19. Ơn ích của tội
Sau mỗi lần xưng tội, tôi chưa kịp hưởng được lâu cảm giác lâng lâng vui sướng vì mình được sạch tội thì tôi đã rơi lại vào tội. Tôi lại tức mình và chờ đến lần xưng tội sau, rồi sự việc trên lại tái diễn, ngoài sự mong muốn và kiểm soát của tôi. Nay tôi đã hiểu ra ý nghĩa của sự việc này qua bài nói chuyện của Đức Thánh Cha Phanxicô dựa trên đoạn Tin Mừng của thánh Matthêu 12,43-45: “Khi thần ô uế xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi mà tìm không ra. Bấy giờ nó nói: ‘Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi.’ Khi đến nơi, nó thấy nhà để trống, lại được quét tước, trang hoàng hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc, tình trạng của người ấy lại còn tệ hơn trước”.
Hầu hết, ai cũng mong mình không phạm tôi và được ở trong tình trạng sạch tội, nhưng trong thân phận con người, chúng ta biết là điều này không thể được. Vả lại, việc này chỉ đem lại cho chúng ta cảm giác hài lòng về mình, cho dù là hài lòng vì đã làm đẹp lòng Chúa. Nhưng sự hài lòng về mình chỉ có thể dẫn chúng ta đến sự tự mãn, mất cảnh giác và không cảm thấy cần đến ơn Chúa nữa. Thật vậy, sau khi xưng tội, lòng mình như “được quét tước, trang hoàng hẳn hoi”, mình cảm thấy an tâm và không cần canh chừng lòng nữa nên “để nhà trống”. Thế là quỷ dễ dàng rủ nhau đột nhập lại vào lòng mình và tình trạng của mình “lại còn tệ hơn trước”.
Chính thánh Phaolô cũng đã từng trải nghiệm tình trạng này và cho biết lý do tại sao Chúa vẫn để ngài phạm tội: “Và để tôi khỏi tự cao tự đại vì những mặc khải phi thường tôi đã nhận được, thân xác tôi như đã bị một cái dằm đâm vào, một thủ hạ của Xatan được sai đến vả mặt tôi, để tôi khỏi tự cao tự đại. Đã ba lần tôi xin Chúa cho thoát khỏi nỗi khổ này. Nhưng Người quả quyết với tôi: ‘Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.’ Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Kitô ở mãi trong tôi. Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Kitô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12,7-10)
Vậy, việc phạm tội, nhất là những tội cũ mà chúng ta đã dốc lòng chừa biết bao lần, sẽ giúp chúng ta có được cảm thức về sự yếu đuối của bản thân để biết trở nên khiêm tốn hơn, và đây là nhân đức cần thiết để chúng ta có thể len qua được cánh cửa hẹp của Nước Trời. Lúc đó, chúng ta sẽ biết cậy nhờ vào lòng thương xót của Chúa chứ không phải cậy dựa trên nỗ lực của mình để sống thanh thản. Chúng ta sẽ biết thông cảm với sự yếu đuối của tha nhân, sẽ yêu thương họ hơn và cảm thấy liên đới với họ trong thân phận con người. Chúng ta sẽ không còn xét đoán nhau và so sánh tội lớn tội nhỏ, tội nhiều tội ít, vì tội cũng như những hòn đá, lớn hay nhỏ, nhiều hay ít, thì cũng không là gì trong đại dương bao la của lòng thương xót Chúa.
Tóm lại, tội là xấu và chúng ta phải tránh, nhưng nếu vì yếu đuối hay mất cảnh giác mà chúng ta có lỡ rơi vào tội, thì chúng ta không nên bối rối, vì như thánh Phaolô nói: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người” (Rm 8,28). Không phải vì Chúa thay đổi sự việc cho họ, nhưng vì cái nhìn của họ được biến đổi trong đức tin, khiến họ nhìn được mọi sự, dù tốt hay xấu, đều có ý nghĩa trong kế hoạch yêu thương của Chúa dành cho thế gian và từng người. Do đó, người có đức tin càng sâu xa thì càng được vui sướng, vì họ càng thấy được ý nghĩa của mọi sự để dễ dàng chấp nhận cả những sự xấu với lòng tin tưởng vào tình yêu Chúa.
Bài 19 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.