24. Yêu thương kẻ thù
Theo tôi, chính lời Chúa Giêsu kêu gọi yêu thương kẻ thù làm cho Kitô giáo trở nên độc nhất và khác biệt so với mọi tôn giáo khác. Thật ra, tôn giáo nào cũng dạy yêu thương và Chúa Giêsu cũng dạy như thế: “Anh em hãy yêu thương nhau”, nhưng Chúa không dừng ở đó và liền thêm: “như Thầy yêu thương anh em” (Ga 15,12). Chúa đã cho chúng ta thấy cách Chúa yêu như thế nào khi Chúa tha thứ và chết cho mọi người, kể cả những người giết Chúa. Vậy, khi kêu gọi yêu thương kẻ thù, Chúa muốn dạy chúng ta phải muốn điều tốt và tha thứ cho những kẻ muốn làm hại hoặc đang làm hại mình, bằng cách cụ thể là cầu nguyện cho họ: “Anh em hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5,44). Mọi tôn giáo đều nhắm đến hạnh phúc của con người, vậy lời kêu gọi yêu thương kẻ thù, là đặc điểm và cốt lõi của Kitô giáo, đem lại cho chúng ta một niềm hạnh phúc khôn sánh như thế nào?
Chính Chúa Giêsu đã giải thích rõ ràng tại sao lại phải yêu thương và cầu nguyện cho kẻ thù, vì: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,45). Như thánh Gioan đã định nghĩa, Thiên Chúa là Tình Yêu, do đó, chỉ khi chúng ta yêu thương như Người thì chúng ta mới gặp được Người và kết hiệp với Người trong tình Cha con. Còn gì hạnh phúc cho bằng được kết hiệp với Tình Yêu? Vì vậy, dù chúng ta có giữ đạo nghiêm chỉnh, có làm bao nhiêu việc đạo đức, bác ái, nhưng nếu chúng ta chưa sống được đòi hỏi yêu thương kẻ thù này, chúng ta vẫn còn ở ngoài Kitô giáo, vẫn chưa trở nên con Chúa, và hạnh phúc Chúa muốn chia sẻ với chúng ta vẫn còn ở rất xa tầm với.
Ngoài ra, việc không tha thứ cho người khác là cửa ngõ để ma quỷ xâm nhập vào linh hồn chúng ta. Chúa Giêsu đã chú trọng đến việc tha thứ trong lời nguyện duy nhất Người dạy chúng ta thưa cùng Chúa Cha, điều này cho thấy tha thứ cần thiết cho sự sống còn của linh hồn như lương thực đối với thân xác vậy: “Xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Chỉ khi tha thứ, chúng ta mới có thể thắng vượt cám dỗ và được cứu khỏi sự dữ. Tuy nhiên, phải hiểu rõ rằng nếu chúng ta không tha thứ cho người khác, không phải vì thế mà Chúa sẽ không tha thứ cho chúng ta, vì tình yêu của Chúa là vô điều kiện, nhưng chính ma quỷ sẽ ngăn cản ơn Chúa tác động nơi chúng ta. Thật vậy, vì chúng ta không để cho Chúa chiếm hữu nên ma quỷ tha hồ hoành hành nơi chúng ta và giam hãm chúng ta trong tội, như thế làm sao chúng ta có thể hạnh phúc được?
Cuối cùng, vì Chúa tôn trọng tự do của chúng ta nên Người chỉ có thể can thiệp khi chúng ta cầu xin. Dù kẻ thù của chúng ta có biết Chúa hay không, chúng ta phải cầu nguyện cho họ để Chúa có thể can thiệp, không chỉ vì lợi ích của họ mà còn vì hạnh phúc của chúng ta nữa. Thật vậy, lúc đó Chúa mới có “cớ” để tác động lên họ, vì tuy họ không xin nhưng Chúa có quyền nhậm lời chúng ta. Khi Chúa biến đổi được họ thì tương quan của họ với chúng ta cũng được biến đổi và mới có cơ may chuyển từ thù ghét sang yêu thương. Tuy tiến trình này có thể kéo dài và không diễn ra như chúng ta mong đợi, nhưng chúng ta tin chắc rằng khi chúng ta cầu nguyện cho kẻ thù, Chúa thấy chúng ta đang sống yêu thương, làm sao Chúa không nhậm lời chúng ta được?
Lạy Chúa, Chúa chỉ muốn hạnh phúc đích thật và vĩnh cửu cho chúng con, chúng con xin tạ ơn Chúa vì đã dạy chúng con yêu thương kẻ thù, đó là con đường duy nhất để đưa chúng con đến hạnh phúc ấy ngay đời này. Xin Chúa ban cho chúng con con tim của Chúa để, như Chúa, chúng con có thể yêu thương kẻ thù vì hạnh phúc của chúng con.
Bài 24 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.