LTD Bài 28. Chúa cứu chúng ta như thế nào?

by snHuyenBang

28. Chúa cứu chúng ta như thế nào?

Chúng ta vẫn thường nghe nói: “Chúa cứu chúng ta”. Nhưng trước đây, tôi chẳng hiểu Chúa cứu ra sao vì vẫn thấy mình phạm tội và gặp phải tai họa, có khi còn nhiều hơn cả những người không tin Chúa. Khi sống thân tình hơn với Chúa, dần dần tôi cảm nếm được bình an và tự do, vì thấy mình ngày càng được giải thoát khỏi mọi ưu tư cho bản thân, mọi ganh ghét đối với tha nhân, mọi lo âu cho ngày mai, v.v., nói chung là được giải thoát khỏi mọi lo sợ.

1) Sợ Chúa mà chúng ta xem như một quan tòa nghiêm khắc chỉ luôn ở đó để rình rập xem mình có làm gì lỗi là phạt ngay, hoặc như một ông chủ khó tính mà mình chỉ tìm cách làm vừa lòng để hòng được trả công xứng đáng. Qua cầu nguyện, chúng ta sẽ khám phá Thiên Chúa là Cha chúng ta, Người thánh thiện, quyền năng và yêu thương chúng ta vô cùng. Như một trẻ nhỏ hoàn toàn tin tưởng vào cha mình, chúng ta phó thác vào Chúa và sống tự tin, không còn lo sợ gì nữa.

2) Sợ người khác vì họ có thể phán đoán và làm mình tổn thương. Trong Thiên Chúa là Tình Yêu và Chân Lý, chúng ta thấy rõ được con người mình, không còn ảo tưởng về mình nữa và mình thế nào thì chấp nhận mình thế nấy, như Chúa cũng yêu thương mình như vậy. Nhận thức rằng chỉ có cái nhìn yêu thương và tha thứ của Chúa trên mình là quan trọng, chúng ta không còn sợ người khác nghĩ hay nói gì về mình. Chúng ta không tìm đủ mọi cách để biện hộ, đánh bóng mình, hoặc làm cho người ta kính nể hay yêu mến mình nữa. Tìm kiếm sự thật, chúng ta không sợ nhận lỗi, xin lỗi, sửa lỗi và đứng dậy, dù có bị ngã “đến bảy mươi lần bảy”. Chúng ta cũng không còn ép mình làm hay không dám làm việc này việc kia, để tỏ ra mình là người tốt hay vì sợ bị cười chê trách cứ nữa. Chúng ta tự do hành động theo sự hướng dẫn của tình yêu, như thánh Âu-tinh nói: “Hãy yêu rồi muốn làm gì thì làm”. Trong Chúa, chúng ta cũng thông cảm được sự khốn cùng của người khác và không để cho những gì họ nói hay làm có thể làm tổn thương chúng ta nữa, vì chúng ta khám phá ra rằng đó thường là biểu hiện của những đau khổ mà chính họ đang phải gánh chịu.  

3) Sợ những tình huống xảy ra mà chúng ta không làm chủ được. Nếu chúng ta tin vào Chúa, chúng ta biết rằng Chúa làm chủ lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử của từng người chúng ta nói riêng, nếu chúng ta để Chúa dẫn dắt đời mình. Cho dù có xảy đến cho chúng ta những biến cố đau buồn mà chúng ta không hiểu được, chúng ta tin rằng Chúa không cho phép việc gì xảy ra mà không đem lại ơn ích cho mình, dù việc đó do chính sự dữ gây ra. Vả lại, không phải sự việc xảy ra làm chúng ta đau khổ cho bằng chính vì chúng ta đã có định kiến về điều đó là không tốt, là xui xẻo, theo cách nhìn của người đời. Vì có chuyện gì xảy ra chăng nữa thì hình ảnh của Thiên Chúa trong chúng ta, nghĩa là phẩm giá của chúng ta, không ai có thể xâm phạm được, trừ khi là chính chúng ta cố tình xâm phạm hoặc để cho người khác xâm phạm, và nếu phẩm giá của chúng ta còn thì chúng ta cũng vẫn còn nguyên vẹn.

Vậy, Chúa không cứu chúng ta bằng cách can thiệp từng trường hợp một để gìn giữ chúng ta khỏi tất cả những gì con người cho là họa và ban cho chúng ta tất cả những gì con người cho là phúc, về mặt vật chất cũng như tinh thần. Chúa cứu chúng ta bằng cách ban cho chúng ta sự sống của Người một cách dồi dào, đó là một đời sống yêu thương và chân thật đem lại cho chúng ta sự tự do và bình an nội tâm tự tại, mặc cho sự gì xảy đến. Nhưng với điều kiện chúng ta phải biết đón nhận và làm phát triển đời sống đó trong chúng ta nhờ cầu nguyện và Bí Tích. Qua Bí Tích Thánh Thể, Chúa muốn nuôi sống chúng ta hằng ngày bằng Lời, Mình và Máu của Người. Bàn tiệc vẫn dọn sẵn, Chúa mời chúng ta tham dự, chúng ta có được cứu hay không là còn tùy vào cách chúng ta đáp lại lời mời của Người.

 

Bài 28 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose