LTD Bài 30. Nói về đau khổ

by snHuyenBang

30. Nói về đau khổ

Từ khi tôi biết chấp nhận đau khổ là mầu nhiệm, cũng như Thánh Giá là mầu nhiệm, tôi không còn bị lấn cấn về vấn đề đau khổ, nghĩa là tôi không còn thắc mắc tại sao Thiên Chúa toàn năng và tốt lành mà lại để xảy ra sự dữ và đau khổ nữa. Tôi chỉ cần biết Thiên Chúa là Sự Thiện nên từ Người không thể xuất phát được sự dữ. Thiên Chúa cũng là Cha và chắc chắn Người phải cảm thấy đau khi con mình bị đau và Người không để mặc chúng một mình trong đau khổ được. Tuy nhiên, Người không thể ngăn cản sự dữ xảy ra cho con cái mình vì Người đã tạo dựng nên chúng tự do và liên đới với nhau trong sự lành cũng như sự dữ. Chính vì sự liên đới này mà chính Con của Người cũng không được sự dữ buông tha khi xuống thế làm người. Đức Giêsu Kitô đã phải chịu bao nhiêu sự dữ do con người gây nên, trong khi Người là Đấng vô tội và Người đến chính là để cứu họ. Như thế, Đức Giêsu đã biết đến hình thức đau khổ khiến nhiều người căm phẫn nhất, sự đau khổ của những người vô tội.

Vì vậy, tôi không còn nhọc công tìm hiểu về đau khổ, nhất là của người vô tội, và cũng chẳng biện minh để cố gắng bảo vệ Thiên Chúa trước những người bất mãn nữa. Nếu Thiên Chúa muốn biện minh và bảo vệ mình, thì Đức Giêsu đã làm điều đó. Nhưng khi người ta chất vấn Người về bệnh tật mà người mù bẩm sinh phải chịu, Người chỉ nói: “Sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh” (Ga 9, 3). Vậy tôi là ai và tôi biết gì mà dám bảo vệ Thiên Chúa? Làm như thế là tôi xúc phạm đến Chúa và đến những người đang đau khổ. Vì là mầu nhiệm nên đau khổ mang chiều kích cá nhân, cũng như tương quan của mỗi người đối với Chúa là cá nhân. Tôi chỉ có thể tôn trọng và thinh lặng trước sự đau khổ của người khác. Tuy nhiên, tôi tin chắc là Chúa muốn nâng đỡ những người đau khổ, Đức Giêsu đã cho chúng ta hiểu rõ điều này qua hành động của Người. Vì vậy, tôi hiểu rằng ngay tại đây và lúc này, Người cần đến tôi để thay Người nâng đỡ kẻ khác hầu cho họ tin rằng Thiên Chúa yêu thương và không bỏ rơi họ trong đau khổ, và chính như thế mà “công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện. Về phần tôi, khi nâng đỡ người khác trong đau khổ, dù chỉ bằng lời cầu nguyện hay sự hiện diện âm thầm, tôi được sống yêu thương và đời sống của Thiên Chúa lớn lên trong tôi.

Sự dữ đen tối và mù quáng nên nó tấn công bất kể người tốt hay xấu và gây ra đau khổ cho mọi người. Nhưng vì đau khổ mang tính cá nhân, mỗi người phản ứng với đau khổ theo cách riêng của mình. Đối với tôi, Đức Giêsu là “Đường, Sự Thật và Sự Sống” (Ga 14,6), do đó tôi chọn chiêm ngắm thái độ của Đức Giêsu trong đau khổ để cố gắng làm theo. Tôi thấy Đức Giêsu không hề chấp nhận đau khổ, Người xin cùng Cha Người: Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này”. Nhưng ngay sau đó Người lại phó thác theo thánh ý Cha: Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39). Vậy, tôi phải làm cho nhẹ bớt hoặc diệt trừ đau khổ. Tôi không được phép muốn đau khổ như phương thế để thanh luyện hoặc cứu chuộc. Đau khổ cũng không được làm cho tôi nghi ngờ về Chúa và tình yêu Người, mặc dù trong khi khốn quẫn, theo bản tính loài người, tôi cũng có thể thốt lên như Đức Giêsu trên Thập giá: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34). Tuy nhiên, tôi thấy rõ lời nói cuối cùng của Đức Giêsu lại diễn tả sự phó thác hoàn toàn của Người vào Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).

Khi tôi đau khổ là lúc tôi đang phải giao chiến với sự dữ, chính lúc đó Thiên Chúa là Cha của tôi phải ở gần tôi hơn lúc nào hết để trông chừng và chờ đợi tôi dùng tự do của mình để cầu cứu Người là Người chạy đến với tôi ngay. Đau khổ chính là dịp tốt nhất để tôi thể hiện lòng tin của tôi vào Chúa, và chính nhờ tôi trông cậy và phó thác vào Chúa mà tôi được cứu độ, chứ đau khổ không hề có khả năng để chuộc tội. Vì tôi không thể tin là Thiên Chúa nhân lành lại có thể muốn Con của Người phải chịu khổ nạn để chuộc tội cho chúng ta. Nhưng chính vì Con vâng lời Cha tuyệt đối cho đến chết, mặc dù phải chịu đau khổ tột cùng, nên đã đền bù được sự bất tuân của ông bà nguyên tổ. Đồng thời khi chiến đấu chống lại sự dữ và kết quả tối hậu của nó là cái chết, Đức Giêsu đã cho cha của sự dữ là Satan thấy rằng cuối cùng Người đã chiến thắng, để những kẻ tin theo Người nhờ đó được cứu chuộc khỏi tội lỗi, sự dữ và cái chết và được hưởng sự sống đời đời.

Tuy nhiên, như thánh Phaolô khẳng định, “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8, 28), ngay cả đau khổ. Thật vậy, đau khổ làm tôi thấy không có gì là bảo đảm trên đời, và khi làm cho tôi ý thức rằng tôi không thể cậy dựa vào bất cứ ai hay cái gì thì đau khổ giúp tôi quay trở về với Chúa. Đau khổ cũng lột trần con người tôi, tôi không còn có thể mang những mặt nạ vẫn bảo vệ tôi khi trước nữa. Và vì không còn phải sợ bị lột mặt nạ nữa, tôi dễ đến với người khác hơn. Vả lại, khi không còn mặt nạ, quan hệ của tôi đối với họ cũng chân thành và đích thật hơn. Đau khổ cũng cho tôi biết rằng tôi thật yếu đuối, nghèo hèn, do đó, tôi trở nên khiêm tốn hơn, tôi không còn là mảnh đất chai cứng không thể thấm nước nữa, nhưng là mảnh đất mà đau khổ đã đào xới, cày sâu, để bây giờ có thể đón nhận những mầm sống mới, nhờ vậy tôi được phong phú hơn về mặt tinh thần. Từ đó, tôi hiểu hơn những lời hứa của Đức Giêsu trong Tám Mối Phúc Thật, vẫn được cho là mâu thuẫn với quan niệm về hạnh phúc của người đời: “Phúc cho người nghèo khó… Phúc cho người than khóc… Phúc cho người bị bắt bớ…”.

 

Bài 30 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

 

Những Bài Liên Quan