LTD Bài 5. Thái độ cầu nguyện

by snHuyenBang

5. Thái độ cầu nguyện

Thiên Chúa không bao giờ đòi hỏi con người làm điều gì vượt khả năng của họ. Vậy khi Người yêu cầu chúng ta cầu nguyện thì ai cũng có thể làm được mà không cần một điều kiện đặc biệt nào ngoài điều kiện là trở nên phó thác như trẻ nhỏ: “Nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3).

Cầu nguyện là tiến trình giúp chúng ta đi từ nhận biết Thiên Chúa đến yêu mến Người, rồi muốn sống theo Người. Cũng như mọi tiến trình, nó bắt đầu từ lúc chúng ta chưa biết gì và phải học từ đầu. Vậy cầu nguyện chính là tiến trình học về Thiên Chúa mà người Thầy duy nhất là Chúa Thánh Thần và người trò duy nhất là mỗi người chúng ta. Cũng như chúng ta phải đến trường học từ lớp 1 đến lớp 12 rồi học chuyên môn ở đại học và sau đó khi đã làm việc, chúng ta cũng phải thường xuyên dự những khóa tu nghiệp để nâng cao và cập nhật kiến thức, có nghĩa là phải học cả đời, thì chúng ta cũng phải học về Thiên Chúa như thế, và hơn cả thế vì chúng ta không bao giờ thấu hiểu được hết mầu nhiệm về Thiên Chúa.

Như một em nhỏ vào học lớp 1 không hề thắc mắc mình phải học như thế nào, mà chỉ biết đến trường ngồi trong lớp rồi thầy dạy ra sao thì mình học như vậy. Cũng vậy khi cầu nguyện, chúng ta chỉ cần đặt mình trong sự hiện diện của Chúa và xin Chúa Thánh Thần dạy mình cầu nguyện, mà không mang theo một phương pháp nào để “bắt” Chúa Thánh Thần dạy mình theo phương pháp đó. Vì nếu làm thế là chúng ta đã hành xử như người lớn, luôn muốn làm chủ tình hình và cảm thấy an toàn vì có cái phao để “bơi” đến gặp Chúa. Nhưng phương pháp có hay như thế nào thì cũng chỉ do con người lập ra, thì làm sao cho được kết quả bằng cách Chúa Thánh Thần dùng để dạy riêng từng người? Cũng như chúng ta học một ngoại ngữ lúc lớn tuổi với phương pháp này phương pháp kia có khi cũng khá lâu mà vẫn không đạt được kết quả như một em nhỏ sử dụng ngôn ngữ ấy sau mấy năm ra đời và đã không cần dùng đến phương pháp nào để học ngôn ngữ ấy.

Chúng ta cũng đừng quên rằng trước khi bập bẹ nói được những chữ đầu tiên trong ngôn ngữ ấy, em bé đã phải trải qua một năm nghe mà chẳng hiểu gì. Nhưng thử hỏi nếu không có một năm được nghe chung quanh mình người ta nói ngôn ngữ này thì sau này em bé có nói được ngôn ngữ ấy không? Cũng vậy, nếu chúng ta không học ngôn ngữ của Chúa theo cách một trẻ nhỏ thì sau một thời gian tuy chúng ta cũng có thể hiểu và nói được đấy nhưng nó vẫn không tự nhiên và nhuần nhuyễn như cách trẻ nhỏ hiểu và nói được. Cầu nguyện chính là thời gian để chúng ta học lắng nghe và chiêm ngắm Chúa trong lòng bằng cách giữ thinh lặng và chúng ta phải chấp nhận lúc bắt đầu chúng ta không hiểu và không thấy gì cả trong một thời gian, dài ngắn tùy người, như đối với trẻ nhỏ. Đây chính là điều làm cho chúng ta là người lớn nản lòng, thấy “mất thì giờ vô ích”, nên muốn “cúp cua” hay bỏ học. Vâng, đó là những gì chúng ta cảm thấy về phía chúng ta, nhưng chúng ta phải nhớ rằng còn phía Chúa nữa chứ, nên “nếu giác quan không cảm thấy gì”, “ta hãy lấy đức tin bù lại” mà trung thành ở lại với Chúa mỗi ngày. Kết quả của những người thường “cúp cua” hay bỏ học ở trường học phổ thông hay trường học về Chúa thì cũng như nhau thôi và nó ra sao thì tất cả chúng ta đều biết rồi.

Bài 5 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose