LTD Bài 78. Tự trọng và tự ái

by snHuyenBang
  1. Tự trọng và tự ái

Chúng ta thường lẫn lộn tự trọng với tự ái, nên, nhân danh lòng tự trọng, chúng ta khó tha thứ cho người không tôn trọng mình và do đó làm mình bị tổn thương. Nhưng tự trọng có nghĩa là tự mình tôn trọng mình, vậy lòng tự trọng chẳng có liên quan gì đến sự tôn trọng của người khác đối với mình cả. Sự khác biệt căn bản giữa tự trọng và tự ái có thể được diễn tả như sau: người có lòng tự trọng buộc mình phải tôn trọng mình (bằng cách sống xứng đáng với phẩm giá của mình) và không cho phép mình làm điều gì xúc phạm đến người khác; ngược lại, người có lòng tự ái buộc người khác phải tôn trọng mình và không cho phép họ làm điều gì xúc phạm đến mình.

Chúng ta đều biết rõ mình chỉ điều khiển được mình và không thể ngăn cấm người khác xúc phạm đến mình. Nên khi bị xúc phạm, người tự trọng đích thực sẽ không để mình bị tổn thương rồi hạ thấp nhân cách mà trả đũa lại. Người ta vẫn tưởng nếu mình không phản kháng khi bị xúc phạm là mình không có lòng tự trọng, hoặc không biết bảo vệ nó, như thế, nó sẽ bị tổn thương, và thậm chí mất đi nữa. Không, chính như vậy chúng ta mới giữ nguyên vẹn và ngay cả củng cố thêm lòng tự trọng của mình. Nó chỉ bị mất khi chúng ta để tự ái nổi lên khiến chúng ta cảm thấy bị tổn thương và xúc phạm lại người kia để trả thù. Vì vậy, tự ái là điều phản Kitô giáo nhất. Nó là kết tinh của sự kiêu ngạo và kéo theo hậu quả là tàn phá chính mình và cả người khác nữa.

Khi đến cứu chúng ta, thật ra Đức Kitô chỉ ra cho chúng ta con đường tự cứu lấy mình bằng cách noi theo gương Người. Trong Đức Kitô không hề có tự ái, Người đã muốn tự hủy mình ra không, khi từ bỏ địa vị Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người. Còn hơn thế nữa, Người là Đấng vô tội nhưng đã bị người ta lên án và đem đi giết như một tội nhân hèn hạ nhất bằng cách treo trên cây thập giá. Có thể nào nói Đức Kitô không có lòng tự trọng nên bị sỉ nhục mà không phản kháng lại chăng? Không, trái lại, qua đó, Người đã tỏ cho con người thấy được rõ nhất đâu là bản chất đích thực của Thiên Chúa: yêu thương và tha thứ. Vậy, là người Kitô hữu, nếu chúng ta có lòng tự trọng thật sự, nghĩa là muốn sống xứng đáng với phẩm giá làm con cái Chúa, chúng ta phải biết yêu thương và tha thứ, cho cả mình lẫn người khác, như chúng ta cũng nhận được lòng yêu thương và tha thứ của Thiên Chúa. Đây chính là con đường cứu độ cho mọi người chúng ta.

 

Bài 78 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan