- Không nên la mắng con?
– Lá ơi, em đã dặn thằng con em ở nhà thấy nắng thì hạ mành xuống cho đỡ nóng trong nhà, vậy mà chiều em đi làm về, chẳng thấy mành hạ xuống gì hết, em la cho nó một trận, nó tức tối nói em là không biết thông cảm, trưa nó đi học lái xe mà lái không giỏi nên nó đang bị xuống tinh thần không còn nhớ mẹ dặn gì nữa hết. Vừa phải thôi chứ, mới học có giờ thứ tư thôi, lái chưa giỏi là chuyện thường, có sao đâu mà bày đặt xuống tinh thần! Nó kiêu ngạo quá nên mới như vậy đó!
– Bạn ơi, thằng bé nó thừa hưởng tính nhạy cảm với tính cầu toàn của bạn chứ của ai, nó nói bạn không biết thông cảm nó là đúng rồi. Chưa biết gì hết mà la mắng nó rồi, nó không tức sao được?
– Mà nó không nói sao em biết được?
– Bạn về thấy nó không làm như ý mình là la nó rồi, nó còn nói gì được cho bạn biết chứ? Sao trước tiên bạn không nhẹ nhàng hỏi nó lý do tại sao nó không làm như lời bạn dặn?
– Em không chủ trương cứ nhẹ nhàng với con đâu, em phải tập cho nó quen, chứ mai mốt nó ra ngoài xã hội người ta không đối xử nhẹ nhàng với nó, nó sẽ bị sốc thì lại khổ cho nó.
– Lá không nghĩ như vậy, chắc chắn khi ra đời nó sẽ gặp nhiều va chạm và sẽ bị buồn phiền chán nản. Lúc đó, nếu nó biết còn có gia đình là chỗ nó được vỗ về yêu thương thì nó sẽ về với gia đình, nhưng nếu gia đình cũng đối xử khắc nghiệt với nó, nó sẽ đi tìm quên lãng trong những thứ khác như rượu chè, cờ bạc, ma tuý đó bạn.
– Ừ há. Nhưng nếu em không la mắng con em thì làm sao em dạy nó được đây?
– Sửa dạy khác với la mắng chứ bạn, nhất là la mắng con khi thấy nó không làm theo ý mình là không những không sửa dạy gì hết mà còn gây ra cho nó những tình cảm tiêu cực nữa đó. Thật vậy, lúc đó bạn la mắng nó vì bạn không được vừa ý chứ đâu vì lợi ích gì của nó, vậy nó sẽ nghĩ mẹ không yêu thương gì mình, nhất là nếu nó có lý do chính đáng, nó sẽ còn cảm thấy bị oan ức vì bị mẹ đối xử bất công nữa đó.
– Chứ lá nói em phải làm sao bây giờ?
– Trong bất cứ trường hợp nào khi bạn không thấy con làm theo như lời bạn thì trước tiên bạn phải bình tĩnh hỏi con lý do tại sao. Khi con đưa ra lý do chính đáng thì bạn đâu có gì phải nói lại nữa. Khi nó không đưa ra được lý do chính đáng, lúc đó bạn mới có thể làm mặt nghiêm để sửa dạy nó, nhưng chỉ nghiêm nét mặt chứ đâu cần lớn giọng với con, vì như thế nó đâu thèm nghe, nhưng bạn nói nhẹ may ra còn lọt tai nó đó. Vả lại, chỉ người đang tức giận hay mất bình tĩnh mới to tiếng, và có nói gì lúc đó thì cũng chẳng đáng để ai nghe.
– Thật ra thằng con em nó cũng hay quên lắm, vậy đó có phải là lý do chính đáng không?
– Thế bạn có bao giờ quên không?
– Có chứ nhưng không nhiều bằng nó.
– Nhiều ít không kể, mình cũng quên mà không cho người ta quên sao được? Nhưng khi bạn quên, có người trách móc bạn, bạn có thấy điều đó là đúng không?
– Đương nhiên họ có quyền trách móc em, nhưng em quên mà, chứ em có cố tình đâu, nên rồi cũng đành chịu, biết sao bây giờ?
– Vậy con bạn có quên thì cũng vậy thôi, huống hồ nó lại đang có tâm trạng buồn, mẹ không quan tâm đến điều đó, chỉ biết ý mình không được “thể hiện” là tức điên lên, rồi đổ cơn tức xuống đầu nó, bạn cứ xử sự như thế sẽ làm con xa lánh bạn đó.
– Thôi, em hiểu rồi, để em vào xin lỗi nó vậy. Em cám ơn lá nhe.
Bài 139 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.