Người dân miền Nam đã từ lâu quen thuộc với ngôi trường trung học nổi danh, gần với trường Đại học Khoa học, mang tên nhân vật tài ba này (giống như trường Bưởi, sau này là Chu văn An ngoài Bắc, được di chuyển vào Nam sau năm 1954.) Rất tiếc qua dịp ‘đổi đời’ 1975, nhà nước đã đặt tên mới cho trường là Lê hồng Phong.
Petrus Ký là ai ?
Ông tên thật là Petrus Trương vĩnh Ký. Petrus là tên thánh (ông là người Công giáo). Chữ gốc la tinh là Petrus, như Anh ngữ là Peter hay Pháp là Pierre, cũng như Việt ngữ là Phê rô. Người đời quen gọi tắt tà Petrus Ký, để chỉ về một nhà giáo dục, nhà văn, nhà khảo cứu văn hóa và ngôn ngữ học nổi tiếng. Ông đã để lại hơn 100 tác phẩm về đủ mọi ngành kiến thức, chưa kể những tác phẩm dịch thuật và từ điển. Ngoài ra ông còn được coi như ‘ông tổ’ nghề báo chí, với tờ đầu tiên mang tên ‘Gia Định báo’.
Petrus Ký sinh năm 1837 tại Cái Mơn, Vĩnh Long. Từ nhỏ đã thông thạo chữ Hán, rồi chữ Pháp. Nhưng ông thật sự có công phát triển chữ quốc ngữ. Về sau còn được một linh mục dạy cho tiếng La Tinh. Sau này ông còn có dịp học thêm tiếng Anh, Tây ban nha, Nhật, Ấn độ, Thái Lan và Mã Lai.
Năm 1862, ông được tuyển vào dạy trường thông ngôn của Pháp. Thành ra, khi cụ Phan thanh Giản qua Pháp điều đình để chuộc mấy tỉnh tại miền tây, cụ đã mời ông đi theo. Và vào năm 1869, ông mời nhân vật tài ba Huỳnh tịnh Của để cùng điều hành tờ ‘Gia Định báo’nổi tiếng. Ông được coi là một nhà văn tiền phong xứng danh của nền văn học quốc ngữ vào thời còn non yếu.
Năm 1872, ông được bổ nhiệm làm đốc học trường sư phạm chuyên dạy người Pháp học tiếng Việt. 2 năm sau đó ông được mời làm chánh đốc học trường ‘Tham biện hậu bổ’, kiêm làm ủy viên thượng hội đồng Giáo dục Nam Kỳ. Nhờ đó ông được chính nhàn lâm viện Pháp phong cho danh hiệu ‘Viện sĩ’.
Mãi tới năm 1886, ông xin về hưu tại Chợ Quán để dạy học tư và chuyên tâm viết sách. Đa số sách xuất bản là do ông cố gắng xin bạn bè giúp cũng như bỏ tiền túi ra. Những ngày cuối đời ông sống rất đơn giản đạm bạc, chỉ mong phát triển nền văn hóa nước nhà cũng như mở mang dân trí. Ông tạ thế ngày 1 tháng 9 năm 1898, thọ 61 tuổi.
Người đời tiếc thương ông, và xưng tụng ông là ‘thiên tài’ ngoại ngữ. Có người làm chứng rằng ông thông thạo 27 ngôn ngữ khác nhau. Dĩ nhiên ai cũng gọi ông là một học giả xuất chúng. Ông mất đi để lại vô số huân chương cao quý và nhiều bội tinh cũng như bằng khen. Vì giúp vua Đồng Khánh học tiếng Pháp khéo léo, nên ông được trao tặng chức ‘Hàn lâm viện thị giảng học sĩ’. Vua cuối cùng nhà Nguyễn là Bảo Dại đã truy tặng ông hàm ‘Lễ bộ thượng thư’. Riêng về pho sách đồ sộ ông viết ra, người ta hay nhắc tới tập ‘Truyện đời xưa’, ‘Kim vân Kiều’, ‘Lục vân Tiên’, ‘Từ điển Việt Pháp’.…Nay người ta tính có tới 121 tác phẩm được ông cho ra đời. Không ai quên được bộ sách dịch ‘Tứ thư’ của Nho giáo : Đại học, Trung Dung, Luận Ngữ và Mạnh tử.
Ông luôn luôn đưa châm ngôn về mối liên hệ với người Pháp tại Việt Nam : “Ở với họ mà không theo họ”, để thanh minh cho thái độ chính trị của mình, mà cũng giúp cho ông bớt bị hiểu làm là quá thân chính quyền bảo hộ Pháp, nhất là khi biết ông không hề xin làm công dân Pháp. Ông chỉ mong mong có sự hiểu biết hỗ tương giữa triều đình Huế và người Pháp, nhất là cố gắng bênh vực ‘Nam triều’ khỏi bị Pháp dẫm chân. Tuy giỏi tây học, nhưng đầu óc ông thấm nhuần tư tưởng và văn hóa Đông phương, Khổng Mạnh. Ông luôn có cái tâm hồn thực tiễn của một nhà chính trị, cùng với cái nhìn duy lý của một học giả.
Rất nhiều nhà khoa bảng bái phục vì kiến thức thâm uyên của Petrus Ký, coi ông như một nhà bác học hiếm có ở Châu Á. Nhà văn và phân tích văn học Vũ ngọc Phan coi ông như một nhà khảo cứu kỳ tài. Riêng học giả Nguyễn văn Tố thì tóm tắt sự nghiệp của ông gọn trong 3 chữ ‘bác học, tâm thuật, khiêm tốn’. Người đương thời coi ông là bậc hiền nhân, quân tử chính danh, cho nên đã dựng tượng ông để tưởng niệm và biết ơn ông dài lâu, nhất là về mặt giáo dục đại chúng ( đặc biệt truyền bá rộng rãi nền đạo đức truyền thống của dân tộc ) và phổ biến chữ Quốc ngữ.
(Đài kỷ niệm Petrus Ký, gần nhà thờ Đức Bà, Saigon)
Cho tới hôm nay, người ta vẫn nhắc tới sự kiện là, vào năm 1874, Petrus Ký đã được thế giới bình chọn là nhà bác học về ngôn ngữ, nằm trong danh sách 18 nhà bác học hoàn cầu của thế kỷ 19. Ông cũng được ghi tên vào danh sách các nhân vật nổi tiếng trong tự điển Larousse của Pháp. Nhưng là người Việt Nam thì ai cũng phải cám ơn ông vì đã giúp phổ thông hóa chữ Quốc ngữ một cách có hiệu quả phi thường.
Với tấm lòng chân thành và khiêm tốn, ông đã nhắn lại cho con cháu và hậu thế lời giã biệt khi lìa đời : “Cuộc sống trần ai rất vắn vỏi mau qua, tan đi như sương như khói. Hãy cơ gắng mà làm tròn bổn phận và vai trò của chính mình”.