- Dạy “nhau” từ thuở còn “sơ”
“Dạy con từ thuở còn thơ, dạy vợ từ thuở bơ vơ mới về”, câu tục ngữ này không chỉ áp dụng cho vợ con, mà còn phải mở rộng ra cho mọi người nữa. Mọi mối quan hệ có trục trặc cũng là vì do mình không biết “dạy” người khác ngay từ đầu, cho dù người đó là thân hay sơ, là bề trên, ngang hàng, hay bề dưới của mình. Mọi mối quan hệ muốn được tốt đẹp và lâu bền đòi hỏi phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Nên khi nói “dạy” ở đây có nghĩa là mình phải có thái độ đúng đắn trong quan hệ đối xử để người ta biết tôn trọng mình như mình tôn trọng họ.
Trong quan hệ thân thiết, người ta thường tưởng là mình yêu người kia khi luôn thuần phục hay chiều theo ý họ. Nếu cả hai vợ chồng đều là những người đã trưởng thành nhân cách, nghĩa là biết tôn trọng và yêu thương nhau, thì cả hai người sẽ thuần phục và chiều theo ý nhau, nên quan hệ giữa họ chỉ có thể ngày càng trở nên bền chặt và thắm thiết hơn. Nhưng nếu người chồng có nhân cách chưa trưởng thành thì sự phục tùng của người vợ chỉ càng khuyến khích để chồng mình có thái độ “chồng chúa vợ tôi” thôi. Do đó thời nay, nên đổi lại là “dạy chồng từ thuở bơ vơ mới về” thì thích hợp hơn, để khi vừa về ở chung với nhau, chồng biết tôn trọng và yêu thương vợ, cùng chia sẻ trách nhiệm trong nhà với vợ, vì cả hai cùng đi làm như nhau. Trong quan hệ cha mẹ con cái, vì nhân cách đứa con chưa được hình thành, nên thái độ nuông chiều của cha mẹ sẽ làm đứa con trở nên ích kỷ và ỷ lại, nhân cách của nó dần dần được hình thành theo hướng xấu đó và không thể trưởng thành được, vì nó không được dạy phải biết cho đi và hy sinh cho người khác. Người như vậy bị cha mẹ làm hỏng cả cuộc đời mà cứ tưởng là thương con, do khi chỉ biết có mình thì không thể thiết lập được quan hệ tốt đẹp với ai, vì quan hệ là sự cho đi cho lại giữa hai người. Người đó cũng không được hạnh phúc trong tình yêu, còn ra ngoài xã hội cũng sẽ bị cô lập, tẩy chay. Nhiều thanh niên trong trường hợp này cố gắng chiếm lại sự chú ý và “nể phục” của người khác bằng những thể hiện “anh hùng” hay ngông cuồng như đua xe, chơi ma túy, tiêu tiền phung phí, ăn mặc dị hợm, v.v.
Còn kể đến những quan hệ ngoài xã hội, nếu nhân cách chưa được trưởng thành thì cách cư xử của người ta dễ bị ảnh hưởng bởi thái độ của đối tượng. Ví dụ người thầy không nghiêm sẽ khuyến khích học trò trây lười, người chủ dễ dãi sẽ khơi dậy lòng gian tham nơi người làm công, người nhân viên cả nể làm giám đốc thích sai khiến mình, người tốt dễ đưa người khác đến chỗ lợi dụng mình, người hiền dễ khiến người ta ức hiếp mình, v.v. Vậy, mình chỉ có thể bị sai khiến, lợi dụng, ức hiếp, v.v. khi mình để cho người ta đối xử với mình như thế qua thái độ của mình. Trong trường hợp này, chính mình không tôn trọng phẩm giá của mình thì làm sao bắt người ta tôn trọng mình được? Xét cho cùng, mình có trách người ta cũng là vô lý, vì chính mình là thủ phạm đầu tiên của những tình cảnh hiếp đáp mà mình là nạn nhân. Vậy nếu muốn thay đổi tình trạng này, chính mình phải can đảm và kiên nhẫn thay đổi thái độ nơi mình trước mới mong thay đổi được thái độ nơi người ta. Mình phải nhận thức được phẩm giá của con người không ai hơn ai và mọi người phải được tôn trọng như nhau, và mình không đặt mình vào vị thế lép vế nữa, trong khi vẫn tôn trọng mọi người.
Vì vậy, yêu thương cho đúng là cả một nghệ thuật và chúng ta không nên lẫn lộn yêu thương với tình cảm mềm yếu. Ngoài quan hệ trong đó hai người trưởng thành chỉ lấy nhu mà đối xử với nhau, trong mọi quan hệ khác, thái độ của chúng ta phải có lúc cương lúc nhu. Nếu chúng ta chỉ lấy nhu mà xử thì chắc chắn sẽ kéo theo một thái độ cương thường xuyên nơi người kia. Người có thái độ cương, thường là ở vị thế trên và về lâu dài họ cho vị thế này nghiễm nhiên là của họ và do đó người ở vị thế dưới phải có bổn phận thuần phục họ. Đến lúc người ở vị thế dưới không chịu nổi sự điều khiển, chỉ huy, ức hiếp, v.v. của họ nữa thì đã muộn, vì người ở vị thế trên khó nhận ra ưu thế họ vẫn được hưởng bấy lâu nay là bất công và không chính đáng, và nếu có thấy thì cũng khó từ bỏ một vị thế có lợi cho họ như vậy. Sự “vùng dậy” của người ở vị thế dưới thường đưa đến việc đổ vỡ quan hệ là vậy.
Do đó, phải dạy “nhau” từ thuở còn “sơ”, để sự tôn trọng được thiết lập ngay từ đầu, thì mối quan hệ mới tốt đẹp và bền vững được. Còn không biết dạy nhau thì để lâu dần, như Đức Đạt Lai Lạt Ma nói, “thái độ sẽ thành thói quen, thói quen sẽ hình thành nhân cách và nhân cách sẽ làm nên định mệnh” của mình.
Bài 108 này được trích ra từ sách của chị Lưu Thùy Diệp.