LTD Bài 117 – “Họ không biết việc họ làm”

Lưu Thùy Diệp

by snHuyenBang

 

  1. “Họ không biết việc họ làm”

Để thông ban đời sống và hạnh phúc của Chúa cho con người, Chúa đã đặt con người là cùng đích của công trình tạo dựng. Vì vậy, khi chúng ta không tôn trọng con người như họ là và biến họ thành phương tiện cho một mục đích khác, không những chúng ta vi phạm trật tự của Chúa mà còn xúc phạm đến Chúa và anh chị em mình nữa, và hành vi này được xem là tội. Thế mà dường như tôi cũng như nhiều người vẫn thường phạm tội này mà không hay biết, thậm chí còn tưởng mình làm điều tốt nữa. Tôi xin đơn cử một số ví dụ sau đây.

Trong tương quan hằng ngày, tôi hay muốn người khác làm theo ý mình, hoặc tôi muốn chiếm hữu, điều khiển, lèo lái họ. Để đạt được mục đích này, tôi thường dùng sự khéo léo hay địa vị ưu thế của tôi, hoặc lòng tham lam hay tình cảm mềm yếu của họ để “mua” sự thuần phục của họ đối với tôi. Xét cho cùng, hành vi này cũng chẳng khác gì mấy so với hành vi của người dùng tiền để mua lạc thú nơi những cô gái buôn hương bán phấn. Vậy mà trong trường hợp này tôi lên án họ ngay là đã phạm tội vì biến người khác thành phương tiện để thỏa mãn nhục dục, nhưng tôi lại không thấy được tôi cũng đang biến biết bao người xung quanh thành phương tiện để thỏa mãn cho cái tôi của mình.

Để con người sống và truyền sinh qua các thế hệ, Chúa ban cho họ sự khoái cảm trong hai hành động căn bản là ăn uống và ăn ở với nhau. Nhưng khi lẫn lộn phương tiện và mục đích để biến sự khoái cảm thành mục đích khiến con người làm những hành động này một cách bừa bãi và vô độ, như vậy là họ đã phạm tội rồi. Tương tự như thế khi họ đắm chìm trong một công việc hay một thú vui nào đó đến độ tiêu hao sức khỏe và không còn giờ cho những sinh hoạt thiết yếu khác trong cuộc sống hằng ngày, khi chưa đi đến mức nghiện ngập rõ rệt, có mấy ai nhận ra mình đang phạm tội vì đã tự biến mình thành phương tiện để phục vụ cho đam mê hay dục vọng của mình?

Trong văn hóa Á Đông, cha mẹ cũng thường vô tình biến con cái thành phương tiện mà vẫn nghĩ họ đang yêu thương con và chỉ hành động vì hạnh phúc của con. Nhưng vì đối với họ chỉ có tiền và quyền mới đem lại hạnh phúc, nên họ biến hai tiêu chuẩn này thành mục đích mà họ hướng con nhắm đến, dù có trái ý con. Thật vậy, khi con phải chọn ngành nghề cho tương lai, họ không hướng dẫn con chọn theo năng khiếu nhưng làm áp lực để con chọn ngành nghề nào đem lại nhiều tiền bạc hay nhiều quyền thế trong xã hội. Khi con đến tuổi lập gia đình, họ cũng ngăn cản con lấy người mình yêu nếu như người đó không có một trong hai tiêu chuẩn trên. “Chồng chúa vợ tôi”, “Trọng nam khinh nữ”, “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” là những câu điển hình mô tả xã hội Khổng Nho và cho thấy rõ là người phụ nữ không được tôn trọng và chỉ được xem như phương tiện để phục vụ cho phái nam.

Lần kia, người ta đưa đến cho tôi một bé gái không biết là bị bỏ rơi hay đi lạc vào xóm tôi và không được ai đến tìm về sau hơn một ngày. Họ khuyên tôi nên nhận em làm con nuôi, vì tôi vốn độc thân, như thế tôi sẽ có con cho vui cửa vui nhà và nhất là sau này có người chăm sóc cho tôi trong lúc tuổi già. Thôi thì “trước mua vui, sau làm phúc”, “nhất cử lưỡng tiện”, thế thì còn gì bằng? Nhưng tôi đã từ chối khi ý thức rằng làm như thế là tôi dùng em như phương tiện để phục vụ cho tôi và nếu họ thương em thật sự, họ phải kiếm cho em một cặp vợ chồng làm cha mẹ để em có được một đời sống quân bình sau này.

Nếu chúng ta không học được ở Chúa lòng yêu thương đích thật và tinh tuyền, chúng ta dễ tưởng mình yêu thương người khác, trong khi chúng ta chỉ muốn chiếm hữu họ làm phương tiện cho mình, khi thấy họ thỏa mãn được những nhu cầu nào đó của mình. Phải chăng tất cả các vấn đề trong đời sống hôn nhân và gia đình bắt nguồn từ đây? Chắc hẳn Chúa Giêsu phải luôn xin cùng Chúa Cha cho chúng ta: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm.” (Lc 23,34)

 

Bài 117 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan

@2023 – All Right Reserved. Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình Giáo Phận San Jose