LTD Bài 2. Tương quan với chúa như thế nào

by snHuyenBang

2. Tương quan với Chúa như thế nào?

Nếu muốn có một tương quan đúng đắn với Thiên Chúa, thì tin Chúa thôi chưa đủ. Vì chúng ta có thể tin Chúa như Đấng tạo thành trời đất, hoặc như một Đấng quyền năng thấu rõ tâm can mình và sẽ thưởng cho mình khi mình làm lành và phạt mình khi mình phạm tội. Khi có cái nhìn về Chúa như vậy, chúng ta sẽ tuân theo Chúa vì mình, vì sợ mình bị phạt, vì muốn mình được thưởng. Chúng ta sẽ trung thành đi “xem lễ” ngày chủ nhật và nghiêm chỉnh làm tất cả những gì Hội Thánh “buộc”, và xem như thế là đã nắm chắc tấm vé vào thiên đàng rồi. Chúng ta cũng sẽ xin lãnh nhận tất cả các bí tích cần thiết: rửa tội, thêm sức, hòa giải, hôn phối, nhưng chúng ta cũng thường làm theo tục lệ, mấy ai hiểu được rằng vì yêu thương con người nên Thiên Chúa muốn đồng hành để nâng đỡ con người trong từng ngày cũng như trong mọi giai đoạn của cuộc đời. Do đó, Người ban bí tích là những dấu chứng hữu hình để trợ giúp con người bằng những ơn vô hình. Nên chúng ta luôn cảm thấy bị gò bó bởi những giáo điều vì chúng ta vẫn xem rằng chúng được áp đặt từ bên trên và người ta chỉ áp dụng chúng ở bên ngoài “cho phải phép”.

Tiếc thay, phần lớn trong chúng ta vẫn còn “giữ đạo” theo kiểu này. Khi phải ép mình theo đạo như thế, chúng ta vừa không có tự do nội tâm mà Chúa muốn cho con cái Người, chúng ta lại vừa không có được niềm hân hoan hạnh phúc khi được làm con cái Chúa. Phải chăng là vì chúng ta chưa có được hình ảnh về Thiên Chúa là Cha yêu thương? Chúng ta chưa thiết lập được một tương quan mật thiết với Chúa trong tình Cha con? Vì nếu chúng ta có được một tương quan như thế với Chúa, chúng ta sẽ tự do và hạnh phúc vô vàn, vì chúng ta sẽ không làm lành lánh dữ để được thưởng hay để đừng bị phạt như trong quan hệ chủ tớ nữa. Mọi việc chúng ta làm là vì Cha, để đáp lại lòng Cha đã yêu thương mình, và chúng ta cũng luôn muốn làm theo ý Cha mình. Chúng ta cũng không còn phải sợ điều gì, vì một người Cha mà đã dạy chúng ta phải tha thứ cho kẻ khác đến “bảy mươi lần bảy” thì có thể nào kết tội và phạt chúng ta khi chúng ta yếu đuối, sa chước cám dỗ và làm điều gì xấu không? Miễn là sau đó chúng ta biết hối lỗi, quay trở về với Cha là Cha đã ôm chúng ta lại vào lòng mà chưa cần chúng ta mở miệng nói lời xin lỗi, như dụ ngôn của thánh Luca về Người Cha nhân lành cho chúng ta thấy. Và chúng ta cũng không còn phải sợ gì nữa, khi có một người Cha như người chăn chiên nhân lành dám bỏ lại 99 con chiên mạnh khỏe để đi kiếm một con chiên lạc.

Vậy chúng ta còn chần chừ gì nữa mà không bắt đầu thiết lập một tương quan như thế với Chúa qua cầu nguyện? Tương quan nào cũng cần thời gian để thiết lập, cả với Chúa cũng vậy, chúng ta kiên nhẫn nhé!

Bài 2 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan