- Dĩ hòa vi quý?
Khi khôn lớn, tôi được dạy phải sống “dĩ hòa vi quý” như nguyên tắc tối ưu để có được một cuộc sống yên lành. Tôi đã nghe theo lời dạy bảo ấy nhưng tôi nghiệm ra cách đối nhân xử thế này không đem đến kết quả như mong muốn. Nếu có được yên lành thì tình trạng này chỉ là tạm thời và sau đó luôn gây cho mình bất ổn và bực bội, rồi cuối cùng là tan vỡ trong tương quan.
Thật vậy, để giữ hòa khí, tôi không dám đối đầu nên “chín bỏ làm mười”, do đó vấn đề vẫn luôn còn đó vì chưa được giải quyết rốt ráo và mỗi người vẫn giữ lập trường quan điểm của mình. Tựa như vết thương mưng mủ không được chữa trị tận gốc, lâu lâu vấn đề cứ trở lại và làm cho nhức nhối, gây xung đột và mỗi lần tôi lại áp dụng lời khuyên của cổ nhân: “Một câu nhịn chín câu lành”. “Lành” ngay trước mắt thì có đấy nhưng rồi sau đó cứ gặp nhau lại “choảng” nhau, nên thôi để giữ hòa khí, tránh gặp nhau cho rồi, tương quan do đó ngày càng rạn nứt mà không hiểu vì sao. Hai bên chỉ còn biết đổ lỗi cho nhau và suy đoán đủ điều xấu xa cho nhau và càng không thể xích lại gần nhau.
Ngoài ra, để giữ hòa khí, tôi nhận thấy tôi phải hay nói dối, nhưng lại coi đó là bình thường và vô hại, vì nghĩ mình nói dối với mục đích tốt mà. Nhưng dù sao nói dối vẫn là một phương tiện xấu, và đã là một phương tiện xấu thì làm sao đưa đến mục đích tốt một cách bền vững cho được? Trước hết, tôi nói dối với những người thân trong gia đình, bắt đầu là với cha mẹ của tôi để làm ông bà an tâm hay đừng buồn về tôi, rồi nếu ông bà có biết chuyện thì la mắng hay trách móc tôi qua loa rồi cũng xong. Sau này với con tôi khi chúng còn nhỏ, nhiều khi tôi cũng hứa cuội để cho yên chuyện ngay lúc đó, đâu ngờ rằng tôi đã vô tình làm cho con tôi mất tin tưởng vào lời nói của người lớn và làm gương xấu để chúng cũng theo đó mà hành xử sau này, và dĩ nhiên tôi là nạn nhân đầu tiên của chúng.
Nhưng tai hại nhất là khi tôi nói dối với người ngoài cũng vì mục đích để cho xong chuyện hay yên chuyện. Nhưng chuyện làm sao xong và yên được khi một lời nói dối được tiếp tục loan truyền và khi được truyền đi tiếp như thế, nó không bao giờ giữ được nguyên trạng ban đầu, nên “dối chồng dối” gây biết bao nhiêu hiểu lầm kèm theo xung đột ngoài tầm kiểm soát của tôi. Mặt khác, cổ nhân cũng có câu: “Sự thật mất lòng”, nhưng tôi cũng nghiệm ra rằng thà nói ngay sự thật, vì tuy có mất lòng trước, nhưng thường lại được lòng sau, còn hơn là nói dối để được lòng trước, nhưng sẽ luôn là mất lòng sau. Thật vậy, “cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra” nên sự thật lâu ngày rồi cũng sẽ ra ánh sáng. Lúc ấy người bị lừa dối sẽ cảm thấy bị tổn thương và khi bị đau đớn vì vết thương thì hậu quả của lời nói và hành động của người này sẽ là khôn lường và thường đưa đến đổ vỡ trong tương quan. Đó cũng là con đường ma quỷ thích dẫn chúng ta vào như Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có, ‘không’ thì phải nói ‘không’. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37).
Tóm lại, tôi nhận ra những cách đối nhân xử thế được lưu truyền từ ngàn xưa trong văn hóa Á Đông phải để cho ánh sáng Lời Chúa chiếu soi hầu mục đích và phương tiện của mọi lời nói và hành động chỉ còn tóm gọn trong hai chữ luôn phải đi cùng với nhau: “yêu thương” và “sự thật”. Trong một văn hóa chủ trương “dĩ hòa vi quý” và đặt thể diện lên hàng đầu, bác ái Kitô giáo đôi khi cũng bị ảnh hưởng. Tuy dĩ hòa vi quý giờ đây đã là vì người khác và thể diện phải giữ cũng là của người khác, nhưng bác ái có nguy cơ không được sống trong sự thật, và do đó không phải là bác ái đích thật nên không giúp đạt đến sự tự do của con cái Chúa, vì như Chúa Giêsu đã nói: “Sự thật sẽ giải thoát anh em” (Ga 8,32).
Bài 112 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.