33. Chúa có công bằng không?
Chúa thường bị kết tội là không công bằng khi ban cho người này nhiều hơn người khác. Nếu chúng ta xét đoán Chúa theo tiêu chuẩn loài người và nghĩ rằng người nào được nhiều nhất là hạnh phúc nhất thì chúng ta có lý khi lên án Chúa. Nhưng nếu chúng ta biết rằng hạnh phúc đích thật của chúng ta là được trở nên giống Chúa là Cha chúng ta, thì người hạnh phúc nhất phải là người có nhiều điểm giống Chúa nhất. Trước tiên Chúa là Tình Yêu mà đặc tính của tình yêu là cho đi không tính toán, không chừng mực, không thiên vị, nên Chúa đã không giữ gì lại cho mình mà cho đi tất cả, ngay cả mạng sống mình, và cho mọi người không trừ một ai. Chính vì vậy Chúa trở nên Nghèo Khó, vì Chúa không còn gì. Và khi không còn gì thì Chúa trở nên Tự Do, không còn gì giữ được Chúa để hiến mình cho mọi người trong tình yêu nữa. Lòng của Chúa trở nên không giới hạn để có thể đón vào tất cả con cái Chúa là chúng ta với mọi thứ lỉnh kỉnh chúng ta lê theo, kể cả tội lỗi. Lòng Thương Xót của Chúa thật vô biên và Lòng Tha Thứ của Chúa thật khôn cùng.
Nếu hạnh phúc là không giữ gì lại cho mình, người có ít nhất chắc hẳn là người có điều kiện thuận lợi nhất; vì khi có ít hoặc không có gì, người ta dễ từ bỏ hơn. Chúng ta hiểu tại sao Đức Giêsu lại tuyên bố phúc cho người nghèo khó và khốn cho người giàu có là vậy. Quả thật, khốn cho người có nhiều phương tiện hơn người khác, dù là về mặt vật chất hay tinh thần, trí tuệ, nghề nghiệp, v.v., mà chỉ biết giữ lại cho mình và chỉ dùng để hưởng cho riêng mình. Và cũng khốn cả cho người không có những phương tiện này mà cảm thấy đau khổ và ganh tị với người khác. Nhưng phúc cho người coi những phương tiện họ có, như của cải chung được giao cho mình cai quản, và biết chia sẻ với người khác. Cũng như phúc cho những người biết vui vẻ chấp nhận tình trạng nghèo khó của mình và đón nhận không mặc cảm những phương tiện người khác chia sẻ cho mình. Chính nhờ vậy mà tình yêu được thông chuyển từ người này qua người kia và đem hạnh phúc đến cho mọi người, không phân biệt một ai và không cần điều kiện gì. Do đó, nếu tình yêu có gặp trở ngại là do lỗi của chúng ta muốn giữ lại cái gì đó cho riêng mình, và như vậy chính chúng ta tự làm cho mình mất hạnh phúc.
Vậy, nếu chỉ cần không giữ gì lại cho mình để được hạnh phúc thì ai có thể than rằng mình không được ban cho phương tiện để đạt đến hạnh phúc? Vì phương tiện để đạt đến hạnh phúc chính là không có bất cứ phương tiện gì, là không có bất cứ cái gì. Do đó, mọi người đều có thể đạt đến hạnh phúc. Chúng ta chỉ cần không giữ gì lại cho mình, phá tung các giới hạn trong chúng ta để có chỗ cho Đấng Vô Hạn vào được trong lòng chúng ta, cũng như là để đón tiếp các anh chị em chúng ta. Chính như thế mà chúng ta sẽ được hạnh phúc, dù điều kiện của chúng ta là thế nào chăng nữa: già hay trẻ, giàu hay nghèo, mạnh hay yếu, có học hay ít học, v.v. Xét cho cùng, để được hạnh phúc, chúng ta chỉ cần tìm lại được tình trạng ban đầu của chúng ta khi vào đời, với dấu ấn tình yêu làm hành trang cho mọi con cái Chúa như nhau, nhưng với thời gian chúng ta đã để cho phai mờ dần, mỗi người theo cách riêng của mình. Còn có thể nói là Chúa bất công hay không?
Bài 33 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.