42. Sự tự hủy toàn năng
Chúng ta vẫn nghe nói Đức Giêsu chịu chết trên cây thập giá để cứu chuộc chúng ta và nghĩ rằng “máu chiên bò Chúa không ưng, của lễ toàn thiêu Chúa không nhận” nên chính Chúa Con phải đến để “làm theo ý Cha”. Vậy nếu Chúa Cha chỉ ưng nhận cứu chuộc chúng ta khi Chúa Con đến hiến mình đổ máu ra chịu chết cho chúng ta, thì Chúa Cha có ác quá không? Và như thế dường như Chúa Cha và Chúa Con là hai Thiên Chúa khác nhau chứ không phải là cùng một Thiên Chúa.
Khi chiêm ngắm Chúa Giêsu bé bỏng nằm trong máng cỏ, tôi chợt nhận ra rằng Chúa cứu chuộc chúng ta bằng chính sự tự hủy của mình. Việc Chúa sinh ra như kẻ nghèo hèn nhất và nằm chết như một nạn nhân nhục nhã nhất trên thập giá chỉ là những hình thức thể hiện được tốt nhất sự tự hủy này. Thật vậy, ai nghèo nhất cũng không sinh ra không nhà không cửa, nằm trong máng cỏ trong hang bò lừa, vào một đêm giá lạnh. Và người bị chết nhục nhã nhất cũng không bị treo trên giá gỗ như tên tội nhân ác ôn, người ngợm tả tơi và không một mảnh vải che thân, giương lên cao cho mọi người thấy mà nhạo cười. Vậy mà vị Thiên Chúa toàn năng của chúng ta đã sinh ra và chết như thế đó.
Đức Giêsu đã nói: “Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời” (Ga 3,14-15). Đức Giêsu cũng cho biết chính khi Người được giương cao là giờ Người được Chúa Cha tôn vinh để Người tôn vinh Chúa Cha (x. Ga 17,1) và Người có đến thế gian cũng chính là vì giờ ấy (x. Ga 12,23.27). Tuy đây là kế hoạch trong thánh ý Thiên Chúa, nhưng trong thân phận làm người, Đức Giêsu cũng “xao xuyến” khi phải tự hủy cho đến chết vì con người. Người đã xin cùng Chúa Cha: “Lạy Cha, xin cứu con khỏi giờ này” (x. Ga 12,27-28), “xin cất chén này xa con”, nhưng Người cũng nói ngay: “xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (x. Lc 22,42). Người biết rằng chỉ khi vâng phục thánh ý Chúa Cha, một thánh ý tuyệt hảo, thì tình yêu toàn năng của Chúa Cha mới được nhận biết và vì thế Chúa Cha mới được tôn vinh.
Vậy, nếu chúng ta chỉ tin vào Thiên Chúa là Cha toàn năng và là Đấng tạo dựng trời đất thôi thì chưa đủ, thậm chí tin hay không tin cũng không khác gì lắm. Để được sống muôn đời, nghĩa là để được cứu chuộc, chúng ta còn phải tin vào vị Thiên Chúa yêu thương, đã tự hủy mình để đến chia sẻ thân phận con người trong những điều kiện thấp hèn nhất về tinh thần cũng như vật chất hầu có thể đến gặp mọi người và ở cùng với họ trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Theo thánh Giacôbê (2,17), đức tin phải đưa đến hành động nếu không là đức tin chết, do đó, nếu vì yêu thương mà Thiên Chúa đã tự huỷ để cứu chúng ta, thì chúng ta cũng được mời gọi tự huỷ để sống yêu thương, đây là con đường duy nhất phải theo để được cứu chuộc và sống đời đời.
Cuộc sống trên trần gian này được ban cho chúng ta để tập sống sự tự huỷ này. Tất cả những gì nhằm làm cho cái tôi nhỏ đi và chết dần đều góp phần vào sự tự hủy. Vì nếu chúng ta còn đầy cái tôi của mình thì chỗ đâu để mà đón nhận người khác và yêu thương họ? Hằng ngày, chúng ta không thiếu dịp để sống tự huỷ. Chẳng hạn như chúng ta nhịn không đáp trả khi cảm thấy bị tổn thương, không nổi giận khi không được vừa ý; chúng ta không áp đặt ý mình, sẵn sàng từ bỏ ý riêng; chúng ta không dành phần thắng về mình, đặt quyền lợi của người khác lên trên quyền lợi của mình; chúng ta hạ mình để xin lỗi, để tha thứ, v.v.
Vậy, đức khiêm tốn Kitô giáo phải đưa chúng ta đến chỗ tự hủy và vì thế đây không phải là một nhân đức như các nhân đức khác, mà là nhân đức căn bản để chúng ta dựa trên đó mà sống hầu được hạnh phúc và làm cho người khác được hạnh phúc. Khi sống tự hủy, chúng ta sẽ tôn vinh Chúa Cha và sẽ được Chúa Cha tôn vinh như Người đã tôn vinh Chúa Con: “Ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên” (Mt 23,12). Vả lại, chúng ta cũng chỉ học được nơi Đức Giêsu đức khiêm tốn này, nhân đức duy nhất mà Người mời gọi chúng ta học ở nơi Người: “Hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).
Bài 42 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.