và trái tim ta, để thay Ngài yêu thương mọi người, không trừ một ai.