- Người hay ta “kỳ”?
– Lá ơi, em có chuyện này làm em hơi bất an. Cũng chẳng có gì quan trọng đâu. Hôm bữa em có chút bất đồng ý kiến với một chị trong nhóm, nên cuối buổi họp, nhóm em chia tay nhau trong không khí hơi căng thẳng một chút. Mấy bữa nay em không thấy chị ấy nhắn tin gì cho em như mọi khi, em nghĩ chắc chị ấy giận em rồi.
– Chuyện làm việc với nhau không cùng ý kiến là chuyện thường, mà nếu người ta giận thì là chuyện của người ta, bạn không giận thì thôi chứ tại sao lại bất an?
– Thật ra, nghĩ lại, em thấy có thể em cũng làm chị ấy bị tổn thương vì lúc đó tuy em trả lời cách hòa nhã nhưng trong bụng em cũng đang bực chị ấy lắm.
– Ồ, bạn đang bực, vậy chắc chắn điều đó cũng thể hiện qua giọng nói và chị ấy cảm nhận được đấy. Vậy bạn xin lỗi chị ấy đi.
– Ủa, em có làm gì chị ấy đâu, em xin lỗi cái gì đây?
– Bạn không làm gì, sao chị ấy lại giận? Chỉ là bạn không cố tình, nhưng vô tình, thì bạn cứ xin lỗi vì vô tình nói gì làm chị ấy giận đi.
– Nhưng em nghĩ vậy thôi, chứ chưa chắc chị ấy giận em, để cuối tuần này đi họp gặp nhau em xem thái độ chị ấy ra sao rồi mới xin lỗi.
– Thấy ra lỗi mình thì làm ngay đi cho lòng thanh thản. Đức Phật có nói, trước khi nói điều gì mình phải xem điều nói ra có thật không, có nhân ái không và có lợi cho ai không? Một khi bạn đã nhận ra mình thật sự làm tổn thương người ta dù vô tình, thì lời xin lỗi luôn nên nói ra ngay vì chắc chắn hai tiêu chuẩn sau là có rồi đó. Nó vừa giải thoát cho bạn và cho cả người kia nữa, mà nếu như người kia không giận bạn thật như bạn nghĩ, nó chẳng bao giờ làm cho bạn hố mà chỉ cho thấy bạn khiêm tốn thôi, và như thế sẽ làm cho tương quan giữa bạn và người kia thêm tốt đẹp nữa đó.
– Thật ra, em thấy chị này cũng kỳ lắm, ngay từ đầu em cũng đã thấy không hợp với chị ấy rồi.
– Nội bạn có cảm giác như thế cũng đủ để bạn hay có đụng chạm trong tương quan với chị ấy rồi, đúng không?
– Em cũng mới vào nhóm và đây là lần đầu thôi.
– Bạn ơi, nếu bạn còn làm việc chung với chị này, bạn chuẩn bị đi. Bạn là người có cá tính, và chắc hẳn chị này cũng thế. Người có cá tính thường có nhiều khả năng và có nhiều sáng kiến, vì vậy họ có nhiều ý kiến nữa và rất hăng say nhiệt tình trong công việc. Gặp người ít cá tính hay có cá tính nhưng hợp thì không có vấn đề gì, nhưng gặp ai không hợp thì vì họ vừa làm nhiều vừa nói nhiều nên chắc chắn họ cũng đụng chạm nhiều thôi. Đã không cùng tính cách như thế, thì như bạn nói đó, người này sẽ luôn thấy người kia kỳ. Mà hai người cứ thấy nhau kỳ thì làm sao làm việc được với nhau đây?
– Thì em thấy chị ấy kỳ thật em mới nói chứ.
– Đúng, chị ấy kỳ, nhưng chỉ là kỳ so với chuẩn mực của bạn thôi, nếu vậy bạn đã lấy mình ra làm chuẩn để phán xét người ta đó, đồng thời, bạn cho rằng chỉ có chuẩn mực của mình là đúng, như thế là vừa rơi vào tội xét đoán lẫn kiêu ngạo đấy.
– Chứ em phải làm sao đây?
– Mỗi lần bạn nhận ra nơi người ta có cái gì khác với bạn, thì bạn phải xem như bạn vừa khám phá ra một điều mới lạ nơi người ta và điều chỉnh lại nhận định và mong đợi bạn có đến bây giờ về người ta, để biết cách hành xử cho phù hợp với người ta hơn, và cứ như thế sẽ dần dần đi đến hiểu biết và hành xử đúng với nhau hơn. Còn nếu nhất định là người ta “kỳ” thì bạn đã để nguyên một cái thành chắn cái nhìn của bạn về người ta, nói cách khác là có thành kiến về người ta, và nếu cả hai bên cứ giữ thành như vậy thì làm sao làm việc với nhau đây? Rồi chắc chắn phải có đụng độ thôi bạn ơi!
– Khó há, nhưng thôi em sẽ cố gắng.