LTD Bài 79. Đức ái đích thật

by snHuyenBang
  1. Đức ái đích thật

Đôi khi chúng ta nghĩ là Chúa hẳn phải hài lòng về mình, vì mình đã sống đức ái như Chúa dạy: mình rất dè xẻn đối với bản thân, nhưng lại dâng cúng một cách rất quảng đại cho Giáo Hội và cho những cơ quan từ thiện. Nhưng chúng ta có thể biết chúng ta có thật sự yêu thương tha nhân hay không khi chúng ta có thấy mình luôn hành xử như vậy mọi nơi mọi lúc và với mọi người hay không.

Chúng ta có thể sốt sắng và rộng rãi giúp Giáo Hội hay những hội từ thiện, nhưng lại rất dửng dưng và keo kiệt đối với người thân trong nhà. Một đàng sẽ cho mình cái cảm giác là mình rộng lượng còn một đàng là không. Đúng vậy, mình có làm gì trong nhà thì mọi người cũng chẳng để ý gì đến, coi đó như là bổn phận đương nhiên phải thi hành với người thân, nên mình cũng chẳng nhận được sự biết ơn nào. Còn nếu mình làm cho người ngoài thì lại nhận được sự biết ơn của người ta và qua đó mình mới cảm thấy thỏa mãn (và cả tự mãn nữa!). Do đó, nếu chúng ta thấy mình không sẵn lòng giúp một người khi trước đã được mình giúp đỡ mà không tỏ vẻ biết ơn và chúng ta “ghim trong bụng”, thì chúng ta có thể đặt nghi vấn về lòng tốt thật sự của mình. Vì có thể đó chỉ là lòng yêu thương chính mình mà thôi, ví dụ mình làm những hành vi tốt lành để được người khác nghĩ mình là người đạo đức và ca ngợi mình (mặc dầu thường là mình không ý thức được lòng mong muốn này của mình), hoặc cũng chẳng cần để được ca ngợi nhưng để chính mình có cái cảm giác là mình đạo đức và rất hài lòng về con người mình.

Chúng ta cũng có thể nhận biết được sự “đạo đức tốt lành” của mình có xuất phát từ lòng yêu thương người khác thật sự không khi thấy mình có uyển chuyển theo những tình huống trong cuộc sống hay không. Nếu chúng ta cứ khư khư phải giữ những thói quen hoặc những nguyên tắc mà mình cho là tốt lành (ví dụ đến giờ tôi phải đi nhà thờ thì không có chuyện gì làm tôi “bỏ lễ” được, hoặc tôi là người “đạo đức” nên không thể nào bắt tay, nói chuyện với “hạng người” như thế, v.v.), mà không cần biết là cách hành xử của tôi có ảnh hưởng đến người khác hay không, thì chúng ta cũng có thể đặt lại vấn đề về sự “đạo đức” của mình. Như vậy là có thể chúng ta chỉ muốn bảo vệ được những nguyên tắc mà chúng ta cho là tốt lành trên hết mọi sự, vì chúng ta sợ rằng nếu mình không làm đúng theo những nguyên tắc đó thì mình sẽ không được nhìn nhận, dưới mắt của chính mình và nhất là dưới mắt của người khác, là con người tốt lành nữa. Nên miễn là mình làm được phần của mình (ví dụ, miễn là mình làm được tròn bổn phận phải đi “xem lễ” ngày hôm nay của mình), còn người ta đang có chuyện cần phải nhờ đến mình ngay lúc đó thì cũng kệ, ai muốn ra sao thì ra. Vì nếu mình “giây vào”, mình có thể bị người khác nghĩ xấu về mình hoặc mình “mất điểm” để vào Nước Trời.

Người nguyên tắc sẽ rất cứng ngắc và là mẫu người trông có vẻ “đạo đức” thật đấy, nhưng lại làm người khác “kính sợ” và muốn xa lánh hơn là gần gũi. Chỉ có người “bất cần” nguyên tắc mà luôn sống theo con tim, không có cái nhìn khe khắt, luôn tỏ lòng thông cảm thì tự khắc sẽ thu hút mọi người đến với mình. Thánh Phaolô đã chẳng từng nói: yêu thương thì hơn lề luật là gì (Rm 13,10)? Nhà văn Oscar Wilde cũng đã nói: “Tôi thích những người có nguyên tắc, và hơn hết mọi sự trên đời, tôi thích những người vô nguyên tắc”. Người sống vô nguyên tắc nhất chính là Đức Giêsu Kitô. Người đã bất chấp các lề luật Do Thái để cứu chữa những bệnh nhân trong ngày Sabbat. Người cũng đã “giao du” với hạng người mà xã hội thời đó khinh miệt hoặc coi là tội lỗi như người ngoại, thu thuế, đĩ điếm, v.v. nên Người mới bị những người tự cho mình là đạo đức và giữ luật chặt chẽ là ký lục và Pha-ri-siêu ghen ghét và tìm cách tiêu diệt. Khi đức ái đòi hỏi, Đức Giêsu đã không sợ dư luận đàm tiếu hoặc sợ lụy vào thân dù có thể hy sinh tính mạng, đức ái của chúng ta chỉ có thể là đích thật khi chúng ta noi theo gương Người.

 

Bài 79 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan