LTD Bài 14. Tại sao người ta “bỏ” Chúa?

by snHuyenBang

14. Tại sao người ta “bỏ” Chúa?

Tôi nghĩ rằng vì ngay từ lần tiếp xúc đầu tiên với Chúa, nghĩa là từ khi mới có trí khôn, cha mẹ cũng như giáo lý mình được học để rước lễ lần đầu (nhiều người chỉ ngừng ở đó, có người khá hơn thì còn được học thêm một lần giáo lý nữa trước khi lãnh nhận bí tích thêm sức) đã không giới thiệu ngay cho mình một Thiên Chúa “dễ thương”, có nghĩa là một người Cha vô cùng tốt lành và yêu thương mình.

Một người cha chỉ ban cho con mình những điều tốt với điều kiện là nó phải ngoan có phải là một người cha tốt lành thật sự hay không ? Chưa nói đến nếu nó hư thì sẽ bị phạt. Với một người cha như vậy, chúng ta chỉ có thể cố gắng đừng “hư ” và muốn làm tất cả những gì có thể chứng tỏ cho ông thấy là mình ngoan để ông ban điều tốt cho mình, chứ làm sao chúng ta có thể cảm thấy yêu ông được, vì ông có quan tâm và yêu thương gì mình đâu, mặc dù chúng ta luôn nghe nói là ông rất yêu thương con người đến nỗi đã chịu chết để cứu chuộc họ. Chúng ta nghe thì cũng biết vậy mà chúng ta cũng chẳng biết ông cứu chuộc mình cái gì nữa, vì nhiều lần chúng ta vẫn cứ “hư” và còn gặp bao nhiêu điều không hay xảy ra cho mình nữa. Với hình ảnh về một Thiên Chúa như vậy, chúng ta chỉ nhìn ông như một quan tòa, và tệ hại hơn nữa lại là một quan tòa cứng nhắc, không bao giờ biết xét đến những yếu tố giảm khinh, cứ hư là phạt thôi không cần biết hoàn cảnh hay nguyên nhân nào đã dẫn đến hành vi phạm tội. Một quan tòa như thế thì chúng ta chỉ có thể sợ chứ làm sao có cảm tình cho nổi, huống chi là yêu thương như chúng ta vẫn được dạy là phải yêu thương Chúa?

Vì vậy chúng ta có thể bị ép hay tự ép mình làm theo những nghi thức và tuân theo những lề luật đến một lúc nào đó mà nếu chúng ta vẫn không khám phá được Thiên Chúa yêu thương và thiết lập được mối tương quan mật thiết với Chúa qua cầu nguyện, thì chúng ta sẽ rơi vào một trong hai tình trạng sau đây. Hoặc chúng ta sẽ can đảm “bỏ đạo”, nghĩa là chúng ta chấm dứt không “giả bộ sống đạo” như cái máy không hồn nữa, và chịu để những người vẫn “ngoan ngoãn theo đạo” (chứ chưa chắc là theo Chúa) lên án mình. Hoặc chúng ta vẫn trung thành đi “xem lễ” ngày chủ nhật và nghiêm chỉnh làm tất cả những gì Hội Thánh “buộc”. Trong trường hợp này, chúng ta không có sự tự do nội tâm mà Chúa muốn cho con cái Chúa, chúng ta luôn cảm thấy bị gò bó bởi những giáo điều vì chúng ta vẫn xem rằng chúng được áp đặt từ bên trên và chúng ta chỉ áp dụng chúng ở bên ngoài “cho phải phép”. Chúng ta cũng không coi trọng các bí tích vì chúng ta không hiểu được là vì yêu thương con người nên Thiên Chúa muốn đồng hành để nâng đỡ con người trong từng ngày cũng như trong mọi giai đoạn của cuộc đời qua bí tích. Do đó, Chúa ban bí tích là những dấu chứng hữu hình để trợ giúp con người bằng những ơn vô hình.

Thật cần thiết là mỗi người tự xưng là Kitô hữu phải đi đến được cái cảm nghiệm về một Thiên Chúa đích thật, là Cha yêu thương vô bờ bến, để chuyển đạt cho mọi người chung quanh hình ảnh về một Thiên Chúa như thế. Nhất là những bậc làm cha mẹ, để có thể truyền đạt cho con cái mình ngay từ nhỏ diệu cảm này về Thiên Chúa, đó là hành trang vào đời quý giá nhất mà bậc cha mẹ có thể trao cho con cái mình. Còn đối với những người trưởng thành có cảm tình và muốn theo đạo Kitô giáo họ cũng phải được hướng dẫn ngay để thiết lập được với Chúa một tương quan mật thiết trong tình con thảo. Không kể trường hợp theo đạo để lập gia đình thì thường một người muốn theo đạo là vì chính họ đã được lãnh nhận một ơn do cầu xin Chúa hay Đức Mẹ, hay vì họ thấy một người theo Chúa sống tốt lành hay được nhiều ơn, và nghĩ mình theo Chúa thì cũng được như vậy. Vì thế, nếu những người đi trước trong Giáo Hội không đưa họ đến với Thiên Chúa qua lòng yêu mến Chúa trong tình con thảo, nhưng vẫn nhấn mạnh trên những ơn Chúa ban, phép lạ Chúa làm để họ tin vào Chúa, thì họ dễ bị rơi vào tình trạng tin Chúa như tin ông Thần Đèn trong chuyện thần thoại Ả Rập. Khi cần gì thì mới gọi ra phán bảo để ông ấy mang lại cho mình, rồi sau đó lại xếp ông ấy vào một xó, đến khi nào cần gì khác thì mang ông ấy ra phán bảo tiếp. Và đến khi nào thấy ông ấy không còn làm theo ý mình nữa thì cho là ông ấy hết linh và vứt ông ấy vào sọt rác. Rất nhiều người chỉ có với Chúa một quan hệ như thế nên chẳng lạ gì nếu sau đó người ta bỏ Chúa. Nhưng những ai đã khám phá ra Thiên Chúa là Cha yêu thương, thì tương quan của họ với Chúa sẽ khác hẳn và họ khó có thể bỏ Chúa mà đi được, cho dù có được ơn như mình mong muốn hay không, thậm chí lúc đó họ không còn cảm thấy phải xin ơn gì cho mình nữa vì tin tưởng Cha đã lo liệu mọi sự cho mình rồi. 

Tóm lại, Chúa tùy thuộc vào chúng ta để làm cho người ta biết đến Chúa, nên nếu chúng ta có thấy những người chung quanh mình dửng dưng với Chúa, thậm chí ghét Chúa, thì trước tiên phải xem mình đã diễn tả Chúa ra như thế nào để họ không cảm thấy yêu mến Người. Vì chắc chắn nếu hình ảnh một Thiên Chúa là Cha yêu thương và dễ mến được biểu hiện qua mình thì không thể nào mà họ không yêu mến Người được. 

Bài 14 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan