27. Thiên đàng, luyện ngục và hỏa ngục
Theo tôi, chúng ta không cần phải chết để biết đến thiên đàng. Khi chúng ta sống yêu thương, chúng ta cảm thấy hạnh phúc, và đó đã là thiên đàng rồi. Vì vậy, thiên đàng là Vương quốc Tình yêu, nơi tình yêu ngự trị và là nơi chúng ta yêu thương nhau và vì thế được hạnh phúc. Thật ra, thiên đàng không phải là một nơi chốn, vì sau khi chết, chúng ta sống trong một thế giới khác, nơi mà khái niệm về không gian và thời gian không còn nữa. Chúng ta chưa chết nên không biết thế giới ấy ra sao, nhưng kinh nghiệm bảo đảm với chúng ta rằng nếu chúng ta sống trong một thế giới tràn đầy tình yêu, chúng ta sẽ ở trong trạng thái hạnh phúc đời đời. Mặt khác, nếu chúng ta không yêu thương người khác, nếu chúng ta ghen tị với họ, nếu chúng ta không tha thứ cho họ và thậm chí mong muốn những điều xấu xảy ra cho họ, thì chúng ta đã sống trong hỏa ngục rồi, vì lòng bị thiêu đốt bởi lửa hận thù, ghen tị, tức giận, v.v. Do đó, hỏa ngục là trạng thái chúng ta có thể trải nghiệmkhi chúng ta không sống yêu thương, tìm cách làm hại người khác hoặc trả thù họ, khiến chúng ta thường xuyên bị dày vò và đau khổ.
Về luyện ngục, tôi hình dung như sau. Nếu thiên đàng là Vương quốc Tình yêu, thì trần gian này là trường học để chúng ta trau dồi ngôn ngữ và văn hóa tình yêu hầu có thể hòa nhập vào Vương quốc Tình yêu ấy. Có những người cả đời không biết đến, không có cơ hội hoặc không muốn đến học ở trường dạy yêu thương này. Có những người đã đến đây học và sau khi rời khỏi trường, người thì trình độ này, người thì trình độ kia. Tôi nghĩ những người đã đạt đến trình độ xuất sắc sẽ lên thẳng Vương quốc Tình yêu sau khi chết, vì họ có thể vào sống ngay tại đó “như cá gặp nước”. Trong khi những người khác phải theo học các lớp bổ túc, mỗi người theo trình độ của mình. Do đó, luyện ngục giống như trường học bổ túc này, nơi dành cho những ai muốn đều có thể trau dồi trình độ yêu thương của mình. Vì nếu mình không hoàn toàn thông thạo ngôn ngữ và văn hóa tình yêu, mình sẽ không thể sống hạnh phúc trong Vương quốc Tình yêu.
Vì thế, thiên đàng hay hỏa ngục không phải là phần thưởng hay hình phạt mà Chúa sẽ áp dụng cho mỗi người chúng ta. Chính chúng ta là người tạo ra thiên đàng hay hỏa ngục cho mình bằng cách chúng ta sống yêu thương như thế nào trên trần gian. Đối với người tin vào Chúa, nỗi lo sợ bị trừng phạt trong luyện ngục vì “tội nhẹ” và trong hỏangục vì “tội trọng” là không chính đáng. Chúa sẽ tự mâu thuẫn với chính mình nếu Chúa cho chúng ta vào hỏa ngục để trừng phạt chúng ta. Chúa chỉ là tình yêu, lòng tha thứ và lòng thương xót, Người không bao giờ trừng phạt chúng ta vì tội lỗi của chúng ta, Người chỉ có thể giúp chúng ta sửa mình để trở nên tốt hơn, dưới đất cũng như ở luyện ngục. Chúng ta không thể sửa mình ở hỏa ngục, vì vậy nếu Chúa chochúng ta vào đó, thì Chúa chỉ là người độc ác. Luyện ngục là một từ nên thay đổi vì “ngục” cho hiểu lầm là một nơi giam hãm chúng ta để phạt. Nhưng theo ví dụ ở trên, chúng ta có thể coi luyện ngục như “cơ may thứ hai” mà Chúa dành cho những đứa con chưa lấy được “bằng tốt nghiệp tình yêu” hầu “vớt” chúng. Hầu hết chúng ta sẽ trải qua giai đoạn này, dài hay ngắn là còn tùy ở trình độ yêu thương chúng ta đạt được trên trần gian, nhưng việc “ra trường” được bảo đảm cho mọi người.
Vì vậy, chỉ những ai cố tình từ chối sống yêu thương, chọn sống hận thù và không muốn sửa mình hoặc kêu cầu Chúa cứu, mới tự xây hỏa ngục để nhốt mình vào trong đó. Tuy nhiên, tôi dám hy vọng rằng, với bản chất là một người Cha giàu lòng thương xót, Chúa sẽ có kế hoạch khác để cứu những đứa con ngoan cố muốn quay lưng lại với mình, cũng như Người đã vạch ra cả một kế hoạch để cứu chúng ta sau tội nguyên tổ. Làm sao Chúa có thể để cho chỉ một trong những đứa concủa mình bị đi lạc, khi Người đã bỏ 99 con chiên khỏe mạnh để đi tìmcon chiên lạc? Đương nhiên, Chúa không thể lấy lại tự do mà Người đã ban cho con cái và chúng đã dùng để hủy hoại chương trình yêu thương của Người; nhưng vì Chúa là Thiên Chúa, nên đối với Người,mọi sự đều có thể. Và số cơ may Chúa dành cho con cái để trở về với Người không thể dưới 77 lần 7, chẳng phải Chúa đã dạy chúng ta tha thứ cho anh em mình bấy nhiêu lần đó sao?
Bài 27 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.