20. Tản mạn về linh mục
Khi Chúa gọi một người làm linh mục, có phải vì người ấy sống xứng đáng và làm đẹp lòng Chúa hơn người khác không? Có phải vì người ấy quảng đại muốn hiến thân cho Chúa và phục vụ Giáo Hội không? Khi tường thuật lại việc Chúa Giêsu thành lập Nhóm Mười Hai, thánh Mác-cô (3,13) cho biết: “Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người“.
Vậy Chúa gọi ai làm linh mục là chỉ vì Người “muốn”, là do thánh ý của Người, chứ không vì một lý do nào xuất phát từ người ấy cả. Và như vậy, các linh mục được gọi chỉ vì trong kế hoạch yêu thương của Người dành cho nhân loại, Thiên Chúa cần có những người ngay ở đây và lúc này, trong sứ vụ linh mục, làm trung gian thông chuyển ơn của Người cho những người đang hướng lên Chúa và kêu cầu Người. Cũng như Chúa cần có những người khác ngay ở đây và lúc này làm chứng cho Chúa qua việc thông truyền tình yêu của Chúa cho người chung quanh trong một sứ vụ khác, chẳng hạn như là giáo viên, y sĩ, công nhân, hay là cha mẹ, là anh chị, là con em, v.v. Nên thật ra, ai cũng có ơn gọi riêng của mình và phúc thay cho những người nhận ra được điều này khi họ sống và làm công việc hàng ngày của họ ngoài xã hội, cũng như trong gia đình, họ sẽ sống và làm hết lòng để danh Chúa được cả sáng. Và ngay cả những người đau yếu bệnh tật nằm một chỗ không làm được gì, nếu họ đón nhận tình trạng đó như một ơn gọi thì có khi họ còn làm chứng được cho Chúa nhiều hơn cả những người mạnh khỏe tài ba lỗi lạc mà không nhận ra ơn Chúa nơi mình.
Vậy, linh mục không nên xem mình là người được Chúa thương hơn hay ban ơn hơn ai hết khi được gọi làm linh mục. Và cái phúc mà các ngài có, là được biết rõ rằng các ngài đang sống một ơn gọi của Chúa khi được thiết lập vào sứ vụ linh mục lại càng buộc các ngài phải sống ơn gọi này một cách trọn vẹn hơn nữa. Ngoài ra, việc truyền chức linh mục lại được xem như một bí tích, do vậy đây là một ơn gọi thiêng liêng trọng đại và đặc biệt. Thật vậy, ơn gọi linh mục là một ơn trọng đại và đặc biệt, vì các ơn gọi khác chỉ nhằm xây dựng và phát triển những gì thuộc về đời sống hiện tại nơi trần thế cùng những tương quan giữa người và người. Nhưng linh mục được kêu gọi để giúp những người khác xây dựng và phát triển những gì thuộc về đời sống tâm linh chuẩn bị cho mai sau, cùng tương quan của mỗi người với Chúa. Giúp được cho người khác phát triển một tương quan đúng đắn với Chúa, tương quan Cha con, là điều tối cần thiết, vì chính nhờ vậy mà cuộc đời của một người sẽ thay đổi theo chiều hướng tốt đẹp, và đó chính là sứ vụ của linh mục.
Vậy tại sao thường các linh mục lại không hướng dẫn được những anh chị em Chúa giao cho các ngài đi đến được một tương quan đúng đắn với Chúa? Phải chăng vì chính các ngài cũng chưa thiết lập được tương quan Cha con với Chúa? Và tại sao các ngài chưa có được tương quan ấy? Phải chăng vì các ngài không ở lại đủ với Người? Thánh Mác-cô (3,13-14) cho biết tiếp: sau khi Chúa Giêsu “lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người”thì “Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng”. Vậy Chúa Giêsu lập Nhóm Mười Hai “để các ông ở với Người” trước khi “để Người sai các ông đi rao giảng”. Chúa Giêsu cũng đã nói: “Không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5), do đó các linh mục đi rao giảng thế nào được nếu các ngài không ở lại với Chúa, để chiêm ngắm Chúa, để Chúa huấn luyện các ngài liên lỉ để biết nhìn, biết nghe, biết nói, biết hành động, biết yêu thương như chính Người? Vì rao giảng đâu phải chỉ là nói về Thiên Chúa cho người ta nhận biết Người, nhưng điều chính yếu là các ngài phải thể hiện được Chúa, phải làm chứng được cho Chúa bằng cả con người và đời sống các ngài. Như Đức Phaolô VI đã nói: “Con người thời đại ngày nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn những thầy dạy”.
Các linh mục nói cho người ta nghe về Thiên Chúa là Đấng Vô Hình, mà nếu chính các ngài là người rao giảng không thể hiện cho thấy được phần nào bản chất chính yếu của Đấng Vô Hình đó là Tình Yêuthì làm sao người ta có thể thấy được Thiên Chúa là Tình Yêu? Và nếu các ngài không ở lại thường xuyên trong Đấng là Tình Yêu thì các ngài cũng không thể hiện được điều này. Các linh mục cũng là con người nên cũng như mọi người các ngài dễ bị ảnh hưởng của môi trường xung quanh. Nếu các ngài không thường xuyên ở lại trong Chúa và với Chúa thì các ngài sẽ dễ dàng bị tiêm nhiễm cách nhìn, cách suy nghĩ, cách hành động của thế gian, mà thường đi ngược lại với cách của Chúa. Các linh mục đừng nghĩ đến những điều gì trái ngược hiển nhiên, Satan thường rất tinh vi và luồn vào những nơi có sự thật và tình yêu nửa vời để hoạt động. Chẳng hạn như sau khi Chúa Giêsu tỏ lộ cho các môn đệ biết về cuộc khổ nạn và cái chết của mình, thánh Phêrô đã lên tiếng ngăn cản vì nghĩ rằng Thầy mình quyền năng có thể tự cứu mình khỏi cảnh đó. Nhưng lúc đó Chúa Giêsu đã nói cùng thánh Phêrô: “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, anh làm cớ cho Thầy vấp phạm, vì anh chẳng hiểu biết những gì thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người” (Mt 16,23). Và nếu các linh mục cũng “chỉ hiểu biết những sự thuộc về loài người” như thế, thì làm sao các ngài mong hướng dẫn được những người khác về với Chúa như ơn kêu gọi của các ngài? Cuối cùng các linh mục cũng được kêu gọi nên thánh để có thể hướng dẫn người khác nên thánh, vì mọi người đều được gọi nên thánh, và các ngài cũng chỉ có thể nên thánh, không phải bằng nỗ lực của mình, nhưng bằng cách ở lại thường xuyên nơi Đấng Thánh Duy Nhất là Thiên Chúa.
Bài 20 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.