- Khiêm tốn
Dần dần, tôi nghiệm ra rằng khiêm tốn không chỉ là một nhân đức lớn bên cạnh các nhân đức khác, nhưng là nhân đức căn bản phải có để sống hạnh phúc, như Chúa mong muốn cho con cái Người. Chẳng phải Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta học từ Người duy nhất hai nhân đức gắn liền chặt chẽ với nhau là: hiền lành và khiêm nhường, sao? Tôi cũng hiểu khiêm tốn chỉ đơn giản là nhận biết mình trong sự thật (một việc mà chúng ta chỉ có thể làm được trong cầu nguyện dưới ánh sáng của Chúa Thánh Thần), để từ đó mình mới có một thái độ đúng đắn trong tương quan, nghĩa là trong cuộc sống, vốn chủ yếu là một sự đan kết tương quan.
Sau khi nhận biết mình trong sự thật, mình sẽ không còn lầm tưởng hay ảo tưởng về bản thân nữa. Lúc đó, mình sẽ thấy ra mình khốn cùng như thế nào: mỏng giòn, bất trung, bất lực v.v. Mình sẽ không còn dám lớn tiếng lên mặt dạy đời ai nữa, nhưng thông cảm với những yếu đuối của họ, vì mình thế nào họ là thế ấy, chẳng ai hơn ai, cũng khốn cùng như nhau, mỗi người theo cách riêng của mình. May mắn thay, chúng ta không bị té ngã cùng một lúc, nên bên cạnh một người vấp ngã luôn có một người khác mạnh khỏe hơn để chạy đến vực dậy, nâng đỡ, an ủi.
Để giúp ai, người khiêm tốn biết giới hạn của mình nên không bao giờ áp đặt ý của mình lên ai, vì điều tốt cho người này chưa hẳn là tốt cho người kia, ví dụ, không phải điều gì tốt cho người lớn cũng là tốt cho trẻ em. Ngoài ra, điều tốt mà mình muốn làm cho ai nhưng nếu mình không biết rõ họ, thì điều tốt đó có thể không đạt được kết quả tốt như mình nghĩ. Chẳng hạn, mình đem tặng thịt bò sống đông lạnh cho một người đang cần tẩm bổ nhưng không thích nấu ăn. Rồi khi thấy tảng thịt bò cứ nằm y nguyên trong tủ đông của họ, mình cảm thấy bị tổn thương vì nghĩ rằng họ chê thịt mình cho. Những xung đột thường hay bắt đầu xảy ra như thế. Mình không biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và gán cho họ những ý tưởng của mình, rồi trách móc hoặc giận họ vì lối hành xử xấu xa mà mình tưởng tượng ra cho họ.
Biết rằng ý kiến của mình cũng chỉ đến từ cái nhìn hạn hẹp và chủ quan của mình, người khiêm tốn luôn biết mở lòng lắng nghe người khác, do đó họ học hỏi được thêm nhiều kinh nghiệm từ người khác và trở nên phong phú hơn. Người khiêm tốn cũng dễ dàng chấp nhận những khác biệt của người khác và không cảm thấy bị tổn thương khi ý kiến của mình bị chống đối hay bác bỏ, vì vậy người khiêm tốn sống cởi mở và hòa hợp với mọi người, làm cho cuộc sống của chính mình và của người khác được dễ chịu. Và nhất là, biết rõ khả năng giới hạn của mình, thay vì cậy dựa nơi mình, người khiêm tốn trông cậy vào Chúa, nên Chúa Thánh Thần cũng dễ hoạt động trong họ hơn, và lúc đó, đi cùng với Chúa, họ sẽ làm được những chuyện không tưởng, như Đavít chiến thắng Gôliát vậy, và có thể nói là khả năng của họ trở nên vô hạn.
Tóm lại, nhận ra sự khốn cùng của mình là cánh cửa mở ra hạnh phúc. Vì lúc đó, mình chỉ còn sống nhờ lòng thương xót của Chúa, và lòng thương xót của Chúa thì êm ái vô biên.
Bài 87 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.