4. Những lầm tưởng về cầu nguyện
Chúng ta thường hay dựa trên cảm xúc để đánh giá sự cầu nguyện của mình, nên bữa nào đến với Chúa mà thấy có cảm xúc dạt dào là cho bữa đó mình cầu nguyện “được” và muốn kéo dài thời gian ở lại với Chúa, bữa nào mà không có cảm xúc gì thì đứng dậy bỏ đi vì cho là mình cầu nguyện “không được”. Và chúng ta cũng dùng cảm xúc để đánh giá tình yêu của chúng ta đối với Chúa. Cách dựa trên cảm xúc để đánh giá tình yêu giữa con người với nhau đã là sai rồi, huống hồ lấy cách đó để áp dụng cho Chúa là Đấng vô hình và vô hạn. Thật vậy, nếu tình yêu chỉ dựa trên cảm xúc thì làm sao hai người dám thề hứa sẽ sống với nhau “khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi bệnh hoạn cũng như lúc mạnh khỏe”? Đương nhiên, thông thường, Chúa cũng phải nương theo cách của con người để “dụ” chúng ta đến với Chúa bằng cách cho chúng ta cảm xúc dạt dào khi đến với Chúa vào thuở ban đầu (thường là vì bị đánh động sau một cuộc gặp gỡ hay biến cố, một bài giảng hay bài viết, một kỳ tĩnh tâm hay linh thao). Nhưng nếu Chúa cứ phải cho chúng ta “ăn kẹo” hoài như thế để đến với Chúa thì làm sao chúng ta trưởng thành được trong tương quan với Chúa? Và cũng như trong mọi tình yêu nam nữ, cảm xúc ban đầu rồi cũng bớt dần, thay vào đó là một tình cảm sâu lắng khiến hai người có thể ở bên nhau hàng giờ mà không biết chán. Có khi chẳng có gì để nói với nhau, nhưng hai người vẫn muốn ở bên nhau, đơn giản là vì cảm thấy hạnh phúc trong tình yêu dành cho nhau.
Nhưng vì Chúa là Đấng vô hình nên khi hết cảm xúc rồi thì chúng ta cũng dễ quên là Chúa vẫn luôn có đó trong lòng chúng ta. Do đó, chúng ta bắt đầu cảm thấy buồn chán và mất thì giờ vô ích khi đến gặp Chúa. Chúng ta đừng vội nản và bỏ đi, nhưng hãy khiêm tốn nhận ra mình nghèo hèn, bất lực, và hãy để cho Chúa Thánh Thần làm công việc Thầy dạy của Người trong chúng ta. Điều duy nhất chúng ta có thể làm là ưng thuận và trung thành ở lại với Chúa mỗi ngày, như một hành vi đức tin. Như thế, Chúa Thánh Thần mới có thể vun tưới để hạt mầm đức tin mà Người đã gieo vào lòng chúng ta khi lãnh nhận bí tích Thanh Tẩy được sinh hoa kết trái. Quả thật, sau một thời gian trung thành ở lại với Chúa, chúng ta sẽ thấy được hoa trái của Chúa Thánh Thần (bác ái, kiên nhẫn, khiêm nhu, v.v.) nơi chúng ta, lúc đầu thì nhỏ bé sau lớn dần, và chúng ta cũng ngày càng bén nhậy hơn để nghe thấy tiếng Chúa và nhận biết Thánh Ý Người.
Bắt đầu tiến trình cầu nguyện, chúng ta có thể đi từ năm, ba phút, rồi tăng dần với thời gian, nhưng ít nhất cũng phải là mươi, mười lăm phút. Chúng ta đừng quên rằng càng ở lâu trong Chúa thì mình càng được hấp thụ ánh sáng, vẻ đẹp và sự thánh thiện của Người. Khi chúng ta đã ấn định thời gian nào thì cứ trung thành với thời gian ấy và bất kể điều kiện thời gian, tình cảm, thể lý thế nào, chúng ta cũng phải ưu tiên cho buổi “hẹn” này. Nếu không chúng ta làm cho Chúa lệ thuộc vào mình: khi nào chúng ta rảnh rỗi, có hứng hay cảm thấy khỏe khắn trong người thì mới “cho” Chúa gặp. Chúng ta càng đến gặp Chúa mà không cảm thấy hứng thú gì thì chúng ta càng tỏ lộ tình yêu của mình đối với Chúa, vì tình yêu với Chúa không dựa trên cảm xúc, nên nếu không hứng thú mà vẫn đến gặp là chúng ta đến vì Chúa chứ đâu phải vì mình, và để Chúa trên lợi ích của mình là yêu Chúa rồi.
Chúng ta cũng đừng sợ là nếu thân xác chúng ta mệt mỏi rồi dễ buồn ngủ nên cầu nguyện trong trạng thái đó là vô ích. Chúng ta hãy đến với Chúa trong tâm tình đơn sơ như trẻ nhỏ đến với cha mình. Nó có ngủ gục dưới chân cha, không những cha không đánh thức nó dậy mà còn bế nó lên ôm vào lòng cho nó ngủ yên, cảm động vì nó luôn muốn ở bên mình tuy đã buồn ngủ. Chúng ta phải nhớ rằng không phải do cố gắng của mình mà chúng ta làm được việc gì tốt lành, nhưng hoàn toàn là do quyền năng Chúa, nên dù chúng ta có tỉnh táo hay không, Chúa Thánh Thần vẫn là tác nhân chính, và vì Người là Thần Khí, nên dù thân xác và trí óc của chúng ta có như thế nào thì Người vẫn hành động được trên linh hồn chúng ta. Vì vậy, miễn là chúng ta không cố ý vào cầu nguyện để ngủ, nhưng nếu chúng ta có lỡ ngủ 59/60 phút thì cũng cứ an tâm.
Ngoài ra, chúng ta phải xác tín rằng tất cả những gì liên quan đến chúng ta, dù chỉ là một sợi tóc rơi, đều làm Chúa quan tâm, vì Người là Cha luôn yêu thương chúng ta. Do đó, nếu có điều gì làm chúng ta bận tâm đến nỗi xuất hiện trong đầu khi cầu nguyện, thì đó sẽ không phải là chia trí mà còn trở nên chất liệu cầu nguyện, nếu chúng ta biết đặt mình lại trong sự hiện diện của Chúa rồi nhìn sự việc, con người, tình cảm, v.v. đó cùng với Cha của mình, với ba tâm tình chủ yếu là tạ ơn, xin lỗi và xin ơn cùng Người. Và nếu trong một giờ cầu nguyện chúng ta có “chia trí” cả trăm lần, rồi sau khi ý thức, chúng ta đặt mình lại trong sự hiện diện của Chúa, thì cũng chẳng có vấn đề gì. Cuối cùng, chúng ta đừng đòi hỏi phải nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần mỗi ngày nơi mình mới cho là mình cầu nguyện “có hiệu quả”, vì hiệu quả của cầu nguyện chính là sự hiệp thông âm thầm và sâu thẳm ngày càng bền chặt hơn với Chúa trong lòng, khiến chúng ta được hạnh phúc.
Bài 4 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.