LTD Bài 52. Lòng Chúa thương xót

by snHuyenBang

 

  1. Lòng Chúa thương xót

Truyện kể rằng, ngày kia, vào mùa hè, một nhà thờ bên Châu Âu đã mở hé các cửa kính trên cao cho thoáng khí. Một đàn chim én đã bay lọt vào trong nhà thờ qua khe hở. Lúc đầu, chúng ríu rít bay qua bay lại nhởn nhơ trong nhà thờ. Một lát sau, người ta thấy chúng cứ đâm đầu vào các cửa kính mầu với những tiếng kêu hoảng hốt. Người ta hiểu rằng chúng muốn kiếm đường ra và nghĩ rằng các cửa sổ chan hòa ánh sáng là những lối ra. Xót thương vì thấy nỗi hoảng sợ và những cú đập đầu làm đàn chim đau đớn, một người thốt lên rằng: “Phải chi tôi có thể biến thành chim để bay lên chỉ cho chúng đâu là đường ra.”

Câu chuyện này có thể làm chúng ta cảm động, nhưng đây cũng chỉ là một điều ước xuông, vì nếu thật sự có thể biến được thành chim, có ai trong chúng ta chấp nhận từ bỏ giống loài của mình để trở thành một giống loài thấp kém hơn không? Ấy vậy mà Thiên Chúa đã làm điều này. Thiên Chúa đằng đằng là Đấng Tạo Hóa, với bản tính khác xa loài người, hơn là loài người so với loài chim, vì người và chim dù sao cũng đều là thụ tạo, Thiên Chúa đã xuống thế làm người để có thể chỉ cho con người đâu là con đường cứu độ. Thiên Chúa đã nhập thể vì Người thương xót con người chúng ta đang sống trong cảnh lầm than, cứ đâm đầu vào những ánh sáng hào nhoáng giả tạo của thế gian, như những cái bẫy rộng mở để đưa chúng ta đến chỗ diệt vong.

Con đường mà Chúa Con đã đến để chỉ chúng ta phải đi là con đường hẹp, con đường của yêu thương, của từ bỏ mình và phục vụ. Chỉ có con đường đó mới dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời. Chính Chúa đã làm gương đi trên con đường này trước tiên khi vì yêu thương loài người, Chúa đã từ bỏ địa vị của mình để xuống thế làm người. Không những thế, Chúa đã đi vào những tình cảnh thấp hèn nhất của con người để không còn ai có thể nói là Thiên Chúa không hiểu được nỗi đau khổ của mình.

Và nếu chúng ta nghiệm ra từ mình, chúng ta còn thấy được lòng thương xót của Chúa thật lớn lao. Thông thường, chúng ta chỉ thương những người mình có cảm tình, những người có nhiều đức tính, những người thương mình và hết lòng với mình. Vậy mà khi loài người chúng ta đã bất tuân, đã phản nghịch lỗi nghĩa cùng Chúa, đã làm nhiều điều xấu xa, Chúa vẫn yêu thương, vẫn không bỏ rơi mà lại còn chịu đau khổ và thí mạng sống mình để cứu chuộc chúng ta, như thánh Phaolô đã nói: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 8).

Chúa Giêsu đã xuống thế để không những mặc khải qua lời nói mà còn làm chứng qua việc làm cho chúng ta thấy được lòng thương xót của Thiên Chúa như thế nào. Vậy, chúng ta không thể có thái độ “lập công” để mong kéo được tình thương Chúa trên chúng ta, vì đó là một tình yêu nhưng không dành cho tất cả mọi con cái Chúa không thiên vị một ai. Thậm chí những người càng cần đến lòng thương xót Chúa hơn lại là những người được Chúa quan tâm nhiều hơn, như dụ ngôn về người chăn chiên bỏ 99 con chiên ở lại để đi tìm con chiên lạc cho chúng ta thấy. Chúng ta hãy hình dung một người cha tốt lành có thể nào có con yêu con ghét không, và có thể nào để mặc những đứa con hư hỏng không? Chúng ta sẽ hiểu được phần nào lòng Chúa mà chúng ta vẫn gọi là “Cha”.

Trước lòng thương xót của Chúa, chúng ta cũng không thể tự hào là mình xứng đáng được Chúa thương hay lo sợ là không xứng đáng được Chúa thương, vì tình yêu Chúa dành cho con người là vô điều kiện, như lời trong một bài hát của cha Thành Tâm: “Đâu phải ta ngoan mà Thiên Chúa mến thương ta, đâu phải ta hay mà Ngài thương ta, nhưng do nơi lòng hay thương xót của Ngài.” Vả lại, nếu Chúa lấy tiêu chuẩn xứng đáng để yêu thương chúng ta, thì là thụ tạo mỏng giòn, chỉ cậy dựa vào sức mình, con người chúng ta không bao giờ có thể làm cho mình xứng đáng được với tình thương của Chúa.

Ngoài ra, khi còn nghĩ đến xứng đáng hay không xứng đáng là chúng ta còn có thể nhìn người anh chị em bên cạnh để phán đoán và để đánh giá xem mình hay họ xứng đáng hơn trước mặt Chúa. Đó là thái độ của người Pharisêu cầu nguyện ở đền thờ mà Chúa Giêsu đã lên án, khi ông so sánh mình với người thu thuế (x. Lc 18,9-14). Thái độ này cũng có thể khiến cho chúng ta tức giận như những người thợ vào làm vườn nho ngay giờ thứ nhất mà cũng chỉ được trả một đồng như người vào làm giờ chót nhất (x. Mt 20,1-17).

Và khi chúng ta muốn dừng lại ở thái độ đó thì chúng ta cũng giống như một người tôi tớ luôn muốn làm vui lòng chủ để được thưởng công xứng đáng. Làm như thế, chúng ta vừa xúc phạm đến lòng thương xót của Chúa vừa tự hạ phẩm giá của mình, vì Chúa đâu xem chúng ta là người làm công, nhưng là con cái yêu dấu của Người.

 

Bài 52 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose