- Cái tôi
Người có cái tôi lớn không bao giờ biết đến bình an trong lòng vì sống triền miên trong bực dọc tức tối. Do đó, cũng chính sự bực tức cho chúng ta biết cái tôi trong chúng ta như thế nào. Người càng sống thanh thản thì chứng tỏ họ có cái tôi càng bé, và ngược lại, người hay bực tức là người còn có cái tôi lớn lắm.
Cái tôi luôn muốn được chỗ nhất trong mọi sự, nhưng ai cũng có kinh nghiệm, với cố gắng mình chỉ được hơn chứ không bao giờ được nhất, hay nếu có lúc được nhất thì cũng có lúc hết được nhất mà lúc đó còn làm cho mình tức tối hơn. Không được chỗ nhất thì lòng luôn luôn ghen tức và để mong đạt được chỗ nhất thì mình phải vận dụng hết năng lực và vì thế tự gây áp lực cho mình và luôn trong trạng thái căng thẳng. Nhưng sau bao nhiêu nỗ lực cuối cùng vẫn không đạt được chỗ nhất nên lại càng bực tức hơn.
Người có cái tôi lớn cũng có nghĩa là có lòng tự ái lớn, vì vậy luôn cảm thấy bị đụng chạm, chỉ cần nghe ai nói gì không vừa ý một chút là nghĩ người ta khinh thường mình, không tôn trọng mình, lại đâm ra bực bội tức tối vì thấy giá trị con người mình bị giảm thiểu. Tự ái cũng dễ biến chúng ta trở nên mù quáng và có những suy nghĩ rất chủ quan mà mình ngoan cố cho là đúng và coi đó là chân lý, nên mình sẽ tức tối khi bị ai phản bác và hung hăng cãi cho bằng được. Nhiều khi cũng vì tự ái nên sợ mất mặt mà mình muốn bảo vệ ý kiến của mình cho đến cùng, nhưng vì không có lý lẽ vững chắc, nên cuối cùng ý kiến của mình không được chấp nhận, mình cũng đâm ra tức tối. Người tự ái cũng hay đa nghi nên tự suy diễn, rồi chuyện nhỏ xé ra to và thấy mình là nạn nhân của người khác, chua xót cho thân phận mình, rồi tức tối quay lại chỉ trích, sỉ vả, nghi oan cho người khác, mà cứ chắc như đinh đóng cột là mình nắm giữ sự thật.
Cái tôi cũng luôn muốn mọi sự phải xảy ra đúng theo ý nó. Nhưng vì bản thân mình có giới hạn, lại không làm chủ hay kiểm soát được những gì xảy ra trong tương quan với người khác và với môi trường chung quanh, nên mình thường xuyên gặp chuyện không vừa ý khiến mình bực bội. Có cái tôi lớn thì nhất thiết phải ích kỷ, chỉ lo nghĩ đến mình và vun xới cho mình, đặt quyền lợi của mình trên quyền lợi người khác. Vì vậy luôn phải tranh giành, bon chen nên sống căng thẳng. Vậy mà vẫn bị thua kém, thua thiệt, hay mất quyền lợi, thì làm sao không tức cho được? Cái tôi tự mãn cũng luôn lấy mình làm chuẩn mực để xét đoán, rồi bực tức vì thấy người khác không hành xử theo chuẩn mực của mình.
Cái tôi luôn đi theo sát mình và luôn gây bực dọc cho mình như thế đó, nên chỉ cần dẹp bỏ được nó thì kể như mình không còn gặp vấn đề gì nữa và sẽ sống bình an hạnh phúc. Nhưng ai cũng biết vấn đề dẹp bỏ cái tôi là rất khó, nếu không muốn nói là không thể làm được, vì vậy cũng chẳng lạ gì khi thấy có mấy người sống thực sự an nhiên, hạnh phúc. Vậy mà, khi tạo dựng nên con người, Thiên Chúa chỉ muốn con người được hạnh phúc giống Người. Do đó, khi thấy con người đã lầm đường khi đi tìm hạnh phúc, Thiên Chúa đã phải gửi Con của mình xuống trần gian để chỉ cho con người con đường phải đi. Đó là con đường ngược hẳn với con đường thế gian đề ra để đạt tới hạnh phúc là phải có quyền cao chức trọng, tiền tài, tiếng tăm, hưởng thụ, được phục vụ, v.v. Còn con đường hạnh phúc Chúa đã sống để làm gương cho chúng ta noi theo là phải biết tự hạ, hy sinh, yêu thương và phục vụ. Và đúng là đi theo con đường này thì cái tôi bị dẹp bỏ hoàn toàn.
Vì vậy Chúa cũng biết rằng tự mình con người không thể theo nổi con đường này, nên Người đã gửi Chúa Thánh Thần đến trợ giúp chúng ta; ngoài ra, Người cũng ban cho chúng ta Giáo Hội. Tuy Giáo Hội chỉ do những con người yếu đuối, tội lỗi hợp thành nhưng nếu biết liên kết với nhau làm một cũng tạo ra sức mạnh để thay phiên nâng đỡ nhau. Chỉ khi nào con người đi theo con đường Chúa chỉ ra, thì dần dần cái tôi mới nhỏ đi và con người mới mong đạt được hạnh phúc, có nghĩa là được cứu độ.
Bài 85 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.