- Xin lỗi
Không có gì cao đẹp cho bằng tiếng xin lỗi nhưng rất ít người thích nói xin lỗi, trừ khi nói trên đầu môi chóp lưỡi để xã giao mà thôi. Vì xin lỗi có nghĩa là chấp nhận mình dở, kém, tệ hơn, so với người mình xin lỗi. Do đó, phải có đức khiêm nhu thì mới dễ dàng nói xin lỗi. Vậy mà chỉ cần một lời xin lỗi chân thành thì sẽ hóa giải được mọi sự, làm tan ngay được sự căng thẳng trong quan hệ giữa hai người. Quả thật, khi xin lỗi, mình tỏ ý công nhận mình sai và người kia đúng, và cũng có nghĩa là mình công nhận họ hay, giỏi, tốt hơn mình, vì vậy họ đâu còn thấy bị xúc phạm hay tổn thương gì nữa, nên cũng chẳng có lý do gì để không tha lỗi cho mình.
Do đó, đã xin lỗi thì không nên phân trần, vì cách nào đó, phân trần hàm ý muốn nói mình không có lỗi và bị người kia hiểu lầm, hoặc muốn nói cả hai đều có ít nhiều phần lỗi. Nói như vậy lại có thể làm tổn thương người kia, vì họ cảm thấy bị chỉ trích hoặc bị đổ lỗi phần nào. Vả lại, nếu miệng mình nói xin lỗi, nhưng sau đó lại cố gắng cho thấy là mình không có lỗi thì người kia dựa trên cái gì để tha lỗi cho mình đây? Và nếu người kia nhất định không cho là họ hiểu lầm hoặc có phần lỗi, thì việc mình xin lỗi chỉ lại là dịp để lời qua tiếng lại và làm to chuyện lên mà thôi.
Còn nếu mình thấy người kia thật sự cũng có phần lỗi, nhưng khi mình hiểu ra rằng khả năng giới hạn của họ không cho phép họ nhận ra được như thế là lỗi, mình cũng nên bỏ qua mà xin lỗi trước. Có như thế thì quan hệ giữa mình và họ mới hết căng thẳng và từ đó mình mới có cơ may giúp họ thấy được điều phải trái, nếu cần. Nói chung, chỉ khi nào mình không nghĩ gì đến mình, không nghĩ gì đến bào chữa cho mình, nhưng hoàn toàn nghĩ đến người khác, nghĩ họ đang bị tổn thương vì sự xúc phạm của mình, thì lời xin lỗi của mình mới chân thành và đưa đến kết quả tốt đẹp. Còn không mình chỉ nên im lặng thì tốt hơn là xin lỗi.
Chúng ta hãy học nơi Chúa Giêsu đức khiêm nhu để sẵn sàng hạ mình và xin lỗi người khác khi nhận ra mình xúc phạm đến họ, qua lời nói, việc làm, hay do thờ ơ, thiếu sót. Có lẽ chúng ta vô tình xúc phạm đến người khác nhiều hơn là mình tưởng, vì mấy ai sống được đức ái cách trọn hảo. Sự hạ mình của chúng ta không hề làm cho chúng ta kém giá trị đi, nhưng trái lại, còn nâng chúng ta lên, tuy chúng ta không tìm cách và cũng không nên tìm cách làm như thế, vì “ai nâng mình lên thì sẽ bị hạ xuống”. Thật vậy, nếu chúng ta có khả năng hạ mình, đó là vì chúng ta có được một sức mạnh nội tâm rất lớn mà chỉ mình Chúa mới có thể ban cho chúng ta mà thôi. Và thật ra, nếu chúng ta có noi gương Đức Kitô mà hạ mình, thì chúng ta phải biết rằng cái gọi là “hạ mình” của chúng ta chẳng qua chỉ là ơn Chúa ban cho chúng ta hết có ảo tưởng về mình và trở về chấp nhận sự khốn cùng của mình trong sự thật. Đó không phải là sự hạ mình theo nghĩa đen và không giống gì sự tự hạ của Đức Kitô là Thiên Chúa và là Đấng Vô Tội.
Bài 110 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.