LTD Bài 133 – Đừng phán xét

Lưu Thùy Diệp.

by snHuyenBang

 

  1. Đừng phán xét

– Lá ơi, Chúa dạy mình đừng phán xét người khác, mà sao làm được? Bộ như vậy là rõ ràng mình thấy người ta làm xấu mình cũng phải nói là người ta làm tốt hả lá?

– Không, khi mình đã nhận định và thấy người ta làm xấu thì mình phải biết là người ta làm xấu chứ, có điều mình đừng đồng hóa con người với hành động của họ để khi thấy họ làm điều gì xấu thì cho họ là người xấu.

– Nhưng trên đời phải có kẻ xấu người tốt chứ, nếu nói không có ai xấu hết, sao được lá?

– Bạn ơi, ai muốn đi theo Chúa thì phải đi ngược lại với đời, đúng không? Nên Chúa luôn đòi mình làm chuyện ngược đời như thế. Nếu mình cứ lấy con mắt người đời nhìn mọi sự, thì đúng là mình không thể làm những gì Chúa đòi hỏi hay chỉ làm theo được nửa vời rồi đâm nản.

– Vậy chứ em phải làm sao để không phán xét lá?

– Dưới con mắt của Chúa không có kẻ xấu người tốt đâu, nhưng tất cả chúng ta đều là bệnh nhân nên Chúa mới phải đến cứu, người bệnh nhiều, kẻ bệnh ít, người ngã bệnh lúc này, kẻ lúc khác vậy thôi. Và khi bệnh nhân đến, bác sĩ chỉ lo khám xét rồi chữa trị, chứ đâu bao giờ có thái độ chỉ trích hay ghét bỏ bệnh nhân hoặc chê bai bệnh nặng bệnh nhẹ. Rồi bác sĩ cũng không đi kể lại cho ai nghe bệnh nhân mình có bệnh gì và bệnh ra sao, trừ khi là phải hội chẩn với đồng nghiệp để tìm hướng chữa trị tốt hơn cho bệnh nhân. Chúa cũng muốn mình là bác sĩ của nhau như vậy đó. Hôm bữa lá cũng nghe được trên YouTube, có vị khuyên mình nên có thái độ như người chủ tiệm sửa xe: ai đem xe tới sau một tai nạn thì họ chỉ lo đập lại sườn xe và sửa cho máy chạy tốt, chứ lúc đó đâu có trách người ta chạy xe không cẩn thận hoặc than xe bị dúm dó hay hư hỏng này kia.

– Nhưng bác sĩ cũng phải dặn dò bệnh nhân để họ tránh bị bệnh lại thì mình cũng phải nói cho người làm điều xấu biết để họ đừng làm lại nữa chứ lá.

– Đúng, nhưng nếu mình chưa có được tâm thức của bác sĩ là làm mọi sự vì lợi ích của bệnh nhân, thì những gì mình nói ra sẽ là phán xét đó.

– Nhưng tại sao Chúa cho mình khả năng phán xét mà lại không cho mình quyền phán xét vậy?

– Vì những gì mình có thể phán xét, hay nói theo nghĩa tích cực là nhận định, với trí óc và giác quan, hay ngay cả với con tim của mình, thì rất là giới hạn và phiến diện. Tuy nhiên, nhận định là cần thiết để giúp mình điều chỉnh dần dần hiểu biết và do đó điều chỉnh thái độ và cách hành xử của mình để tránh gây tổn thương cho người khác cũng như cho chính mình. Nhưng khả năng phán xét lại không đủ để giúp mình nhìn toàn diện một con người, vì mỗi con người là một thực thể vô cùng phức tạp, với quá khứ, môi trường sinh sống và tâm sinh lý khác nhau. Tất cả những yếu tố này đều tác động lên mọi việc làm và lời nói của chúng ta, nhưng chúng ta lại không thấy được bề dày lịch sử đó của mỗi người, nên phán xét của chúng ta chỉ như là mù sờ voi thôi thì làm sao đúng nổi, bạn thấy không?

– Thì ít nhất mình nói lên khía cạnh mà mình thấy được, nó cũng là một sự thật vậy, và khi đóng góp vào sự thật của từng người khác thì cũng cho thấy được một sự thật rõ ràng và rộng lớn hơn chứ.

– Cái đó là cách làm của khoa học đó bạn. Mỗi công trình nghiên cứu khoa học đều góp phần làm rõ thêm sự thật về một vấn đề nào đó. Nhưng để có thể công bố kết quả, người ta đã phải dày công nghiên cứu, kiểm chứng, đồng thời chứng minh phương pháp nghiên cứu là đáng tin cậy, và người ta làm tất cả những việc này vì sự tiến bộ của nhân loại. Còn nếu mình phán xét để nói lên một điều xấu nào đó, mình có đi theo những bước như vậy và có vì lợi ích của ai không? Vả lại, lời nói và việc làm của con người rất là phù du, nay nói này mai đã nghĩ khác, nay làm thế này mai đã quên mất hay đã ân hận về việc làm đó, mình hay người ta cũng vậy, nên chấp nhau làm gì? Đàng nào mình cũng không phán xét đúng về nhau, chi bằng cứ nghĩ tốt cho nhau để tâm hồn luôn được thanh thản, không đúng cũng chẳng hại ai, mà có khi nhờ vậy người kia cố gắng sống tốt như mình đã nghĩ lầm về họ và trở nên tốt thật. Còn nghĩ xấu cho ai, chắc chắn đã là không đúng và không có lợi cho ai rồi, lại còn gây bực tức cho mình lẫn cho người ta, rồi đi đến rạn nứt hay đổ vỡ quan hệ nữa, bạn thấy không?

– Vâng, em hiểu rồi. Cám ơn lá.

Bài 133 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan