LTD Bài 138 – Yêu thương đúng cách

Lưu Thùy Diệp.

by snHuyenBang

 

  1. Yêu thương đúng cách

– Con ơi, sao con lại nói với con gái con: “Hun ba cái coi, ba thương”.

– Ủa, sao không được lá, con thấy cha mẹ nào cũng nói với con như vậy mà.

– Nhưng con có biết khi con nói thế, con đã in vào đầu con gái con là nếu nó muốn được con thương thì phải có điều kiện, và yêu thương là một việc đổi chác không?

– Nó nhỏ mà, làm gì mà nó nghĩ được như vậy lá?

– Một đứa bé nó là tờ giấy trắng, con in vào đầu nó điều gì thì nó chỉ biết điều đó và nó đâu biết gì là đúng sai, nó cứ theo như thế mà sống cho cả đời nó. Nên con in điều đúng thì nó được nhờ, còn in điều sai thì nó cứ sống sai cả đời thì sao nó hạnh phúc được con? Khổ nỗi, cha mẹ thường không biết chính mình là nguyên nhân đầu tiên gây ra vấn đề cho con, rồi nó sống hư thì lại la mắng nó, có phải là bất công cho nó không? Rồi chính con, con có hạnh phúc không khi thấy con mình không được hạnh phúc?

– Trời ơi, có một câu nói đó của con, lá làm gì suy ra dữ vậy?

– Chỉ cần nghe một câu nói đó, lá cũng thấy con không ý thức được vấn đề, và không chỉ mình con, mà có thể nói là phần lớn cha mẹ người Việt mình cũng như con vậy đó. Con mình nó là “sản phẩm” do mình tạo ra, vậy mà khi thấy sản phẩm không được tốt, mọi tội cứ đổ lên đầu nó, trong khi chính mình phải nhìn lại mình và tự hỏi, mình đã làm gì để con mình nó ra không tốt như thế để điều chỉnh lại, nhưng nếu làm sớm thì may ra còn cứu vãn được, để trễ thì làm sao bẻ lại được nữa đây?

– Đâu, vậy lá phân tích lại kỹ giùm con là con không đúng ở điểm nào đi.

– Này nhé, khi nó thấy nó phải làm vừa lòng con, con mới thương nó: nhỏ chút xíu là cái hôn vậy thôi, rồi lớn lên một chút, con nói nó ngoan thì con mới thương và thưởng đồ chơi, rồi lớn hơn chút nữa, con lại nói nó học giỏi thì con mới thương và mới cho đồ xa xỉ như điện thoại đi động, xe gắn máy, v.v., thế là hình thành trong đầu nó điều kiện được yêu là phải làm vừa lòng người kia, và cả đời nó áp dụng “mô hình” này và cũng đòi hỏi người muốn nó yêu điều kiện y hệt như vậy. Ngoài ra, nó cũng sẽ đo lường tình yêu bằng những món quà vật chất, quà càng đắt tiền là càng yêu. Dựa trên hai tiêu chuẩn như thế, làm sao nó có được tình yêu đích thật với ai để được hạnh phúc đây? Chưa kể là nếu nó không cảm thấy được yêu thương đủ trong gia đình, thì bắt đầu từ tuổi thanh thiếu niên, tuổi chưa đủ khả năng suy xét nhưng đủ khả năng hành động, đặc biệt nơi những đứa có cá tính, một cách vô thức, nó sẽ tìm cách bù đắp lại khoảng trống yêu thương đó, và tuỳ mỗi đứa, nó sẽ có cách của nó để lôi kéo sự chú ý, ngưỡng mộ, hay nể sợ của người khác. Vì vậy, nó phải “chơi nổi”, đứa thì qua bề ngoài như tóc xanh tóc đỏ, xâm mình đầy người hay ăn mặc dị hợm; đứa thì qua lời nói như “nổ” hay nịnh trên nạt dưới; đứa thì qua hành động như đua xe hay hút thuốc rồi ma tuý. Tóm lại, những thanh thiếu niên mà xã hội vẫn coi là “ăn chơi hư hỏng” thường là nạn nhân trước tiên của gia đình như thế, sau đó mới là của xã hội. Vì những em được cha mẹ yêu thương đúng cách, thì cũng khó bị xã hội lôi kéo lắm.

– Lá nói yêu thương đúng cách là sao?

– Là yêu thương cách vô vị lợi và vô điều kiện đó con, mình phải yêu thương nó vì lợi ích của nó chứ không phải của mình, và nó có ra sao mình vẫn yêu thương nó. Cha mẹ yêu thương con đúng cách là phải để giờ ở bên cạnh con, chơi với con để hiểu con, tránh la mắng để nó không sợ mà tâm sự với mình mọi điều thì mình mới biết đường hướng dẫn và điều chỉnh ngay khi nó có gì không phải. Cha mẹ cũng không bao giờ lấy vật chất mà thay thế tình cảm của mình hay mua chuộc tình cảm của con. Nên thật tệ hại khi cha mẹ cứ lo làm ăn, rồi lấy vật chất bù đắp sự vắng mặt của mình hoặc cha mẹ cứ nghĩ khi xưa mình sống nghèo khổ nên bây giờ mình hy sinh cho con được sống sung sướng và nuông chiều nó đủ điều. Họ cứ tưởng như thế là thương con mà thật ra lại là làm hại con. Rồi nếu vì vậy mà nó đi đến chỗ hư hỏng thì lại trách cứ hay ghét bỏ nó, cho rằng nó vô ơn, bất hiếu, thật là tội cho nó, con thấy không?

– Dạ, con hiểu rồi. Con cám ơn lá.

 

Bài 138 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan