40. “Chúa cho phép”
Chúng ta vẫn nghe nói “Chúa cho phép” để xảy ra một điều xấu nào đó. Trước kia, chính tôi cũng vẫn nói thế để rồi biện minh đó là vì lợi ích của chúng ta, cho đến khi tôi đọc được một bài viết của cha Maurice Zundel nói rằng cha thường nổi giận khi nghe ai nói như vậy. Vì Chúa không thể cho phép một người dùng một phương tiện xấu để đạt một mục đích tốt được.
Thật vậy, tôi tự hỏi nếu chính Chúa không dùng phương tiện xấu, nghĩa là Chúa không phải là thủ phạm của sự dữ, nhưng lại cho phép, như thế chẳng phải Chúa đã trở nên đồng lõa trong việc gây ra sự dữ, để rồi sau đó Chúa lại ra tay nghĩa hiệp cứu chúng ta ra khỏi sự dữ bằng cách biến nó thành một điều tốt cho chúng ta, theo kiểu “mượn đầu heo nấu cháo” sao? Chúa có thể chơi trò giả hình như thế được chăng? Lại càng giả hình hơn nữa nếu, một mặt, Chúa đồng lòng để cho sự dữ xảy ra bằng sự cho phép của mình, mặt khác, Chúa lại dạy chúng ta thưa cùng Người hằng ngày: “Xin cứu chúng con cho khỏi sự dữ”. Không, Chúa không thể nào làm như vậy được! Sự dữ là do Satan gây ra cho con người và do con người gây ra cho nhau. Chẳng những không cho phép, Chúa lại còn rất đau lòng khi nhìn thấy sự dữ xảy ra cho con cái mình.
Theo tôi, vì sách Gióp trình bày rằng Satan phải xin phép Chúa để thử thách ông Gióp, nên chúng ta mới cho rằng Chúa phải cho phép thì sự dữ mới xảy ra được, và nhằm mục đích là để sửa dạy hay giúp chúng ta nên hoàn thiện, còn oan cho Chúa hơn nữa là để phạt chúng ta. Nhưng tôi nghĩ sách Gióp cũng chỉ là một suy tư về sự dữ vào thời Cựu ước, tuy được linh hứng nhưng vì sự tiệm tiến của mạc khải, nên nó cũng có giới hạn của nó. Chân lý mà tôi rút ra từ sách Gióp là: Chúa chỉ có quyền tuyệt đối trên linh hồn con người, thứ duy nhất vô hình và vĩnh cửu. Còn tất cả những thứ khác của con người là hữu hình và nay còn mai mất, thì dường như Satan có quyền và con người có tự do để chi phối khi họ còn đang ở trên trần gian này. Trước khi tạo dựng nên con người, chắc hẳn Chúa đã biết những nguy cơ khi để cho Satan có quyền và con người có tự do như thế, nhưng Chúa biết chiến thắng cuối cùng sẽ thuộc về Chúa vì Chúa đã “nắm đàng chuôi” khi nắm quyền trên linh hồn con người.
Thật vậy, khi Satan và con người dùng tự do Chúa ban để gây ra sự dữ, Chúa không thể xâm phạm tự do của họ mà ngăn chận không cho sự dữ xảy ra, cũng vì vậy mà Chúa cũng không thể tránh được sự dữ cho Con của Người. Tuy nhiên, nếu chúng ta có rơi vào sự dữ, chúng ta biết rằng Cha của chúng ta luôn có đó, chỉ cần chúng ta kêu cầu Người thì Người sẽ có cách để biến sự dữ thành điều tốt cho linh hồn chúng ta. Chẳng hạn như Chúa có thể làm để sau khi cảm nhận được sự yếu đuối, giới hạn, bất lực của mình trước sự dữ, chúng ta sẽ sống phó thác hơn, khiêm tốn hơn, cảm thông với người khác hơn. Hoặc, khi nhận ra chính sự bất trung, bất nhất, bất toàn của mình đã khiến sự dữ xảy ra, chúng ta mới ý thức rằng không có Chúa, chúng ta chẳng là gì và không thể làm gì được, lúc đó, chúng ta mới “cho phép” Chúa lấy lại quyền làm chủ linh hồn mình và làm chủ đời mình từ nay và mãi mãi.
Bài 40 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.