LTD Bài 51. Phúc cho người nghèo khó

by snHuyenBang
  1. Phúc cho người nghèo khó

Còn gì mâu thuẫn hơn là Tám Mối Phúc Thật, còn được gọi là Hiến Chương Nước Trời? Vậy mà biết bao nhiêu người tin và muốn sống theo đó. Một số người cho họ là điên khùng, cũng như Đấng công bố Tám Mối Phúc Thật đã bị chính những người thân của mình cho là mất trí. Tuy nhiên, như thánh Phaolô nói, điều gì con người cho là điên rồ lại là khôn ngoan đối với Thiên Chúa và ngược lại. Và chính Chúa Giêsu cũng nói: “Ai có tai thì hãy nghe!” (Mt 13,9) Nghe ai? Nghe Chúa Thánh Thần đang ở trong lòng mình. Vì vậy, nếu chúng ta chỉ dùng trí óc loài người, dù nó có phát triển đến đâu chăng nữa, để đọc đi đọc lại Kinh Thánh, sách này vẫn luôn là cớ vấp phạm cho chúng ta!

Quả thật, tự mình, con người chúng ta chỉ có thể dựa trên những tiêu chuẩn của người phàm để quyết định điều gì là tốt và làm mình hạnh phúc. Chỉ có những người biết học nơi Chúa Thánh Thần mới được khai tâm vào những chuẩn mực của Chúa để hiểu được Tám Mối Phúc Thật. Những lời nghe như điên rồ này trình bày điều kiện để được hạnh phúc, hoàn toàn ngược lại với điều kiện thông thường được phần đông công nhận. Tất cả chỉ là vấn đề đức tin! Nếu chúng ta tin vào Chúa, kinh nghiệm sống sẽ xác nhận những mối phúc này là đúng. Nếu chúng ta không tin vào Chúa và chỉ cần xảy ra cho chúng ta một trong những tình huống được nói đến trong Tám Mối Phúc Thật, chúng ta càng chối bỏ Chúa hơn. Do đó, “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13,12).

Đương nhiên, khi khẳng định “Phúc cho người nghèo khó” (x. Mt 5,3), Chúa Giêsu không cổ võ cho sự nghèo khó. Há chúng ta chẳng thấy những người thật sự yêu Chúa luôn chăm lo chiến đấu chống lại sự khốn cùng của con người dưới mọi hình thức sao? Chính thái độ của người nghèo không có gì để cậy dựa nên hướng về Chúa mới được xem là phúc, vì chỉ mình Chúa mới khỏa lấp được mọi đói khát của họ. Vì vậy, một người nghèo chỉ biết than thân trách phận và không hướng về Chúa thì cũng chẳng được phúc, vì Thiên Chúa không thể cứu người sa xuống hố mà lại không chịu đưa tay cho Người kéo lên. Cũng như người giàu mà cậy dựa vào sự giàu có của mình (của cải, quyền lực, tài năng, v.v.), nên cảm thấy mình đầy đủ và không cần đến Chúa thì cũng không được phúc. Vậy, người nghèo được công bố là phúc là người không còn bám víu vào một cái gì trên đời này và trông đợi mọi sự từ Chúa, họ sẽ được Nước Trời.

Cuối cùng, phúc cho chúng ta nếu chúng ta “nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì lẽ công chính”, vì như thế chúng ta trở nên giống Đức Kitô, và thánh Phaolô quả quyết với chúng ta: “Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em là dòng dõi ông Áp-ra-ham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gl 3,29).

 

Bài 51 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan