- Vấn đề là do mình
Những cảm xúc tiêu cực của chúng ta như hối tiếc, chán nản, buồn bực, tức tối, lo lắng, sợ hãi thường gây cho chúng ta đau khổ, vì vậy, chúng ta phải tìm hiểu đâu là nguyên nhân để có thể hạn chế những cảm xúc này. Theo tôi, những cảm xúc ấy thường nảy sinh khi chúng ta để cho những suy nghĩ tiêu cực dẫn dắt hoặc khi chúng ta lấy mình làm thước đo và không chấp nhận những khác biệt so với thước đo ấy.
Thật vậy, khi chứng kiến hay phải sống một hoàn cảnh xấu, người suy nghĩ tích cực sẽ không thấy đó là một vấn đề mà là một khó khăn cần giải quyết để nó không trở thành vấn đề. Nhưng nếu thấy mình không có khả năng, họ sẽ suy nghĩ hay nhờ sự giúp đỡ của người khác để tìm ra giải pháp. Hoặc nếu thấy không thể làm gì được nữa, họ sẽ rút ra một bài học để làm giàu thêm kinh nghiệm và không nghĩ đến nữa. Nhưng người suy nghĩ tiêu cực thì từ hoàn cảnh xấu ấy sẽ suy diễn ra những hậu quả không hay nên sẽ thấy biết bao vấn đề, lúc đó những cảm xúc tiêu cực sẽ ùa vào và gây cho họ đau khổ. Trong tương quan với người khác cũng thế, khi có sự bất đồng về ý kiến hay về cách cư xử, người suy nghĩ tích cực biết tôn trọng người khác và thấy những khác biệt giữa họ và mình là bình thường nên không coi là vấn đề. Nhưng người suy nghĩ tiêu cực, vốn thường có cái tôi lớn, cho rằng chỉ có ý kiến hay cách cư xử của mình là đúng và ai không suy nghĩ hay cư xử như mình là sai, rồi suy diễn cho họ đủ điều xấu. Người suy nghĩ tiêu cực không nghĩ được rằng người ta chỉ sống theo bản tính của họ hoặc theo tâm trạng của họ lúc đó và đây là cách cư xử tự nhiên mà họ có đối với mọi người chứ không phải là với riêng mình, thế là bao nhiêu cảm xúc nóng giận lại bùng lên khi thấy họ không xử sự như mình nghĩ, cho rằng họ đang cố tình đối xử tệ với mình và vì vậy cảm thấy bị tổn thương.
Như thế, có thể nói khó khăn trong hoàn cảnh hay trong tương quan chỉ trở thành vấn đề khi mình nghĩ nó là vấn đề và chỉ có thể gây đau khổ khi mình tự biến thành nô lệ cho những suy nghĩ tiêu cực. Thật vậy, nếu suy nghĩ đưa mình trở về với một chuyện xảy ra trong quá khứ rồi mình nuối tiếc hay tức tối và cảm thấy đau khổ, thì đau khổ ấy chỉ là do suy nghĩ của mình gây ra. Cũng thế nếu như đó là một điều mình lo lắng cho tương lai và thấy như nan giải rồi đau khổ. Nhưng hiện tại sẽ không gây đau khổ nếu mình biết sống từng giây phút như tình huống phải sống tại đây và lúc này, ngay cả đó là một tình huống khó khăn. Sự tập trung để sống hay để làm cho tình huống trở nên dễ sống hơn khiến mình không còn đầu óc để nghĩ đến điều gì có thể ảnh hưởng sai lầm lên cảm xúc nữa. Trái với những suy nghĩ có ý thức, những suy nghĩ bộc phát thường là những suy diễn được xung năng dẫn dắt và mình không làm chủ được. Sau một sự căng thẳng hay xung đột trong tương quan, những suy diễn như thế về người khác không những vô bổ mà còn tai hại vì chỉ dựa trên kinh nghiệm sống và sự hiểu biết giới hạn của mình nên không bao giờ là đúng. Do đó, chúng sẽ gây ra những cảm xúc vô căn cứ làm mình đau khổ thực sự, dẫn đến mệt mỏi và sau đó có thể là trầm cảm, hoặc những căng thẳng hay xung đột khác làm cho tương quan của mình với họ bị xấu đi hay đổ vỡ.
Vậy, để không bị đau khổ một cách vô lý vì những vấn đề do mình nghĩ ra và không có thật, tôi sẽ sống giây phút hiện tại và không lấy mình làm tiêu chuẩn để xét đoán người khác. Tôi sẽ tôn trọng họ, để cho họ sống như họ là chính họ và không bắt họ phải sống như tôi muốn, dù cho tôi có bổn phận hay trách nhiệm đối với họ. Như thế, tôi sẽ không bao giờ bị tổn thương, ý thức rằng người khác có cách biểu lộ tâm tư tình cảm mà chắc chắn phải khác với cách của tôi, và khi đã xem nhau như người thân hay bằng hữu, chẳng ai lại cố tình làm tổn thương người đối diện bao giờ.
Bài 97 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.