LTD Bài 55. Chúng ta có biết cậy dựa vào Chúa không

by snHuyenBang
  1. Chúng ta có biết cậy dựa vào Chúa không?

Đôi khi chúng ta cảm thấy công việc quá nặng nề, làm mình mệt mỏi chán ngán, phải chăng là vì chúng ta xem công việc là chuyện của riêng mình, không liên quan gì đến Chúa? Mọi công việc, dù là để nuôi sống mình hay không, cũng đều là một phần trong toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Nếu chúng ta biết nhìn như vậy, chúng ta sẽ thấy Chúa là người “bao thầu” và chịu trách nhiệm chính trong mọi công việc và chúng ta chỉ là người cộng tác thi hành. Vì vậy, chúng ta cùng với Chúa gánh vác công việc và nếu chúng ta càng dựa vào Chúa thì phần chúng ta càng nhẹ.

Mặt khác, nếu tin rằng chúng ta chỉ là người cộng tác với Chúa, thì cung cách làm việc của chúng ta cũng sẽ phải khác: mục đích sẽ không phải là kiếm cho thật nhiều tiền, hoặc cho mình được nổi danh, nhưng là làm cho “danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến” bằng cách phục vụ hết mình trong công việc vì lợi ích của mọi người. Trong tinh thần đó, chúng ta cũng sẽ không ôm đồm nhiều việc để rồi không làm việc nào đến nơi đến chốn. Chúng ta cũng sẽ biết ủy thác cho người khác, chấp nhận công việc có thể không được như ý mình mong muốn. Và nếu có xảy ra như vậy thật sự, đó là dịp để chúng ta chia sẻ hiểu biết, kinh nghiệm của mình – nghĩa là chia sẻ những nén bạc Chúa đã giao cho chúng ta – chứ không phải là dịp để chúng ta bực tức và la mắng hoặc phê phán người khác, vì họ nhận được ít nén bạc hơn chúng ta.

Cũng có thể chúng ta ôm đồm nhiều công việc là vì có nhiều khả năng và phục vụ tận tình nên được (hay “bị”?) mọi người nhờ cậy và chúng ta không “nỡ” từ chối… vì đức ái. Nếu thật sự chúng ta có đủ điều kiện để làm việc đến đâu thì chắc chắn chúng ta không được từ chối đến đó. Hoặc có những thời điểm ngoại lệ, chẳng hạn như để bắt đầu một công việc hay vì một dịp đặc biệt, mà chúng ta có phải bỏ thì giờ và công sức ra hơn thì cũng là điều tự nhiên. Nhưng nếu đó là những hoạt động thường xuyên mà lại ảnh hưởng đến sức khỏe của chúng ta và nhất là đến quan hệ của chúng ta với những người thân, thì chúng ta phải đặt lại vấn đề. Nhiều khi chúng ta không nghĩ xa, chỉ thấy mình ráng thêm một chút mà được việc cho nhiều người, nhưng có thể vì vậy chúng ta sẽ sớm phải nằm một chỗ và lúc đó, chẳng những chúng ta không giúp được ai nữa mà lại làm tăng thêm công việc cho người thân phải lo chăm sóc mình.

Ngoài ra, khi chúng ta đã làm việc mệt mỏi ở ngoài, về nhà chúng ta chỉ muốn nằm nghỉ một mình, không còn giờ để sinh hoạt với vợ con hay chồng con nữa. Rồi vì không được khỏe trong người, chúng ta luôn cảm thấy bực bội và trở nên cáu kỉnh, làm họ không còn muốn gần gũi chúng ta nữa, thế là chúng ta vô tình làm rạn nứt tình gia đình và về lâu về dài có thể không hàn gắn được nữa và đi đến tan vỡ. Đây đã từng là nguyên nhân đưa đến nhiều cuộc ly dị giữa vợ chồng và xung đột giữa cha mẹ con cái, chưa kể đến những hậu quả trầm trọng có thể xảy ra cho con cái. Chẳng hạn như nhiều thanh niên, một cách vô thức, lao vào con đường ăn chơi bạt mạng hay hút ma túy là vì họ muốn tự khẳng định mình bằng cách chơi nổi để lôi kéo sự chú ý, sự nể trọng, cũng là để bù đắp sự thiếu quan tâm và thiếu hạnh phúc mà họ phải chịu trong gia đình.

Do đó, khi chúng ta cảm thấy nặng nề trong cuộc sống, chúng ta phải xem có khi đức ái đích thật lại đòi buộc chúng ta phải bỏ bớt công việc, và nhất là xem xét lại tương quan của mình với Chúa. Phải chăng chúng ta chỉ coi Chúa như một ông thần để thờ lạy trong nhà thờ và kêu cầu khi cần đến và không có chỗ đứng nào trong cuộc sống thường ngày của chúng ta? Phải chăng chúng ta không biết cậy dựa vào Chúa? Chúa đã nói: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11, 28), lẽ nào chúng ta lại không tin lời Người?

 

Bài 55 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan