LTD Bài 8. Dụ ngôn cây vả

by snHuyenBang

8. Dụ ngôn cây vả

Đoạn Tin Mừng thánh Luca 13,6-9 nói về dụ ngôn cây vả đã ba năm không sinh trái mà chủ vườn đòi chặt đi, nhưng người làm vườn xin cho nó sống thêm một năm nữa để chăm bón may ra nó sẽ sinh trái. Phải chăng hình ảnh cây vả kia là hình ảnh của đa số chúng ta, những người “giữ đạo” nghiêm túc, đi nhà thờ, đọc kinh đúng luật, không làm hại ai, và nếu có kêu gọi đóng góp cho nhà thờ hay cho người nghèo thì luôn hưởng ứng? Và chúng ta cho thế là đủ và an tâm sống, như cây vả tuy không trái nhưng cành lá xum xuê tươi tốt, như tất cả những người không biết Chúa và sống ngay lành. Vậy xem ra có Chúa trong cuộc đời hay không cũng không làm thêm khác biệt gì, nên công cứu chuộc của Chúa Con cũng là vô ích? Trong khi Chúa Giêsu đã tuyên bố Người đến để cho chúng ta được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10), như Người đã làm gương, nghĩa là yêu thương, phục vụ, cho đi và nhất là cho đi chính mình.

Ở đoạn văn này trong Tin Mừng thánh Gioan, Chúa Giêsu ví mình như người chăn chiên và chúng ta là con chiên, còn ở đoạn Tin Mừng thánh Luca nói trên, Người lại ví mình như người làm vườn và chúng ta là cây vả. Con chiên và cây vả không tự mình làm gì để lớn mạnh, chỉ hoàn toàn nhờ cậy vào sự chăm sóc của người chăn chiên và người làm vườn. Do đó, nếu chúng ta muốn là cây vả sinh trái tốt, chúng ta chỉ có mỗi một việc là thụ động để cho Chúa Giêsu thi hành nhiệm vụ của người làm vườn trên chúng ta. Nhưng thường chúng ta cứ muốn chủ động, tự mình xoay sở cho cuộc sống của mình và gia đình mình, vì chúng ta từng có kinh nghiệm là sau khi cầu xin Chúa điều này điều kia, chúng ta không thấy Chúa làm gì cho chúng ta cả. Chúa Giêsu đã nói trong Mt 7,9-11: “Có người nào trong anh em, khi con mình xin cái bánh, mà lại cho nó hòn đá? Hoặc nó xin con cá, mà lại cho nó con rắn? Vậy nếu anh em vốn là những kẻ xấu mà còn biết cho con cái mình những của tốt lành, phương chi Cha anh em, Đấng ngự trên trời, lại không ban những của tốt lành cho những kẻ kêu xin Người sao?” Chúa là Đấng vô hình nên những gì Người thực hiện cho chúng ta cũng là vô hình, mà nếu chúng ta không có con mắt đức tin thì sẽ không bao giờ thấy, nhất là, vì sống quen với cách nhìn của thế gian, chúng ta chỉ trông mong được hưởng những thứ người đời trọng vọng. Ngoài ra, Chúa luôn hành động một cách âm thầm kín đáo, có thể kéo dài cả một đời người, nhưng có thấm gì đâu nếu chúng ta đạt được sự sống đời đời? Nên chúng ta cũng đừng nản lòng khi không thấy mình được biến đổi ngay, có khi càng ngày càng tệ hơn. Chúng ta không tệ hơn gì hết, chỉ là thấy rõ mình hơn trong Chúa thôi.

Thời gian ở lại với Chúa trong cầu nguyện chính là thời gian để Người chăm bón, cắt tỉa, uốn nắn, trừ sâu cho chúng ta; về phía mình, chúng ta chỉ cần làm một hành vi đức tin là đặt mình trong sự hiện diện của Chúa trong thinh lặng, đóng kín các “cửa sổ” là ngũ quan lại để vào “phòng” là lòng chúng ta để gặp Chúa. Chúa là Đấng có sáng kiến kêu gọi chúng ta ở lại trong Người, nên Người sẽ chủ động làm việc trong tâm hồn chúng ta, dù chúng ta có mệt mỏi, buồn ngủ hay chia trí trong thân xác. Chính Người sẽ ban ơn cho chúng ta theo tính cách riêng của từng đứa con để chúng ta gặp gỡ Người và được Người biến đổi hầu trổ sinh hoa trái. Chúng ta không thể đạt được điều này bằng nỗ lực của riêng mình, nên chúng ta không cần phải theo một phương pháp nào để đến với Cha mình, chúng ta cứ sống như trẻ nhỏ trước mặt Người thôi. (Có bao giờ trước khi gặp cha mình, chúng ta phải hít thở thật sâu hay phải dùng đến phương pháp này kia không?) Rồi những gì chúng ta vẫn cho là khó khăn trong cầu nguyện, như chia trí chẳng hạn, sẽ trở nên như những tiếng bí ba bí bô, mà người cha ưa thích nghe khi ở bên con, tuy đó là những âm thanh vô nghĩa. Và nếu con có ngủ thiếp đi thì cha nhẹ nhàng bồng lên và ôm con ngủ trong tay mình. Chỉ cần mỗi lần ý thức mình đang đi xa khỏi Chúa trong cầu nguyện, chúng ta lại hướng lòng và ngước mắt nhìn lên Người, như đứa con nhỏ chơi đùa dưới sự canh chừng của cha mình, thỉnh thoảng nhớ đến cha và quay lại kêu: “Cha ơi!” hay cười với cha, như thế cũng đủ làm cha hạnh phúc rồi.

Chúa Giêsu đã xin Chúa Cha cho Người một thời hạn để chăm sóc từng người chúng ta hầu chúng ta trổ sinh hoa trái. Nếu chúng ta không muốn bị chặt bỏ sau thời hạn đó, chúng ta phải dành thời gian để đến với Người, ngõ hầu Người có thể chăm sóc mà cứu chúng ta, chính vì lý do ấy mà Người đã nhập thế và nhập thể. Tuy nhiên, Người cần đến sự hợp tác thụ động nhưng tự do của chúng ta thì mới thực hiện được sứ vụ này. Chúng ta biết chúng ta không tự cứu được mình nên nếu chúng ta không ở lại để Người chăm sóc, và vì vậy sau này chúng ta có bị chặt bỏ, thì chúng ta biết rằng đó là hoàn toàn do lỗi của mình thôi.

Bài 8 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan