- Thiên Chúa và tiền của
Khi nói: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13), Đức Giêsu cảnh cáo chúng ta về mối nguy hiểm to lớn nhất đối với con người là tiền của hay nói chung là quyền lợi vật chất, đến nỗi Người đã đặt nó ngang hàng với Thiên Chúa. Quả thật, mọi vấn đề xảy ra giữa con người cũng chỉ là vì coi trọng tiền của hơn là tương quan tình nghĩa. Vì khi con người đã biến tiền của thành mục đích thay vì dùng nó làm phương tiện, biến nó thành chúa thành chủ của mình thay vì xem nó là tôi là tớ của mình, lúc đó, người khác cũng có thể được họ dùng như phương tiện để đạt được mục đích của mình, thì còn gì là tình nghĩa nữa?
Để làm chúng ta xa rời Chúa, đất dụng võ tốt nhất của ma quỷ là tiền của và quyền lực. Nếu chúng ta không đủ cảnh giác trong hai lãnh vực này thì sẽ rơi vào bẫy của ma quỷ ngay, vì ma quỷ không thiếu những lập luận để dụ dỗ chúng ta. Chúng ta thấy rõ nơi nào không có tiền và quyền thì sống rất yên ổn và chan hòa yêu thương, tuy có thể hơi chật vật. Mọi người đều chung tay xây đắp với nhau, ai đóng góp làm được gì thì làm cách vô tư, vì chẳng trông mong lợi lộc gì. Nhưng khi bắt đầu có chút tiền, đương nhiên là phải có người đứng ra quản lý và như thế sẽ có quyền hơn người khác, thế là sinh ra tranh giành, phe phái, đố kỵ và mầm mống chia rẽ nảy sinh từ đó. Nếu tiền có thể sinh ra quyền, thì quyền cũng có thể sinh ra tiền, và nếu mình nghĩ, hoặc nhất là mình đã có kinh nghiệm rằng một trong hai thứ này có thể đem lại lợi lộc cho mình thì mình dễ cậy dựa vào chúng hơn là vào Chúa.
Trong Tin Mừng, biết bao lần Đức Giêsu đã cảnh giác chúng ta trước vấn đề tiền bạc: Người khuyên bảo chúng ta hãy dùng tiền bạc là của hư nát để mua lấy Nước Trời (x. Lc 16,9). Người chỉ ra cho chúng ta thấy tiền bạc là điều duy nhất cản trở chúng ta vào Nước Trời, qua câu chuyện của người thanh niên giàu có với đời sống tốt lành (x. Mt 19,21-22) và qua câu ví von liền sau đó: “Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào Nước Trời” (Mt 19,24). Người nhắn nhủ chúng ta phải trung tín trong việc quản lý của cải bất chính trên trần gian để được giao cho việc quản lý của cải chân thật trên Trời (x. Lc 16,11), v.v. Nếu Trái Đất này là quê hương vĩnh viễn của chúng ta, thì còn giải thích được việc chúng ta xem trọng tiền bạc. Nhưng nếu chúng ta tin rằng quê hương đích thật của chúng ta ở trên Trời và Chúa là Cha yêu thương chúng ta, thì chúng ta phải có một thái độ rất tự do đối với tiền bạc, sử dụng nó như một phương tiện phù du và sống phó thác vào tình yêu quan phòng vĩnh cửu của Thiên Chúa.
Quả thật, chính Đức Giêsu cho chúng ta biết “thợ thì đáng trả công” (x. Lc 10,7), nên nếu chúng ta là thợ trung tín cho Tin Mừng của Thiên Chúa, làm sao Người không trả công hậu hĩnh cho chúng ta bằng những “đấu đủ lượng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn” (x. Lc 6,38) Người cũng chỉ cho chúng ta thấy tình yêu quan phòng của Thiên Chúa đối với hoa lá, chim chóc, thì huống hồ là đối với con người (x. Mt 6,25-34), vì vậy chúng ta chỉ lo sống công chính rồi sẽ được ban cho gấp trăm ngay ở đời này (x. Lc 18,28-30). Ngoài ra, Đức Giêsu nói: “Phúc cho người nghèo khó!”, phải chăng vì khi chúng ta không còn gì để cậy dựa, chúng ta dễ tín thác hoàn toàn vào Chúa? Và khi chúng ta không lo phòng giữ gì cho bản thân mình, lúc đó, chính Chúa sẽ quan phòng cho chúng ta và chúng ta sẽ biết được tình trạng “hũ bột không vơi, bình dầu không cạn” của bà góa nghèo ở Sarepta (x. 1V 17,8-15).
Bài 70 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.