LTD Bài 128 – Lời Chúa và tâm lý học

Lưu Thùy Diệp.

by snHuyenBang

 

  1. Lời Chúa và tâm lý học

– Lá ơi, chị có theo dõi blog của lá, cho chị nói thêm với lá về vấn đề tâm lý nhé.

– Dạ, thế thì tốt quá, xin chị cứ nói.

– Như mọi khoa học, tâm lý học cũng dựa trên việc quan sát và rút ra những định luật dựa trên những hiện tượng thường xuyên xảy ra trong những điều kiện nhất định, và trong tâm lý học, đó là các hiện tượng ý thức và vô thức trong hành vi của con người, từ đó người ta có thể suy ra cảm xúc và tư duy của họ. Những quan điểm của các bạn lá đưa ra để nhận xét về lá hoặc về cách lập luận của lá mà theo họ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực cho người được lá hướng dẫn hoàn toàn là đúng về mặt tâm lý học, nhưng trong thực tế thì đã không xảy ra như họ nghĩ, lá biết tại sao không?

– Như thánh Phaolô nói: “Yêu thương thì hơn lề luật”, vậy lá nghĩ “yêu thương cũng hơn tâm lý học”, vì như chị vừa nói, tâm lý học cũng chỉ là một hệ thống quy luật về tâm tư tình cảm của con người vốn sống chủ yếu theo bản năng, nên nó không thể giải thích được hành vi của những người sống câu nói này của thánh Âugustinô: “Yêu đi rồi muốn làm gì thì làm”. Cũng vì thế mà người cùng thời với Chúa Giêsu không hiểu được Chúa nên mới cho Chúa là điên khi thấy Chúa không hành xử như họ, phải vậy không chị?

– Lá nói đúng. Như khi xưa trong Cựu Ước, người Do Thái cũng chỉ dựa trên lề luật Chúa ban để sống tốt đẹp với nhau, thì con người thời nay cũng có thể sống tốt đẹp với nhau khi áp dụng các định luật tâm lý, do đó, các sách về đắc nhân tâm mới bán chạy đó. Nhưng Chúa Giêsu đã đến kiện toàn lề luật Do Thái bằng luật yêu thương để đưa con người đến hạnh phúc viên mãn, thì cũng chỉ có luật yêu thương của Chúa mới đưa con người thời nay và mọi thời đến hạnh phúc viên mãn mà thôi.

– Vì vậy mình phải đọc Lời Chúa trong sách Tin Mừng để biết luật yêu thương Chúa dạy mà sống hả chị?

– Đúng, nhưng chưa đủ, vì luật yêu thương Chúa dạy đi ngược lại với tâm lý con người, nên muốn thực hành được luật này trong cuộc sống, mình còn phải yêu mến rồi gắn bó với Thầy Giêsu và noi theo gương Ngài với sự trợ giúp của Thánh Thần Ngài nữa. Và các thánh là những người đã sống được luật yêu thương ở mức độ cao nhất đó lá.

– Vậy chuyên viên tâm lý phải có thêm đời sống kết hiệp với Chúa nữa mới giúp được giải quyết rốt ráo những vấn đề trong đời sống tương quan, phải không chị?

– Thật ra, nếu chỉ nghiền ngẫm Lời Chúa không thôi thì có khi còn hơn một nhà tâm lý nữa đó, vì còn ai rành tâm lý con người hơn là Đấng đã tạo dựng nên con người, mà người Kitô hữu lại được học trực tiếp từ Đấng ấy? Có điều những gì Ngài dạy không được trình bày dưới dạng hệ thống tư tưởng như một môn khoa học, nên mình có cảm giác như không nắm được kiến thức bài bản như trong tâm lý học vậy thôi. Vì thế, người có đời sống cầu nguyện không nhất thiết phải qua trường lớp tâm lý học vẫn biết được tâm tư con người, mà còn rõ hơn nữa. Quả thật, khi cầu nguyện là lúc mình học cùng Chúa Thánh Thần dưới ánh sáng của sự thật, do đó mình sẽ thấy được rõ con người mình và suy từ chính mình, mình sẽ biết rõ về con người nói chung. Khi nhận ra mình là thụ tạo khốn cùng và chỉ tồn tại nhờ vào lòng thương xót của Chúa thì làm sao mình không dựa trên lòng yêu thương ấy để đối xử với anh chị em cũng khốn cùng như mình được? Và khi đã yêu thương rồi, thì tự nhiên cách xử sự của mình sẽ trở nên tinh tế và mình không cần phải nhớ đến định luật này kia trong tâm lý học để áp dụng nữa. Cũng vì vậy mà chỉ sống lời khuyên nói trên của thánh Âugustinô là đủ rồi đó lá.

– Lá theo mô hình Cenacolo nên cứ quả quyết không cần tâm lý để giúp mấy em cai nghiện, chỉ cần Chúa và tình yêu thương thôi, nhưng không mấy ai đồng ý với lá. Hôm nay chị giải thích như vậy thì lá an tâm rồi, lá cám ơn chị nhiều nhé.

Bài 128 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan