LTD Bài 41. Cái yếu đuối của Thiên Chúa

by snHuyenBang

41. “Cái yếu đuối của Thiên Chúa”

Chúng ta vẫn tuyên xưng Thiên Chúa là Cha toàn năng, nhưng triết gia người Pháp Paul Ricœur, khi suy nghĩ về sự dữ, đã đưa ra hai giả thuyết: hoặc là Thiên Chúa toàn năng, nhưng Người lại không tránh sự dữ cho con người, vậy là Người không yêu thương con người; hoặc là Thiên Chúa yêu thương con người, nhưng Người lại không tránh được sự dữ cho con người, vậy là Người không toàn năng. Thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình Yêu”, do đó Thiên Chúa không thể không yêu thương con người. Vậy, chúng ta phải hiểu ra sao sự toàn năng của Thiên Chúa như chúng ta vẫn tuyên xưng?

Chính thánh Phaolô đã nói đến “cái yếu đuối của Thiên Chúa”, vậy theo ngài, Thiên Chúa không toàn năng, nhưng ngài khẳng định ngay rằng “cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (x. 1Cr 1,25). Hình ảnh thể hiện rõ nét nhất cái yếu đuối của Thiên Chúa là việc Đức Giêsu bất lực, bị đóng đinh và treo trên thập giá, trong khi đám đông thách thức Người: “Ông mà là Con Thiên Chúa thì ông hãy xuống khỏi thập giá và cứu luôn cả chúng tôi nữa” (x. Mt 27,39-42). Nhưng nếu Đức Giêsu làm thế thì Người sẽ không còn là một vị Thiên Chúa nhập thể làm người nhưng chỉ là một vị Thiên Chúa giả bộ làm người và thực hiện những hành động siêu nhiên để cứu con người. Khi trông chờ Chúa tránh cho mình mọi sự dữ thì chúng ta có khác gì đám đông kia? Và nếu Người chỉ giả bộ làm người như thế thì chứng tá của vị Thiên Chúa yêu thương sẽ ra sao?  

Trước khi nói đến cái yếu đuối của Thiên Chúa, trong cùng câu 1Cr 1,25, thánh Phaolô đã nói đến “cái điên rồ của Thiên Chúa” mà ngài cho là “còn hơn cái khôn ngoan của loài người”. Theo tôi, cái điên rồ ấy chính là Thiên Chúa đã ban cho con người tự do để rồi không thể rút lại quyền ấy khỏi con người, cho dù con người có thể lợi dụng sự tự do ấy để chống lại Người và gây ra sự dữ. Vì yêu thương con người, Người đã tự hủy và từ bỏ sự toàn năng của mình để tự đặt mình trong sự lệ thuộc vào con người. Người đã trao cho họ quyền đáp lại tình yêu của Người hay không, vì tình yêu bị áp đặt thì chẳng còn là tình yêu. Và chính việc làm “điên rồ” này mới chứng tỏ sự “mạnh mẽ” của Thiên Chúa, sự toàn năng của Người, một sự toàn năng trong tình yêu chứ không phải trong hành động.

Mặc dù không thể ngăn chận sự dữ, nhưng Chúa không bất lực trước sự dữ vì Người có toàn quyền để làm điều lành và có thể cứu những ai kêu cầu Người thoát khỏi sự chi phối của sự dữ. Chẳng hạn, Chúa có thể cho chúng ta cảm thấy nguy cơ xảy ra điều chẳng lành, qua linh tính, qua những ý tưởng hay dấu chỉ khiến chúng ta hành động khác đi nên chúng ta tránh được sự dữ. Hoặc Chúa có thể để cho xảy ra những sự “tình cờ”: những điều bất thường hay những trở ngại bất ngờ, thường làm chúng ta bực mình, nhưng lại cứu chúng ta khỏi sự dữ vì ngăn cản chúng ta có mặt ở nơi và lúc xảy ra sự dữ. Ngoài ra, Chúa làm chủ linh hồn của con người nên luôn có thể can thiệp vào nó và như thế Người có thể can thiệp gián tiếp trên sự dữ. Cũng vì tình yêu, Chúa không can thiệp bằng cách áp đặt nhưng bằng cách mời gọi, và con người có tự do để đáp lại những lời mời gọi của Chúa hay không. Chẳng hạn, Chúa có thể mời gọi để người đang toan tính gây ra sự dữ không muốn thực hiện ý định của mình nữa. Chúa có thể mời gọi để người không liên can lại muốn ra tay giúp người đang ở trong sự dữ. Chúa có thể mời gọi để người đang gặp sự dữ biết trông cậy, tìm nguồn an ủi nơi Chúa, hoặc trở nên khiêm tốn hơn, hay bao dung hơn đối với người khác, v.v.

Do đó, sự dữ to lớn nhất không phải là những điều xấu xảy ra, nhưng chính là tình trạng không nhận biết Chúa, không tin tưởng vào Chúa, chối bỏ Chúa và tệ hơn nữa là chống lại Chúa. Chính vì vậy mà chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ để nghe thấy những lời mời gọi yêu thương của Chúa từng giây phút. Mặt khác, chúng ta phải cầu nguyện cho nhau, nhất là cho người bị rơi vào những tình trạng nói trên. Vì nếu họ không có kết nối với Chúa, thì chính qua sự cầu nguyện của chúng ta, Chúa được kết nối với họ và có thể can thiệp trong lòng họ, Chúa không có quyền áp đặt lên sự tự do của họ nhưng Chúa có quyền nhậm lời chúng ta.

 

Bài 41 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose