LTD Bài 6. “Phương pháp” “Em Bé”

by snHuyenBang

6. Phương pháp Em Bé

Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Anh em phải cầu nguyện luôn”, “khi cầu nguyện anh em đừng có nhiều lời như người dân ngoại”, “anh em hãy vào phòng đóng kín cửa lại”, v.v.  Vậy cầu nguyện là một mệnh lệnh Chúa truyền, mà khi dựng nên chúng ta Chúa chỉ muốn mỗi một điều cho chúng ta là được hạnh phúc, nên mệnh lệnh này không có mục đích nào hơn là vì hạnh phúc của chúng ta. Và giáo lý cũng dạy chúng ta rằng, hạnh phúc của chúng ta là được kết hiệp với Chúa. Cầu nguyện chính là điều kiện để chúng ta được kết hiệp với Chúa trong ngôn ngữ của Chúa, và khi đã hiểu tiếng nói của Chúa thì chúng ta cũng hiểu được cách nhìn, cách hành động và nhất là cách yêu thương của Chúa, để dần dần trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa, nghĩa là nên thánh, như Chúa mời gọi tất cả chúng ta, không trừ một ai.

Muốn đến với đời sống trong Chúa, chúng ta phải sinh ra lại từ bên trên, như Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô, có nghĩa là chúng ta phải sinh ra lại từ Chúa, và khi sinh ra lại như thế, chúng ta chỉ là một em bé, do đó, khi bắt đầu đi vào đời sống cầu nguyện, chúng ta phải đi theo “phương pháp” Em Bé thì mới có thể triển nở trong đời sống này. Khi bắt đầu đến với Chúa trong cầu nguyện, chúng ta chỉ cần tưởng tượng mình như em bé mới sinh nằm trong vòng tay Chúa. Em bé thì đâu nghe đượ̣c gì, đâu hiểu được gì, nhưng chắc chắn là cảm thấy hạnh phúc trong vòng tay của một người mà em cũng chưa hề nhận ra được là mẹ mình, nhưng người mẹ thì hạnh phúc ôm con và nhìn con ngủ trong tay mình. Chúa cũng hạnh phúc nhìn mỗi người con của Chúa như vậy và thế là đủ rồi. Một thời gian sau, khi thấy con biết nhận ra mình là một người ở ngoài nó, thì mẹ bắt đầu nói chuyện với con bằng cách nhìn nó và vừa hất mặt để nó chú ý, vừa tươi cười và âu yếm nói với nó: “ớ… ớ… ớ…”, nó nhìn mẹ làm như vậy rồi quơ tay đập chân trên không, tỏ vẻ thích thú vì cảm nhận được sự quan tâm của mẹ, và cười toe lại với mẹ. Khi mình chưa hiểu gì thì Chúa cũng chỉ có thể nói với mình kiểu đó, nhưng qua đó, mình bắt đầu cảm nhận được sự quan tâm của Chúa đối với mình. Rồi cứ như thế, mình đi từ giai đoạn này đến giai đoạn khác; bắt đầu nghe hiểu được một chút rồi cũng bập bẹ nói lại, rồi càng ngày càng hiểu nhiều hơn và nói sõi hơn cho đến khi hiểu được hết và nói lưu loát. Tiến trình cầu nguyện của chúng ta cũng phải đi theo từng giai đọan như vậy, trong sự trung thành mỗi ngày, thì mới có được đời sống lớn lên và trưởng thành trong Chúa, nhưng có lẽ rất ít người đi đến được giai đoạn cuối cùng.

Chúa Giêsu nói “Phải nên như trẻ nhỏ mới vào được Nước Trời” là vậy. Thường chúng ta không chịu là trẻ nhỏ nằm yên trong tay Chúa để Chúa nhìn ngắm mình, sau đó chúng ta cũng phải quấn quít bên Chúa luôn thì mới có thể nghe và hiểu tiếng Chúa dần dần, và đó là thời gian ở lại trong sự hiện diện của Chúa mỗi ngày qua cầu nguyện. Chúng ta cứ muốn thành người lớn ngay để chủ động nói với Chúa, mà phần nhiều là để xin Chúa làm theo ý mình, rồi cũng muốn nghe Chúa trả lời theo ý mình, mà nếu thấy không đúng ý mình thì cho là Chúa không thương mình, rồi lại đâm ra giận Chúa. Nhưng chúng ta đừng quên rằng, trong đời sống với Chúa, mình bắt đầu là em bé và khi em bé chưa có đủ thời gian để hiểu tiếng người thì những gì em nói cũng chỉ là những âm thanh bâng quơ, vô nghĩa. Mình chưa có đủ thời gian để hiểu tiếng Chúa, thì những gì mình nói đối với Chúa cũng như vậy thôi, thì Chúa làm gì được theo ý mình đây?

Chúng ta hãy trở về sống như trẻ nhỏ trong đời sống đức tin. Trẻ nhỏ chỉ biết làm những gì cha mẹ chỉ bảo cho mình, chúng ta có biết tìm ý Chúa qua cuộc sống thường ngày, cũng như qua những biến cố, và coi đó là lương thực của chúng ta, như Chúa Giêsu, để chúng ta làm theo không? Vì chỉ khi làm theo ý Chúa là Cha chúng ta, Đấng chỉ muốn hạnh phúc đích thật cho chúng ta, thì chúng ta mới được hạnh phúc đích thật thôi. Điều này không miễn trừ cho chúng ta những bất hạnh vì những cái mà theo mắt trần chúng ta coi là bất hạnh luôn là những cơ hội để chúng ta được học – với những bài tập ngày càng khó, nghĩa là thánh giá ngày càng nặng nề – về yêu thương và khiêm tốn, để chúng ta ngày càng được nên giống Chúa hơn. Đối với chúng ta, đau khổ thường đi kèm với bất hạnh, nhưng sở dĩ chúng ta cảm thấy đau khổ là vì chúng ta chưa có được cái nhìn trong Chúa, và chính cầu nguyện sẽ giúp chúng ta đi đến cái nhìn đức tin ấy.  

Với “phương pháp” Em Bé này, không ai có thể nói mình không cầu nguyện được. Chúa không đòi hỏi mình điều gì quá sức mình, chỉ vì mình đã hiểu sai nên tưởng là làm không được thôi. Xin Mẹ Maria dẫn dắt các bạn lớn lên trong đời sống cầu nguyện với Chúa Giêsu, Con Mẹ, để được hạnh phúc nhé.

Bài 6 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose