LTD Bài 116 – Con dao hai lưỡi

Lưu Thùy Diệp

by snHuyenBang

 

  1. Con dao hai lưỡi

Kinh nghiệm cho tôi thấy lời khuyên hay lời góp ý dễ gây ra phản tác dụng. Tôi rất tâm đắc khi đọc được một câu đại khái nói rằng mình chỉ nên cho lời khuyên trong hai trường hợp: khi được hỏi hoặc khi nguy kịch. Nhưng câu Lời Chúa trong Êdêkien 33,8 lại nhắc nhở tôi: Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa, thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó, nên nhiều khi, vì bổn phận, tôi vẫn phải góp ý khi không được hỏi và nguy hiểm thì chưa cận kề.

Lời khuyên hàm ý mình nhận thấy có điều gì không tốt hay có thể làm cho tốt hơn nơi người khác và muốn nói để họ sửa đổi, vậy tại sao đôi khi lại gây ra sứt mẻ trong tương quan? Theo tôi, dù sao lời góp ý cũng là nhận xét về một điều tiêu cực nơi người khác và nếu mình không đủ tế nhị họ dễ cảm nhận như là một lời chỉ trích, lên án hay tấn công và sẽ khó chấp nhận. Vì vậy, chỉ khi người ta chủ động xin mình lời khuyên, lúc đó họ mới sẵn sàng đón nhận lời khuyên theo đúng nghĩa của nó. Còn nếu như người ta không xin mình lời khuyên mà mình vẫn phải nói thì tôi nghiệm thấy rằng lời khuyên chỉ có thể đạt được hiệu quả khi hội tụ được bốn điều kiện sau đây.

Thứ nhất, lời khuyên phải được đưa ra chỉ vì lợi ích của người mình muốn cho lời khuyên. Đành rằng mục đích luôn là để giúp họ được tốt hơn, nhưng nếu lời khuyên xuất phát từ “nhiệt tình” góp ý của mình hoặc từ sự khó chịu của mình trước một điều sai trái, hơn là vì mình nghĩ đến lợi ích của họ, chắc chắn lời khuyên sẽ không được cảm nhận như một lời yêu thương, thậm chí sự khó chịu sẽ được bộc lộ cách này hay cách khác khiến lời khuyên dễ bị cảm nhận như một lời chỉ trích. Do đó, khi đang bực bội hay tức giận thì không nên cho ai lời khuyên. Cũng vậy, khi đang ở giữa một cuộc va chạm, tuy mình không bực tức, nhưng lời khuyên nói ra lúc đó dù có chân thành đến đâu cũng sẽ được coi như một lời tấn công, vì không ai chấp nhận một người vừa đá bóng lại vừa thổi còi như thế.

Thứ hai, lời khuyên không được mang tính áp đặt. Khi đưa ra một lời khuyên, ai cũng mong muốn người nghe đón nhận và làm theo. Thái độ áp đặt nói lên sự thiếu tôn trọng đối với họ và một sự thiếu khiêm tốn về phía mình. Vì vậy, lời khuyên phải để cho họ cảm thấy tự do để đón nhận và không cảm thấy áy náy nếu như họ không nghe theo lời khuyên của mình.

Thứ ba, lời khuyên phải thích hợp. Nhiều khi vì không hiểu đúng người mình muốn cho lời khuyên hoặc vì không nắm rõ mọi khía cạnh của vấn đề, mình có thể đưa ra một lời khuyên không phù hợp với họ. Một lời khuyên như thế không chỉ vô ích mà lại còn tai hại nữa, vì họ có thể cảm thấy bị tổn thương rồi hiểu lầm ý mình và mất tin tưởng nơi mình.

Thứ tư, lòng tin tưởng cũng là mấu chốt để mở lòng đón nhận lời khuyên, vì vậy, chỉ khi biết chắc rằng người kia thật sự tin tưởng mình thì mình mới có thể cho họ lời khuyên được. Sự thiếu tin tưởng dễ làm cho họ không tin là mình nhắm đến lợi ích của họ và gán cho lời khuyên của mình một ý hướng khác nên không đón nhận.

Tóm lại, lời khuyên là một con dao hai lưỡi nên trước khi cho ai một lời khuyên, tôi luôn phải cầu nguyện xin Chúa cho tôi đủ khiêm tốn cùng soi sáng cho tôi và mở lòng người kia, ngõ hầu mọi sự chỉ nhằm tuân theo ý Chúa và làm sáng danh Chúa mà thôi.

Bài 116 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.

Những Bài Liên Quan