- Tự do
Một cách bộc phát, tự do thường được hiểu như là khả năng được làm những gì mình thích. Nhưng nếu hiểu như vậy, mà những gì mình thích lại gây hại cho chính mình hay cho người khác, thì tự do lúc đó có phải là một giá trị hay không? Vậy, mình chỉ thật sự tự do khi mình được làm, và làm được, những điều thiện, chứ không phải là bất cứ điều gì mình thích. Nhưng cái tự do để làm được điều thiện mà mình muốn này không phải dễ, vì chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã cảm thấy như thánh Phaolô: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,19).
Chúng ta chỉ có thể nói đến tự do khi chúng ta có khả năng lựa chọn. Và khả năng lựa chọn càng nhiều thì chúng ta càng có điều kiện để được tự do. Tiến trình giáo dục nhằm chuẩn bị cho chúng ta biết được nhiều thực tại mà chúng ta không thể tự mình biết và trải nghiệm được. Và càng hình dung được nhiều khả năng thì chúng ta càng chọn lựa được nhiều cách ứng xử khác nhau. Ngoài ra, cởi mở để tiếp xúc với nhiều người cũng giúp chúng ta trải nghiệm nhiều tình huống khác nhau, nên nếu chúng ta khép kín và không chấp nhận khác biệt thì khả năng lựa chọn của chúng ta cũng bị giới hạn.
Tuy nhiên, nếu chúng ta có những điều kiện này mà lại không được hướng dẫn để có một lương tâm ngay thẳng thì chưa chắc chúng ta sẽ lựa chọn điều thiện. Ngày nay, vấn đề càng trở nên nguy kịch, vì chúng ta có quá nhiều lựa chọn trong mọi lĩnh vực: chúng ta chỉ cần một cú nhấp chuột là có thể tha hồ lựa chọn đủ loại hàng tiêu dùng với số lượng khổng lồ (chúng ta hãy thử liếc mắt qua các quầy hàng siêu thị, các kho hàng hóa của Amazon hoặc trang web của một công ty du lịch thì sẽ thấy ngay). Quá nhiều lựa chọn như thế sẽ cho chúng ta ảo tưởng là mình có rất nhiều tự do. Một sai lầm lớn của xã hội chúng ta là gia tăng số lượng hàng hóa và dịch vụ có thể lựa chọn, nhưng lại không gia tăng ánh sáng thiêng liêng giúp chúng ta lựa chọn với một lương tâm ngay thẳng. Quả thật, quá nhiều lựa chọn, nhưng lại không có lương tâm ngay thẳng, sẽ giết chết tự do.
Lương tâm muốn ngay thẳng thì chỉ có thể dựa trên sự thật, nhưng tìm đâu ra sự thật nếu không tìm ở ngay chính Đấng “là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14,6). Vả lại Đấng ấy đã tuyên bố: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32). Và sự thật giải thoát chúng ta đó là Thiên Chúa yêu thương con người nên đã ban Con Một của mình để cứu con người khỏi án phạt đời đời và đưa con người đến hạnh phúc trường sinh. Và Tin Mừng diễn tả trong chi tiết tình yêu đi đến thí mạng sống của Chúa Con, qua việc làm và lời nói, cũng như qua Sự Khổ Nạn và Phục Sinh của Người. Do đó, nếu tự do không phục vụ cho sự thật và tình yêu thì không phải là tự do đích thật.
Chỉ có ở trong Chúa thì chúng ta mới đạt được đến sự tự do đích thật, vì: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Cầu nguyện chính là điều kiện để chúng ta ở lại trong Chúa luôn, ngõ hầu Chúa Thánh Thần đơm hoa kết tráỉ trong đời sống chúng ta. Và tự do của con cái Chúa chính là khả năng vâng nghe Chúa Thánh Thần để những gì chúng ta làm và nói đều do Người tác động. Chúa Thánh Thần lại được ví như gió, mà gió thì rất tự do, Người muốn thối đâu thì thổi.
Bài 86 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.