7. Đời sống đức tin quân bình
Tương quan của mỗi người chúng ta với Chúa gồm hai chiều kích, cá nhân và cộng đoàn, có thể ví như đôi chân để tiến bước trên con đường đức tin. Chúng ta muốn đi cho vững và cho xa thì phải đi bằng hai chân, nếu chỉ đi bằng một chân, chúng ta sẽ đi khập khiễng và không tiến xa được, thậm chí còn bị vấp ngã nữa.
Người chỉ biết đến chiều kích cộng đoàn rất hăng say tham dự những buổi cử hành do Giáo Hội tổ chức. Họ tham gia tích cực đọc kinh trước lễ, sau lễ, đáp lại lời chủ tế và hát nghe sao cho thật hay trong thánh lễ. Họ có để tâm lắng nghe Lời Chúa và những lời nguyện hay không, chỉ có Chúa biết; nhưng vào những buổi chầu Thánh Thể, chỉ cần đề nghị thinh lặng vài phút để chiêm ngắm Chúa Giêsu Thánh Thể, thì họ cảm thấy ngột ngạt, không biết làm gì. Chắc hẳn họ đến nhà thờ vì bầu khí, nên âm thanh càng nhiều, hình thức càng long trọng, họ càng tham dự đông. Rồi khi họ rời khỏi nhà thờ, họ cảm thấy an tâm vì đã tham gia mọi buổi cử hành do cha xứ mời gọi hoặc làm xong bổn phận như luật Hội Thánh dạy. Thật ra, luật Hội Thánh như là “toa thuốc” dành cho bệnh nhân. Nếu Hội Thánh không “kê toa” thì chúng ta sẽ không đi đến nhà thờ mỗi tuần một lần để “uống thuốc” là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa hầu linh hồn chúng ta được lành mạnh, và chúng ta cũng chẳng bao giờ “tắm rửa” linh hồn qua bí tích Giải tội, khiến linh hồn chúng ta “hôi rình” không ai muốn đến gần. (Vậy mà có rất nhiều người lập luận rằng: “Đi xưng tội làm gì vì rồi cũng làm lại tội thôi”, thì y như họ nói: “Tắm làm gì, mai người cũng dơ và hôi lại thôi”!)
Nhưng nếu chỉ đến nhà thờ tham dự những buổi cử hành chung và đọc kinh chung với gia đình, mà đồng thời, chúng ta không có tương quan riêng với Chúa thì suốt đời chúng ta chỉ ở trong trạng thái là bệnh nhân trong đời sống đức tin, thì làm sao chúng ta có thể sống trong niềm vui và tự do như Chúa mong muốn cho con cái đây? Vì chỉ khi có “tình cảm riêng” với Chúa thì chúng ta mới gặp được Chúa khi thờ phượng Chúa cùng với người khác. Còn không thì chúng ta chỉ hiện diện như một người vô danh, chìm lỉm trong đám đông và nghĩ rằng mình có làm gì Chúa cũng chẳng quan tâm nên tha hồ để đầu óc đi phiêu du khắp nơi. Tương tự như mình vào một lớp học đông người, cô giáo chẳng biết mình là ai, cho đến ngày tình cờ gặp cô trong tiệm sách, hai cô trò hỏi thăm nhau, ngày hôm sau vào lớp cô, mình có thái độ quan tâm hơn hẳn nên học cũng nghiêm túc hơn. Do đó, như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, chỉ có sự gặp gỡ riêng với Chúa mới biến đổi được con người. Mà vì Chúa là Thần Khí, nên sự gặp gỡ cũng chỉ có thể xảy ra trong tâm hồn chúng ta. Trích dẫn ngôn sứ Isaia, Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo trong Mác-cô 7,6: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.” Vậy chúng ta hãy mau làm cho lòng chúng ta xích lại gần Chúa qua việc ở lại với Chúa trong cầu nguyện (với “phương pháp” Em Bé không ai có thể nói là không làm được nữa nhé!).
Nhưng sự trung thành là cần thiết trong cầu nguyện để linh hồn chúng ta được nuôi dưỡng hằng ngày và lớn mạnh. Đối với thể xác, lâu lâu chúng ta bỏ ăn một bữa thì không sao, nhưng nếu chúng ta bắt đầu biếng ăn rồi ngày càng không chịu ăn thì kết quả là mình sẽ ốm o gầy mòn rồi sẽ chết, y như xảy ra nơi người già chết cách tự nhiên. Linh hồn chúng ta cũng vậy, thỉnh thoảng chúng ta vì lý do gì đó mà bỏ cầu nguyện thì không sao, nhưng nếu thời gian này kéo dài mà chúng ta không lo vãn hồi, thì đúng là về mặt thân xác, chúng ta vẫn ăn uống bình thường nên vẫn sống phây phây, nhưng về phần hồn thì chúng ta dần dần suy yếu mà không hay biết rồi đi đến chỗ xa Chúa hồi nào không hay, mà xa Chúa là sự sống thì chúng ta chỉ có thể là chết về mặt linh hồn thôi.
Bài 7 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.