- Tâm tình người mẹ
– Lá ơi, sao em thấy xót xa cho lá quá! Em thấy lá thương và lo cho mấy em cai nghiện biết là chừng nào, mà sao mấy em không biết nghĩ tới lá và tương lai của mình mà cứ phạm tội dùng lại ma tuý để lá phải cho về vậy?
– Lá cho em này về không phải vì em dùng ma tuý mà vì em gian dối và không nhận tội, như thế là em không có thiện chí, lá đâu giúp gì được nữa thì phải cho em về thôi. Chứ còn em dùng lại ma túy thì như em yếu đuối phạm lại tội của em, thì cũng như mình phạm lại tội của mình thôi. Lá mà không tha cho em, sao Chúa tha cho lá được? Chúa cũng thương lá mà mỗi lần lá phạm tội là lá cũng đâu nghĩ gì tới Chúa và tương lai của lá đâu, mà lại là tương lai đời đời nữa chứ! Vậy, lá có hơn gì mấy em đâu?
– Vậy sao lá không cho em ấy một cơ hội nữa?
– Lá đã cho em này nhiều cơ hội rồi, nhưng không lần nào thấy em có thái độ hối lỗi cả. Giờ của em chưa đến, lá biết sao đây? Vì Chúa có kế hoạch yêu thương cho từng người mà mình không biết được. Và có khi đối với em này, em phải đi thêm nữa hay có khi đi đến tận cùng của việc sa đọa như đứa con hoang đàng để mới quyết định quay trở về và cảm nhận được thực sự lòng thương xót của Chúa. Như thế có khi lại còn tốt hơn là sống ngoan ngoãn như người anh cả trong dụ ngôn, cứ tưởng như thế là tốt đẹp dưới mắt mình và mọi người, nhưng cả đời cứ sống như kẻ làm công và không bao giờ biết đến hạnh phúc làm con Chúa thực sự ra sao hết.
– Vậy lá có buồn khi cho em ấy về không?
– Tại sao lại phải buồn? Chuyện của Chúa mà, Chúa đưa ai vào tay mình lúc nào thì mình lo lúc đó, nhưng còn tự do của em ấy nữa, Chúa còn không làm được gì thì lá làm gì được đây?
– Nhưng ít nhất lá để cho em ấy ở đây, lá còn tiếp cận được để dạy dỗ và giúp cho em ấy từ từ chứ.
– Nhiều khi để em ấy ở lại đây là còn khuyến khích cho em ấy phạm tội thêm nữa đó.
– Ủa, lá nói gì kỳ vậy?
– Lá là một cám dỗ thường xuyên cho em ấy phạm tội với tính dễ tin của lá và chủ trương luôn tin các em khi lá không chắc là các em nói dối. Bao nhiêu lần em ấy không vượt qua được và rơi vào cám dỗ nên phạm tội. Nên vì lợi ích của em ấy mà lá phải cho em ấy về đó. Chứ nếu như lá giận mà cho em ấy về, là lá làm vì lá rồi, chứ có yêu thương gì em ấy đâu, thì làm sao lá dạy các em sống yêu thương được? Em ấy biết vậy nên về mà cũng không giận gì lá hết, và cũng biết là sau này vẫn có thể nhờ cậy đến lá khi muốn thực sự quay về.
– Nếu lá không giận có nghĩa là lá không cảm thấy bị tổn thương sao?
– Tại sao lại phải tổn thương? Các em đến với lá cũng như bệnh nhân tìm đến bác sĩ. Có bao giờ bác sĩ cảm thấy bị tổn thương khi bệnh nhân không chịu hợp tác nên bác sĩ không chữa trị được cho khỏi bệnh không?
– Nhưng em thấy lá đâu có xem mấy em như bệnh nhân, lá còn xem mấy em hơn con nữa đó.
– Như thế lại càng khó bị tổn thương hơn nữa đó bạn. Bạn thấy không, trước tội của con, có người mẹ nào lại có thái độ chỉ trích hay lên án con đâu, người mẹ chỉ lo sửa dạy con thôi, và nếu người mẹ làm tất cả vì con thì chắc chắn sẽ quên bản thân mình, lúc đó còn gì để cảm thấy bị tổn thương nữa đây? Nên nếu mình làm công tác giúp các em cai nghiện, mình phải có được tâm tình người mẹ, nếu không mình sẽ luôn cảm thấy bị tổn thương vì thấy các em như vô ơn và những gì mình làm cho các em như công cóc. Nhưng mình phải nhớ các em đang là nô lệ của ma tuý và điểm khởi đầu của các em là âm, nên mình không thể trông mong ở các em như đối với người bình thường được. Mình phải biết các em rất vất vả để tiến bước và sẽ trượt ngã dài dài, nên chỉ cần thấy được chút cố gắng từ phía các em là phải nâng đỡ và dìu các em đi tiếp rồi. Nhưng Chúa gọi ai vào nhiệm vụ nào thì sẽ ban cho ơn xứng hợp thôi, chứ không có ơn Chúa, sao lá làm nổi công việc này?
– Vậy em an tâm rồi, em tạ ơn Chúa cùng với lá nhé!
Bài 150 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.