LTD Bài 92. “Kỳ lắm!”

by snHuyenBang
  1. “Kỳ lắm!”

Tôi được lớn lên với giáo dục là nên hoặc không nên nói hay làm điều gì đó, nếu không sẽ “kỳ lắm”. Với quan niệm như thế, trước mắt mọi người, và nhất là trước mắt tôi, tôi là một người sống rất mẫu mực và chẳng ai chê trách được điều gì. Tôi cứ ngỡ rằng tôi được như thế là nhờ gia đình tôi có truyền thống công giáo lâu đời và giữ đạo rất nghiêm chỉnh. Khi bắt đầu có tương quan sâu đậm hơn với Chúa, tôi nhận ra rằng cách hành xử như thế hoàn toàn đi ngược lại với điều duy nhất mà Chúa Giêsu đã xuống thế để dạy con người, đó là sống yêu thương.

Thật vậy, yêu thương ở đâu khi lời nói và việc làm của tôi chỉ tùy thuộc vào cách đánh giá của người khác? Khi tôi nói hay không nói, làm hay không làm chỉ vì “kỳ lắm” dưới mắt những người xung quanh? Tôi khám phá ra cả một nền giáo dục tôi nhận được trong văn hóa Á Đông hóa ra chỉ dạy tôi sống cho “đẹp mặt”, để “nở mày nở mặt” với người ta và không phải “mất mặt” mình. Với phong cách sống ngoài mặt như thế, tương quan của tôi rất tốt đẹp với mọi người, nhưng cũng chỉ ở mức xã giao khách sáo chứ tôi chẳng có được một tương quan thân thiết với ai. Cách giáo dục này cũng trở thành khuôn mẫu trong tất cả các lãnh vực trong đời sống, kể cả tôn giáo. Vì vậy, tôi sẵn sàng tỏ ra mình là một con chiên ngoan đạo bằng cách đi xem lễ, đọc kinh và giữ luật Chúa cùng luật Hội Thánh, và tôi an tâm là mình đã sống vuông tròn mọi mặt.

Xét cho cùng thì cả xã hội tôi từ ngàn xưa và gia đình tôi từ tổ tiên ông bà cha mẹ luôn sống như thế và xem ra vẫn tốt đẹp yên ổn chứ có vấn đề gì đâu? Vâng, nhưng họ không sống tự do như Chúa muốn cho con cái Người. Tự do sao được khi bị sống dưới áp lực của những con mắt người khác và lệ thuộc vào tiếng khen chê của họ? Tự do sao được khi chỉ sống để làm vừa lòng hay đẹp lòng người khác và sợ mất lòng họ? Tự do sao được khi nói gì thì cũng phải “rào trước đón sau” hoặc làm gì thì cũng phải “giữ ý giữ tứ” không thôi sẽ bị trách móc chê bai? Được dạy như thế từ nhỏ làm sao người Á Đông không “khéo léo” trong lời ăn tiếng nói và cách đối xử cho được? Nhưng dưới bề mặt gần như hoàn hảo ấy không biết có bao nhiêu là uất ức đau khổ từ phía người dưới, nhất là người nữ trong gia đình, và tức giận cùng đối xử bất công từ phía người trên. Dưới bề ngoài lịch lãm ấy, cũng có biết bao nhiêu là gian dối, giả hình và tội lỗi được giấu kín, tất cả chỉ để giữ thể diện gia phong.

Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khi dạy họ sống yêu thương trong sự thật và sự thật trong yêu thương. Thánh Âugustinô đã đúc kết lời giảng dạy ấy trong câu: “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Giờ đây tôi sống với con người thật của mình và không còn phải mang mặt nạ với ai nữa. Nhờ vậy có nhiều người đến được với tôi một cách chân thành và tôi có được những mối tương quan chân thật và sâu xa với họ làm đời tôi được thêm tươi vui và phong phú. Nếu đôi khi tôi có vụng về trong lời nói và hành động rồi gây ra hiểu lầm thì xung đột cũng mau được giải quyết. Vì chẳng ai lại đi chấp một lời nói hay hành động khi nhận ra nó xuất phát từ lòng yêu thương chân chính, cho dù nó không được như họ mong muốn. Và cũng chẳng biết từ bao giờ hai chữ “kỳ lắm” đã biến mất khỏi từ vựng của tôi.

 

Bài 92 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose