LTD Bài 32. Có những cái chết bất công không?

by snHuyenBang

32. Có những cái chết bất công không?

Người ta luôn cảm thấy bất mãn khi thấy trẻ em hoặc người trẻ bị một căn bệnh hiểm nghèo hoặc bị chết sớm, lại càng bất mãn hơn nếu đó là những con người hiền lành, dễ thương. Người ta dễ chấp nhận cái chết xảy ra cho người già hay người gian ác hơn. Theo tôi, nếu chúng ta nghĩ cuộc đời chỉ giới hạn vào những năm tháng sống trên trần gian này thì chúng ta có lý khi bất mãn như thế, nhưng nếu chúng ta tin vào sự sống đời đời và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, cũng có nghĩa là sự phục sinh của chính chúng ta, thì chúng ta không thể nghi ngờ về tình yêu Chúa và lên án Chúa bất công vì bất cứ cái chết nào.

Chúng ta thử hình dung sự sống đời đời mai sau như số tiền cả tỷ đồng mà Chúa hứa ban, và mỗi năm sống trên đời này như bằng một đồng, có nghĩa là người sống 1 tuổi được 1 đồng, 10 tuổi được 10 đồng, và 100 tuổi được 100 đồng. Nếu chúng ta biết là sẽ có số tiền tiết kiệm lên đến cả tỷ đồng, thì thử hỏi có thêm 1, hay 10 hay 100 đồng đối với chúng ta có đáng là gì và có khác gì chăng? Do đó, so với sự sống đời đời, thì dù chúng ta có sống được 1 tuổi, 10 tuổi hay 100 tuổi trên đời này thì cũng không hệ trọng gì mấy vì sự khác biệt không đáng kể. Vả lại, khi chúng ta bắt đầu đón nhận sự sống trong lòng mẹ là như chúng ta được Chúa ban cho số vốn ban đầu để đầu tư, hầu đạt được số tiền cả tỷ đồng kia. Và Chúa rất công bằng và rộng lượng khi ban cho mọi người số vốn ban đầu như nhau là dấu ấn tình yêu của Chúa trong chúng ta. Chúa cũng bảo đảm số tiền lời kếch xù ấy cho mọi người khi qua thế giới bên kia, nhưng người được hưởng số tiền đó nhanh nhất lại là người giữ được cho số vốn ban đầu ít bị mất giá nhất, bất kể thời gian đầu tư của mỗi người nhiều hay ít. Nơi người càng trẻ, chắc chắn vốn đầu tư ban đầu này càng ít bị hư hao, vì họ càng ít bị ảnh hưởng bởi “sự khôn ngoan” của thế gian để chọn đầu tư vào những hướng thế gian cho là có lợi và tìm kiếm, nhưng lại thường đi ngược với hướng của tình yêu. Cũng vậy, những người ra đi sớm mà chúng ta thương tiếc nhiều nhất, chính bởi vì họ là những con người tốt, nên chắc chắn họ đã biết đầu tư vào tình yêu và làm cho vốn đầu tư ban đầu của họ không bị tổn thất.

Với cái nhìn đức tin, cái chết mà chúng ta vẫn coi như là sự dữ khủng khiếp nhất lại là cửa ngõ mà ai cũng phải đi ngang qua, bằng cách này hay cách khác, để được tái sinh trong Nước Trời, được trở về nhà cùng Cha nhân từ đang chờ đón để đưa chúng ta vào hưởng phúc đời đời. Như thế, làm sao có thể nói là Chúa nhẫn tâm hoặc bất công khi cho phép một người rời bỏ sớm hơn một nơi sống tạm bợ đầy sự dữ và đau khổ, và nếu có hạnh phúc thì cũng chỉ là phù du, để trở về nhà vĩnh viễn của mình, nơi chan hòa tình yêu và hạnh phúc vĩnh cửu? Trái lại chúng ta phải mừng cho người ấy, nhất là những người càng trẻ và càng tốt lành thì đường về của họ càng ngắn. Dĩ nhiên, chúng ta không khỏi cảm thấy đau khổ vì thấy sự dữ hoành hành nơi người thân yêu, hay vì bị mất mát, chia ly, nhưng chúng ta phải biết tất cả những điều đó chỉ là tạm thời. Vậy chúng ta có thể đau khổ, và đau khổ có thể giúp chúng ta nên tốt hơn, nhưng chúng ta không thể bất mãn, vì như thế không khéo chính chúng ta lại trở nên bất công với Chúa, và nếu chúng ta giận Chúa, cuộc đầu tư tình yêu của chúng ta lại có nguy cơ hỏng mất. Ai thiệt đây?

 

Bài 32 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan