LTD Bài 71. Điên như Chúa

by snHuyenBang
  1. Điên như Chúa

Từ ngàn đời, con người đã không thể dùng sự khôn ngoan của mình để thoát được đau khổ và đạt đến hạnh phúc. Đức Giêsu đã đến để cứu con người, nghĩa là Người đã đến để đề nghị một lối thoát cho con người hầu họ được hạnh phúc. Chắc hẳn Người cũng dùng đến khôn ngoan để đạt được mục đích này vì Người đã khuyên nhủ chúng ta: “Hãy khôn ngoan như con rắn” (Mt 10,16).

Nhưng chắc chắn cái khôn ngoan mà Đức Giêsu nói đến phải khác với cái khôn ngoan mà người đời vẫn áp dụng, như thánh Phaolô đã chỉ rõ: “Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan của đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa” (1Cr 3,18-19). Còn thánh Phêrô, sau khi can ngăn Đức Giêsu đừng lên Giêrusalem chịu chết, thì đã bị Chúa nói thẳng vào mặt: “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy. Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người” (Mt 16, 23). Thật vậy, cái khôn ngoan theo con người là cái khôn ngoan của những người chỉ biết đến đời này, và hạnh phúc đối với họ chỉ là bản thân mình được một cuộc sống mạnh khỏe, yên ổn, sung túc, được mọi người vị nể và những thứ tương tự. Trong khi cái khôn ngoan theo Thiên Chúa lại nhắm đến không chỉ hạnh phúc tại thế mà cả hạnh phúc vĩnh cửu ở đời sau nữa. Để được thế, Đức Giêsu đã chỉ cho chúng ta điều ngược lại là quên đi bản thân để phục vụ anh chị em mình nhằm đem lại cho họ một cuộc sống xứng đáng với phẩm giá, từ vật chất đến tinh thần, hầu họ được hạnh phúc.

Đức Giêsu đã dạy và làm gương cho chúng ta về lối sống quên mình và hiến mình này. Thật vậy, khi chưa ai biết là Người sẽ chịu đau khổ và chịu chết vì con người, một hành động “điên rồ” mà trước đó không người nào tưởng tượng nổi, đời sống công khai của Người cũng chỉ là những chuỗi ngày vất vả để giảng dạy và chữa bệnh cho dân chúng đến độ “không sao ăn uống được”, và chỉ mới như thế thôi mà thân nhân của Người đã cho Người là “mất trí” rồi (x. Mc 3,20-21). Đã có nhiều Kitô hữu đạt đến sự khôn ngoan này của Thiên Chúa và chắc hẳn những người thân của họ, vì yêu thương họ, cũng đã từng cho họ là “điên”. Vài gương mặt lớn gần với chúng ta nhất là: Thánh Maximilien Kolbe, đã xin chết thay cho một người đàn ông khác để ông này được về với vợ con mình; Thánh nữ Têrêsa Calcutta, đã bỏ quê hương châu Âu để đến lo cho những người nghèo khổ nhất ở Ấn Độ được chết xứng đáng với nhân phẩm; Đức Cha Jean Cassaigne, cũng đã rời xa người thân để đến sống với những người dân tộc thiểu số bị bệnh phong tại Việt Nam.

Vậy, là Kitô hữu, nếu chúng ta có làm gì để người khác nói mình là “điên” thì chúng ta hãy tự hào và đừng nản lòng để tiếp tục “điên” như thế. Vì, xét cho cùng, phải chăng chính người “điên” mới đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu nhất và vì vậy cũng làm chứng cho Chúa nhiều nhất? Và phải chăng Giáo Hội của chúng ta cũng đang cần thêm người “điên” và bớt người “khôn ngoan” để mặt địa cầu được đổi mới và Nước Cha trị đến, như chúng ta vẫn cầu xin hằng ngày?

 

Bài 71 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose