- Lòng tin tưởng tuyệt đối
Tôi nghiệm ra tất cả mọi vấn đề xảy ra trong các mối tương quan giữa con người với nhau thường là vì thiếu tin tưởng nhau. Từ đó, dễ dẫn đến chuyện người này nghĩ người kia không hết lòng hoặc không thật lòng với mình. Thế là cả hai phía đều cùng cảm thấy bị tổn thương, mà vết thương lại là cửa ngõ lý tưởng để hiểu lầm rồi xung đột xâm nhập vào các mối tương quan.
Tôi nhận thức được điều này nhờ vào hai kinh nghiệm mà tôi có được. Kinh nghiệm thứ nhất xảy ra với một người bạn học thời sinh viên, hoàn cảnh khiến chúng tôi sau này làm việc chung với nhau và ngày càng thân nhau hơn. Ngày kia, vì không giữ được lời hứa với bạn do tôi thay đổi ý kiến nên tôi đã xin lỗi bạn, nhưng bạn nói với tôi một câu nghe thật ấm lòng: “Bạn yên tâm đi, bạn làm gì mình cũng tin là bạn làm điều tốt nhất vì yêu thương”. Nhìn lại, quả thật giữa chúng tôi chưa bao giờ xảy ra một va chạm nào.
Kinh nghiệm thứ hai là với một người bạn trẻ mà tôi quen được ít lâu. Lúc đầu bạn rất tin tưởng tôi (ít nhất là tôi có cảm tưởng như thế), nhưng tôi nghĩ sự tin tưởng này đã giảm bớt sau lần tôi cho bạn một lời khuyên không thích hợp do tôi không biết rõ bối cảnh của mọi sự việc và điều này đã làm bạn bị tổn thương. Mới đây phản ứng của bạn cho thấy dường như bạn đã hiểu lầm một lời mà đôi khi tôi cũng đã từng nói với bạn. Khi nhận được tin nhắn, lúc đầu tôi chỉ nghĩ: “Ngôn ngữ là nguồn mạch gây ra hiểu lầm”, như văn hào Saint-Exupéry nói; nhưng ngay sau đó, tôi nhận ra tư tưởng này chỉ đúng trong trường hợp người ta không tin tưởng nhau đủ mà thôi. Tôi xác tín vấn đề mấu chốt của hiểu lầm bắt nguồn từ sự thiếu tin tưởng, nếu không cớ sao cũng cùng câu nói với hàm ý tốt bỗng nhiên lần này lại nhận được phản ứng như thể nó hàm chứa một ý xấu? Phải chăng vì bạn tôi không còn tin tưởng tôi như trước nữa?
Tôi tạ ơn Chúa vì từ kinh nghiệm không hay này, Chúa cho tôi thấy tôi cũng không tin tưởng tuyệt đối vào Chúa nên đã bao lần tôi vô ơn bạc nghĩa cùng Chúa khi suy diễn ý Chúa theo chiều hướng xấu. Thật vậy, mỗi lần không được điều mình cầu xin, tôi nghĩ do Chúa không thương nên không ban cho tôi. Khi gặp hoàn cảnh xấu, tôi cũng hay trách Chúa, thậm chí tức giận cho là Chúa bất công. Tôi đã không tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu Chúa dành cho tôi và vào quyền năng Chúa có thể làm mọi sự cho tôi. Vì vậy tôi mới nghĩ là Chúa không hành động vì lợi ích của tôi và tôi không tin rằng những gì xảy ra cho tôi là những gì tốt nhất Chúa có thể làm cho tôi tại đây lúc này. Tệ hơn nữa, tôi cho là mình “thông minh sáng láng” hơn Chúa; bởi thế mỗi lần tôi xin ơn cùng Chúa tôi phải “mách nước” cho Chúa nên ban ơn cho tôi như thế nào. Rồi khi thấy Chúa không đi theo nước cờ tôi mách, tôi không nhờ Chúa nữa, lấy lại con cờ trong tay Chúa để đi theo nước tôi nghĩ cho “chắc ăn”.
Đến như Chúa tôi không tin tuyệt đối, thì còn ai mà tôi tin tuyệt đối nữa? Chẳng trách tương quan của tôi luôn trục trặc với Chúa và với người khác. Giờ đây, tôi ý thức rằng đã tin thì phải tin tuyệt đối, nếu không thì không phải là tin nữa, do đó nếu tôi không tin Chúa tuyệt đối, đức tin của tôi cũng chẳng phải là đích thật và như thế sẽ trở nên vô ích cho tôi. Còn đối với người khác, làm sao tôi tin tuyệt đối được để có thể xây dựng một tương quan tốt đẹp và bền vững đây? Tôi nghĩ tôi chỉ có thể làm điều này sau khi đã tin vào Chúa tuyệt đối, vì lúc đó niềm tin tôi đặt vào người khác không dựa trên chính họ, mà trên Chúa ở trong họ, cũng như họ phải tin vào Chúa ở trong tôi. Do đó, mỗi lần họ có phản bội lòng tin của tôi, tôi biết mọi sự đều tương đối trong thân phận làm người, nhưng vì lấy Đấng tuyệt đối trong họ làm bảo đảm, tôi sẽ cho họ một cơ hội khác cũng như tôi cần mọi người cho tôi một cơ hội khác mỗi khi tôi lầm lỗi và, nếu cần thiết, cho đến “bảy mươi lần bảy lần”. Tôi chợt hiểu ra tại sao luật yêu thương của Chúa phải là “kính Chúa” trước rồi mới “yêu người” sau, vì nếu không tin yêu Cha thì cũng chẳng có thể yêu thương anh em, và tình yêu thương anh em sẽ càng trở nên đích thật khi mình càng tin Chúa tuyệt đối hơn.
Bài 68 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.